Huyện Bù Đăng có nhiều điều kiện để phát triển cây ăn trái, trong đó sầu riêng là loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân trong những năm qua. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều vườn sầu riêng trên địa bàn huyện đang xanh tốt bỗng xuất hiện tình trạng vàng, rụng lá, khô cành và chết không rõ nguyên nhân. Điều đáng nói, dù đã tìm mọi cách để cứu chữa, tuy nhiên tình trạng cây sầu riêng chết vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, khiến nhiều hộ dân lo lắng.

SẦU RIÊNG CHẾT HÀNG LOẠT

Hơn 2 tháng trở lại đây, vườn sầu riêng 7 năm tuổi, rộng gần 4 ha của gia đình anh Vũ Xuân Hợp ở thôn 5, xã Đường 10, huyện Bù Đăng xuất hiện tình trạng lá bị vàng, héo, rễ cây bị thâm xanh, thân xì mủ, cây suy kiệt nhanh và thiếu sức sống. Dù đã tìm mọi cách cứu chữa nhưng có khoảng 60 cây bị chết và ảnh hưởng. Điều đáng nói là quy trình tưới, chăm sóc vườn cây của gia đình anh lâu nay không có gì thay đổi.

Sau khi phát hiện vườn sầu riêng bị nhiễm bệnh, anh Vũ Xuân Hợp (bìa phải) đã chủ động cắt bỏ quả để cứu cây

Anh Hợp cho biết, nếu tính số thiệt hại thì nhiều lắm, với 60 cây bị chết và ảnh hưởng, thiệt hại trong niên vụ này khoảng 6 tấn trái. Với giá sầu riêng trung bình 70 ngàn đồng/kg, thiệt hại tạm tính gần 400 triệu đồng. Đó là chưa kể để trồng được một cây sầu riêng đến khi thu hoạch gia đình đã phải đầu tư hàng chục triệu đồng. “Nhìn cây sầu riêng do mình chăm sóc bị chết xót xa lắm. Gia đình đã đầu tư hơn 3 tỷ đồng mới có được vườn sầu riêng như hiện nay. Năm nay sầu riêng bắt đầu cho thu chính, chưa gỡ được gì thì vườn cây đang bị chết dần” – anh Hợp cho hay.

Cách đó không xa, anh Đặng Văn Thái đang phải cưa bỏ từng cây của vườn sầu riêng đã mang lại bạc tỷ mỗi năm cho gia đình anh. Bắt đầu từ những nhánh nhỏ, đến nhánh lớn và cuối cùng cắt luôn thân cây. Anh Thái cho biết: Với 2 ha sầu riêng 10 năm tuổi trồng xen trong vườn cà phê, niên vụ trước gia đình thu về khoảng 1 tỷ đồng sau khi trừ chi phí. Tuy nhiên, khoảng 1 tháng trở lại đây, cây sầu riêng trong vườn bỗng dưng chết hàng loạt. Ban đầu chỉ 1-2 cây, đến nay số cây chết đã lên tới 34, 20 cây bị nhiễm bệnh làm ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của gia đình. “Năm trước, một cây sầu riêng như vậy cho thu khoảng 40 triệu đồng, bằng thu nhập cả 1 ha điều. Giờ thấy cây chết phải cưa bỏ làm củi mà xót xa quá. Vợ tôi không dám ra thăm vườn vì tiếc của” – anh Thái chia sẻ.

Anh Đặng Văn Thái xót xa cưa bỏ những cây sầu riêng bị chết để tránh lây lan qua các cây khác

Ông Đào Văn Long, Phó Chủ tịch UBND xã Đường 10 cho biết, năm 2023 trên địa bàn xã có hơn 150 hộ trồng sầu riêng, với diện tích khoảng 200 ha. Con số này có xu hướng tăng nhanh trong thời gian gần đây vì sầu riêng đang là cây trồng cho giá trị kinh tế cao. Trước tình trạng sầu riêng chết hàng loạt chưa rõ nguyên nhân khiến nhiều hộ dân lo lắng, chính quyền địa phương đã vận động người dân tiêu hủy cây sầu riêng bị chết để tránh lây lan diện rộng, đồng thời phối hợp với ngành nông nghiệp huyện kiểm tra, tìm nguyên nhân để kịp thời hỗ trợ người dân.

