Hơn 300 giáo viên Hà Nội bức xúc vì mất cơ hội tăng lương: Bộ GD-ĐT nói gì?

15:30 29/07/2023  Giáo Dục

Liên quan đến vụ việc hơn 300 giáo viên kiến nghị vì mất cơ hội tăng lương, Bộ GD-ĐT cho biết sẽ có văn bản hướng dẫn trên tinh thần đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho giáo viên.

Vừa qua, hơn 300 giáo viên tại Hà Nội đã nộp đơn kiến nghị về Thông tư 08 của Bộ GD-ĐT khi quy định mới khiến họ mất cơ hội tăng lương dù đạt chuẩn và có hàng chục năm cống hiến cho ngành.

Theo các thông tư của Bộ GD-ĐT về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên công lập, giáo viên được chia thành ba hạng I, II, III. Tương ứng với từng hạng, giáo viên có mức lương khác nhau.

Trong đó, giáo viên tiểu học, THCS hạng II phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp hạng III từ 9 năm trở lên. Thời gian giữ hạng III được tính từ lúc giáo viên đạt trình độ chuẩn theo Luật Giáo dục 2019. Giáo viên mầm non phải có bằng cao đẳng, giáo viên tiểu học và THCS phải có bằng đại học.

Trong văn bản hướng dẫn tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên công lập Sở Nội vụ Hà Nội hôm 18/7 vừa qua cũng nêu rất rõ điều này.

Trong đơn kiến nghị, các giáo viên cho biết, hiện Sở Nội vụ Hà Nội đang triển khai thu hồ sơ dự thăng hạng cho giáo viên theo Thông tư 08 và yêu cầu giáo viên phải có bằng đại học từ năm 2014, đủ 9 năm tính đến hết thời gian nộp hồ sơ 30/8/2023 theo công văn 1783/SNV- CCVC.

Với quy định này, nhiều giáo viên đã đạt trên chuẩn trước khi bổ nhiệm xếp lương hạng III mới (tức có bằng đại học trước năm 2019 theo Luật Giáo dục) vẫn không đủ điều kiện nộp hồ sơ.

Điển hình như trường hợp của cô N.T.V (48 tuổi). Hơn 20 năm công tác, cô đạt được nhiều thành tích: Giáo viên giỏi cấp thành phố; Đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua; nhận huân chương về sự nghiệp giáo dục, có nhiều học sinh đỗ trường chuyên…Tuy nhiên, điều tréo ngoe là năm nay khi đăng ký xét thăng hạng II, hồ sơ của cô V. bị trả về vì cô mới có bằng đại học được 2 năm (theo quy định đủ 9 năm).

Thời gian công tác của cô V. còn chưa đầy 10 năm, nếu đợi 7 năm  nữa (đủ 9 năm theo quy định) mới được thăng hạng không khác nào gần về hưu cô mới nhận được mức lương đúng với bậc lương đại học và theo giáo viên đó là vô lý. Những trường hợp giống cô V. không phải quá hiếm khi hàng trăm người chung cảnh ngộ.

“Thời điểm Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực, nhiều giáo viên đã nỗ lực hoàn thành xong chương trình đào tạo cử nhân theo chuẩn quy định của Bộ GD-ĐT. Quy định trên gây thiệt thòi cho giáo viên, đặc biệt là những giáo viên lâu năm. Họ có thâm niên công tác hàng 10 năm, 20 năm, 30 năm với nhiều thành tích cao, bề dày kinh nghiệm và sự cống hiến cho nền giáo dục nhưng lại đứng trước nguy cơ không bao giờ có cơ hội được thăng hạng nữa vì quy định vô lý.

Các giáo viên cho rằng quy định phải có bằng cử nhân 9 năm mới đủ điều kiện xét thăng hạng rất vô lý, ảnh hưởng đến tiền lương và các loại phụ cấp của giáo viên”, đơn kiến nghị nêu.

Được biết, hiện lương giáo viên hạng III dao động 4,2-8,9 triệu đồng. Trong khi đó, lương giáo viên hạng II từ 7,2 đến 11,5 triệu đồng/tháng.

Liên quan đến những bức xúc của giáo viên, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT), cho biết đã nhận được đơn kiến nghị về vướng mắc trong triển khai Thông tư 08 về bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương giáo viên.

“Bộ GD-ĐT đang tập hợp ý kiến, trao đổi với Bộ Nội vụ để thống nhất ý kiến theo quy định của pháp luật nhằm đưa ra hướng dẫn trên tinh thần đảm bảo quyền lợi cao nhất cho giáo viên để các thầy cô yên tâm công tác.

Khi xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, có thể cơ quan ban hành không lường hết tất cả tình huống thực tiễn.

Trong quá trình hướng dẫn cũng như tổ chức thực hiện, nếu có tình huống phát sinh, không hợp lý chúng tôi tiếp tục xin ý kiến, điều chỉnh nên thầy cô có thể yên tâm”, ông Đức cho hay.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : giáo viênHà Nội

Các tin liên quan đến bài viết