23-3 sẽ là một ngày đặc biệt của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Phước. Bởi lẽ, đây là lần đầu tiên, công trình trên mảnh đất Bình Phước thân yêu – “Quảng trường 23-3” sẽ chính thức được gắn tên tại trung tâm thị xã Đồng Xoài. Đặc biệt hơn, lần đầu tiên cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh cùng hướng về ngày 23-3 với lễ kỷ niệm 42 năm Ngày giải phóng Bình Phước, với nhiều hoạt động chào mừng sôi nổi, giàu ý nghĩa ngay tại “Quảng trường 23-3”.

Với nhiều người Bình Phước, ngày giải phóng Phước Long 6-1-1975 không còn xa lạ, vì đó là ngày tỉnh đầu tiên ở miền Nam trong chế độ cũ được giải phóng hoàn toàn. Ở phạm vi một huyện, Lộc Ninh là huyện đầu tiên của miền Nam được giải phóng vào ngày 7-4-1972… Nhưng ngày giải phóng tỉnh Bình Phước 23-3-1975 còn khá mới mẻ trong trí nhớ của người dân. Bởi 23-3 được chọn là ngày giải phóng tỉnh Bình Phước cách đây chưa lâu (ngày 21-4-2015, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất quyết định chọn ngày 23-3-1975 là ngày giải phóng Bình Phước). Vì thế, trong ký ức của đa số người dân Bình Phước, đặc biệt là thế hệ trẻ, thì ấn tượng về ngày 23-3 chưa sâu đậm. Nhưng đối với những cán bộ lão thành, những người từng trải qua chiến tranh giải phóng thống nhất đất nước, 23-3-1975 là một ngày không thể nào quên. Bởi đó là ngày đánh dấu toàn bộ đầu não tỉnh Bình Long của chế độ ngụy quyền Sài Gòn hoàn toàn sụp đổ cũng như toàn bộ địa bàn của tỉnh Bình Phước bây giờ được hoàn toàn giải phóng, là ngày vỡ òa niềm vui chiến thắng sau hai cuộc kháng chiến trường kỳ, với bao xương máu của nhiều thế hệ đã đổ xuống. Đó cũng là ngày đánh dấu một cửa ngõ Sài Gòn đã mở toang để đại đoàn quân tiến vào giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước…

Diễn văn tại lễ kỷ niệm 41 năm Ngày giải phóng tỉnh Bình Phước (23-3-1975 – 23-3-2016), đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã khẳng định: Ngày giải phóng tỉnh Bình Phước 23-3-1975 không chỉ là một trang sử hào hùng trong cuộc đấu tranh bảo vệ quê hương của quân và dân tỉnh Bình Phước, mà còn là một trong những trang sử vẻ vang nhất trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, đưa nước ta bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên của độc lập, thống nhất và xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh… Bình Phước vừa là đại bản doanh – cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến, vừa là đầu mối vừa là hậu phương trực tiếp của tiền tuyến lớn miền Nam, quyết định trực tiếp thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại…

Đảng bộ và nhân dân Bình Phước đã phát huy cao độ ý chí tự lực, tự cường để vươn lên, kiên trì thực hiện các mục tiêu do Đảng đề ra, tin tưởng tuyệt đối đường lối của Đảng và vận dụng một cách sáng tạo vào điều kiện lịch sử cụ thể của địa phương, giành được những thắng lợi có tính chất bước ngoặt của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trong kháng chiến cũng như xây dựng phát triển kinh tế – xã hội. Tự hào về truyền thống hào hùng của quê hương và để không phụ lòng các bậc cha anh đi trước, mỗi cán bộ, đảng viên hôm nay nhận thức rõ trách nhiệm, gương mẫu, động viên nhân dân nỗ lực vượt qua khó khăn, ra sức thi đua, phấn đấu hoàn thành thắng lợi tất cả mục tiêu đã đề ra, góp phần thiết thực xây dựng quê hương Bình Phước ngày càng giàu mạnh. Nhân dân và thế hệ trẻ Bình Phước sẽ tiếp bước cha anh, phất cao lá cờ truyền thống của quê hương anh hùng, cùng nhân dân cả nước lập nên những thành tích mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Ngày 23-3 lịch sử, Quảng trường 23-3 lịch sử hằng ngày sẽ nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân ghi nhớ những điều đó.

Trần Phương

Từ khóa : 24h Bình Phướccông bằngdân chủgiàu mạnhvăn minh

Các tin liên quan đến bài viết