TỰ ĐIỀU TRỊ CHƯA KHOA HỌC

Trước tình trạng sầu riêng chết hàng loạt, chính quyền huyện Bù Đăng phối hợp với UBND xã đã kiểm tra và làm rõ nguyên nhân là do bị ảnh hưởng bởi nhiều loại nấm bệnh. Nấm bệnh này do vườn sầu riêng được người dân trồng xen với điều, tiêu, cà phê. Bên cạnh đó, thời gian qua, Bình Phước nắng hạn kéo dài, trong khi cây sầu riêng chịu hạn kém, thiếu nước tưới khiến cây suy yếu, tạo điều kiện thuận lợi cho nấm bệnh phát triển. Mặt khác, bệnh đốm rong đã phát triển trên cành, lá, nhưng trong giai đoạn nuôi trái nông dân hạn chế chữa trị gây ảnh hưởng đến khả năng quang hợp và tổng hợp dinh dưỡng, do vậy càng tạo điều kiện thuận lợi cho nấm bệnh phát triển nhanh.

Việc “nuông chiều” cây bằng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật khiến sức đề kháng của cây bị suy giảm

Nguyên nhân dẫn đến sầu riêng bị bệnh và chết hàng loạt đã được chỉ ra cho thấy, nhiều người chưa nắm vững quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sầu riêng nên khi thấy cây bị bệnh, chỉ tìm cách chữa trị theo kiểu “đau đâu trị đó” dẫn đến tốn kém thời gian, công sức và tiền của. Mặt khác, thời gian qua sầu riêng giá cao, người trồng đã lạm dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật để nâng cao năng suất nhằm tăng thu nhập.

Chỉ 2 ha sầu riêng khoảng 10 năm tuổi, mỗi năm gia đình anh Đặng Văn Thái đã phải đầu tư hơn 260 triệu đồng tiền phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Anh Thái cho biết, từ đầu vụ tới nay anh đã xịt khoảng 500 phuy thuốc bảo vệ thực vật, thuốc dưỡng cây, đậu quả. Bình thường mỗi tuần xịt thuốc 1 lần, từ khi phát hiện cây bị bệnh, tần suất xịt tăng lên 2-3 lần.

Xịt thuốc thôi chưa đủ, từ ngày phát hiện cây sầu riêng bị bệnh, anh Vũ Xuân Hợp còn hòa từng xô thuốc bảo vệ thực vật với nước đổ trực tiếp lên gốc sầu riêng để điều trị. Anh Hợp cho biết: Với 4 ha sầu riêng 7 năm tuổi, trung bình mỗi năm gia đình đầu tư hơn 700 triệu đồng tiền phân bón và thuốc. Năm nay do cây nhiễm bệnh, gia đình đã chi hơn 300 triệu đồng mua thuốc để cứu cây. Các loại thuốc được gia đình sử dụng chủ yếu điều trị nhện đỏ, bọ hút chích và các loại nấm gây hại cây. Không chỉ xịt hằng ngày, tôi còn thường xuyên thay đổi các loại thuốc để tránh sâu bệnh kháng thuốc.

ĐỒNG HÀNH VỚI NÔNG DÂN

Theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, mục tiêu chung là phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, nâng cao thu nhập cho người sản xuất và năng lực cạnh tranh của sản phẩm; xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn gắn với nhu cầu thị trường.

Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp tập huấn cách trồng và chăm sóc cây sầu riêng cho hơn 200 hội viên nông dân trên địa bàn 

Trước tình trạng sầu riêng chết hàng loạt, ngành nông nghiệp huyện Bù Đăng khuyến cáo người dân ngoài xác định nguồn gốc đất trước khi trồng, cần sử dụng nguồn nước tưới tiêu đảm bảo, áp dụng kỹ thuật canh tác phù hợp. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra vườn để phát hiện sớm sâu bệnh và có biện pháp phòng trừ kịp thời.

Vừa qua, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đăng phối hợp với Công ty cổ phần Phát triển công nghệ sinh học tổ chức tập huấn phòng trừ sâu bệnh hại và quy trình canh tác cây sầu riêng Dona cho gần 200 hội viên nông dân. Tham gia buổi tập huấn, ngoài được kỹ sư tận tình hướng dẫn cách phòng trừ các loại sâu bệnh hại, người dân còn được chuyển giao quy trình canh tác cây sầu riêng từ giai đoạn kiến thiết đến nuôi bông, nuôi quả, thu hoạch và sau thu hoạch; quy trình quản lý cây bằng mã số.

Đại diện Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đăng cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục mở các lớp tập huấn cho cán bộ khuyến nông, trưởng các khu phố, thôn để đồng hành với nông dân trong trồng và chăm sóc cây sầu riêng đúng kỹ thuật, theo hướng an toàn và bền vững.

Theo Báo Bình Phước

Các tin liên quan đến bài viết