Quảng Ngãi là vùng đất có lợi thế về di sản văn hóa, biển đảo. Đặc biệt, vùng đất cực Nam của tỉnh không chỉ có bờ biển đẹp, nhiều điểm đến hấp dẫn mà còn có hàng chục di tích lịch sử, trong đó có nhiều khu di tích mang tầm quốc gia nên tiềm năng về du lịch rất lớn.

Điểm đến hấp dẫn

Trải dài hơn 130km bờ biển, Quảng Ngãi có những bãi tắm sạch đẹp, nên thơ như: Mỹ Khê, Sa Huỳnh, Khe Hai với những bãi cát trắng mịn, làn nước trong xanh. Kết hợp với sự đa dạng và đan xen của địa hình, khí hậu nhiệt đới gió mùa, Quảng Ngãi có một hệ sinh thái rất phong phú và nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng… Trong đó, nổi bật tại thị xã Đức Phổ có nền văn hóa Sa Huỳnh – một trong 3 nền văn minh cổ xưa của nước ta, thu hút khá nhiều nhà khảo cổ học, nhà nghiên cứu và du khách.

Một góc biển Châu Me, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi

Sa Huỳnh hiện nay (thuộc địa phận 2 phường Phổ Châu và Phổ Thạnh) có vùng di chỉ khảo cổ giá trị với hàng loạt mộ chum và nhiều hiện vật tiêu biểu cho một nền văn hóa cổ xưa. Tại đây còn có đầm An Khê là di sản thiên nhiên – khảo cổ đặc biệt giá trị. Sa Huỳnh còn được biết đến với một bãi biển đẹp chạy dài 6km hình lưỡi liềm, được “trang điểm” bởi dãy núi Cấm, thắng cảnh ghềnh đá Châu Me và những đảo Khỉ, hòn Bẹp, hòn Dù, hòn Khu Ông, hòn Son… trở thành điểm đến hấp dẫn du khách.

Một điểm đến nổi tiếng khi đến Sa Huỳnh không thể bỏ qua, đó là làng Gò Cỏ ở phường Phổ Thạnh. Nơi đây hội tụ tinh hoa của văn hóa Sa Huỳnh, Chămpa và Đại Việt. Gò Cỏ từ lâu được xem như viên ngọc quý của ngành du lịch Quảng Ngãi. Ngôi làng cổ ngàn năm tuổi vẫn giữ được diện mạo thuần chất đã và đang được đầu tư phát triển du lịch cộng đồng thu hút nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Thị xã Đức Phổ còn nổi tiếng với bãi biển Châu Me. Đó là một vịnh biển còn hoang sơ. Không gian Châu Me là bản phối màu tuyệt đẹp của thiên nhiên với thảm cát vàng, rừng dương, biển xanh trong…

Tập trung phát huy tiềm năng

Theo lãnh đạo thị xã Đức Phổ, thực hiện Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy Quảng Ngãi, địa phương xác định phát triển du lịch, dịch vụ gắn với phát triển kinh tế – xã hội, nhằm góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống người dân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ 2020-2025. Thời gian qua, thị xã Đức Phổ cũng đã thực hiện việc quản lý, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử – văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn để kết nối, thu hút du khách đến tham quan vùng cực Nam của Quảng Ngãi. Địa phương đã tăng cường quảng bá, giới thiệu hình ảnh Đức Phổ đến với công chúng qua các phương tiện truyền thông…

Song lĩnh vực du lịch của thị xã vẫn còn một số hạn chế. Đó là hạ tầng du lịch, việc trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, thiết chế về văn hóa, thể thao chưa ngang tầm với yêu cầu phát triển hiện nay. Cơ sở hạ tầng các điểm du lịch chưa đồng bộ. Công tác kêu gọi, xúc tiến đầu tư các dự án còn chậm. Chất lượng các loại dịch vụ còn yếu. Nhiều điểm du lịch lịch sử chưa được khai thác hiệu quả…

Nhằm phát huy tiềm năng du lịch của địa phương, thời gian tới, Đức Phổ tiếp tục đầu tư và thu hút đầu tư phát triển hạ tầng các khu, điểm du lịch như: Khu du lịch Sa Huỳnh, các điểm du lịch – dịch vụ ở Phổ An, Phổ Vinh, Phổ Châu…; xây dựng cơ sở lưu trú gắn với phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, nhất là nhà hàng, khách sạn chất lượng cao đáp ứng nhu cầu du khách…

Theo Báo Bình Phước

Từ khóa : du lịchDu lịch biểnphát triển du lịchQuảng Ngãi

Các tin liên quan đến bài viết