Theo thông tin từ Sở Y tế Cần Thơ, tình hình dịch COVID-19 tại địa phương này đang hết sức phức tạp, mỗi ngày khoảng 1.000 ca mắc mới được ghi nhận.

Y tế Cần Thơ quá tải với hơn 1.000 ca nhiễm mỗi ngày - Ảnh 1.

Khu vực tiếp nhận phân loại bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, những bệnh nhân chuyển đến được phân loại cho tầng điều trị 2, 3 

Các trạm y tế lưu động, đội cấp cứu lưu động và các bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 đang phải hoạt động hơn 100% công suất.

Kêu gọi y, bác sĩ giúp đỡ

Sở Y tế Cần Thơ đã kiến nghị Bộ Y tế hỗ trợ chi viện các êkip điều trị hồi sức tích cực, máy móc trang thiết bị cho hồi sức. Hiện việc điều trị, quản lý trên 13.000 F0 tại nhà ở Cần Thơ đã bắt đầu quá tải. Nhiều trường hợp bệnh nhân báo y tế phường nhưng không được hỗ trợ, cấp phát thuốc tại nhà.

Anh H. (ở phường An Khánh, quận Ninh Kiều) bộc bạch: “Ở nhà vợ chồng tôi tự xét nghiệm dương tính, báo y tế mấy ngày không ai xuống, cũng không giăng dây, không xét nghiệm gì. Cả nhà tự bơi đi mua thuốc về uống, tự chăm sóc lẫn nhau tại nhà. Rồi vẫn phải đi chợ mua thức ăn, chứ không còn cách khác”.

Để khắc phục tình trạng quá tải, Cần Thơ đã nhờ hỗ trợ kết nối với Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành, đã tuyển được hơn 800 nhân viên y tế tư vấn từ xa qua điện thoại. Người bệnh tại Cần Thơ có thể gọi qua hotline 20921022, nhánh số 3 để được tư vấn hỗ trợ.

Ngoài ra, TP đã thành lập 58 đội cấp cứu lưu động với sự hỗ trợ nhân lực từ Trường ĐH Y dược Cần Thơ, phục vụ công tác cấp cứu, phát thuốc, hỗ trợ cho F0 tại nhà. Ngày 7-12 Sở Y tế cũng đã nhận thêm 5 tổ cấp cứu lưu động gồm xe cấp cứu, nhân lực, trang thiết bị do Quân khu 9 tăng cường hỗ trợ.

Còn tại Sóc Trăng, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Lâu cũng cho biết tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, số ca mắc mới tăng. Để giảm áp lực cho các cơ sở điều trị, Sóc Trăng triển khai cách ly F1 và điều trị F0 tại nhà, gắn với triển khai mô hình trạm y tế lưu động.

Theo ông Lâu, mặc dù lực lượng y bác sĩ đã túc trực ngày đêm nhưng vẫn không “gánh” hết công việc. Do vậy tỉnh đã đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ 50 bác sĩ và 170 điều dưỡng.

Phải chăm sóc tốt F0 từ đầu

Bác sĩ Nguyễn Mạnh Hồng – giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh phổi Cần Thơ – cho biết bệnh viện đang có 150 giường điều trị bệnh nhân COVID-19 nhưng hiện có đến 170 bệnh nhân đang điều trị.

“Bệnh viện cũng đã nhận 4 tổ điều trị từ Bộ Quốc phòng tăng cường nhưng vẫn không đủ. Cái chúng tôi cần nhất là bác sĩ, điều dưỡng chuyên hồi sức tích cực, hỗ trợ công tác điều phối thở máy cho người bệnh” – ông Hồng chia sẻ.

Công tác điều trị tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ cũng đang trong tình trạng quá tải, đặc biệt ở tầng 3 các ca bệnh nặng.

Bác sĩ Huỳnh Minh Phú – phó giám đốc bệnh viện – thông tin sau khi tiếp nhận các tổ công tác hỗ trợ điều trị của Bộ Quốc phòng tăng cường, ban giám đốc đã sắp xếp lại các êkip điều trị, đặc biệt với trên 110 bệnh nặng cần theo dõi.

Để tăng cường giường bệnh cho bệnh nhân tầng 3, bệnh viện đã nhận hỗ trợ giường, máy thở tăng cường từ TP.HCM về. Tuy nhiên bệnh viện đang rất cần hỗ trợ thêm êkip chăm sóc hồi sức bệnh nhân nặng, đồng thời cần bổ sung bơm tiêm điện và monitor theo dõi bệnh nhân.

Để hỗ trợ Cần Thơ trong công tác phòng chống, kiểm soát dịch bệnh COVID-19, Bộ Y tế cũng đã giao nhiệm vụ cho Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ hỗ trợ địa phương.

Bác sĩ Phạm Thanh Phong – phó giám đốc bệnh viện – cho biết hiện tại bệnh viện vẫn đang tích cực thực hiện mục tiêu kép, vừa tiếp nhận cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân tại ĐBSCL vừa hoạt động Trung tâm Hồi sức tích cực quốc gia điều trị COVID-19. Đã tăng cường lên 100 giường cùng máy móc và êkip điều trị.

Đối với địa phương như TP Sóc Trăng có ca mắc những ngày gần đây tăng mạnh, tỉnh đã điều động tổ công tác đặc biệt phòng chống dịch COVID-19 tại huyện Trần Đề sang hỗ trợ TP Sóc Trăng.

Tổ công tác đặc biệt có nhiệm vụ phối hợp Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP Sóc Trăng quyết định các phương án, kế hoạch để xử lý, giải quyết ngay các vấn đề cấp bách, phát sinh trong công tác phòng chống dịch trên địa bàn.

13.840 ca mới, TP.HCM giảm, tăng mạnh ở Hà Nội và Bình Dương

Theo Bộ Y tế, tính từ 16h ngày 6-12 đến 16h ngày 7-12, cả nước ghi nhận 13.840 ca COVID-19 (5 ca nhập cảnh). Trong đó Bình Dương 645 ca (tăng 419 ca), Hà Nội 737 ca (tăng 150), TP.HCM giảm còn 965, Cần Thơ 898, Sóc Trăng 746… Số ca tử vong ở mức cao với 217 ca, riêng TP.HCM 53 ca.

Nâng cao năng lực điều trị tầng 2 cho tuyến huyện

Ông Trần Quang Hiền – giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang – cho hay trong số các ca tử vong gần đây trên địa bàn có đến 75% chưa tiêm vắc xin. Số còn lại là người già, có bệnh nền và nhập viện trễ.

Để hạn chế số ca tử vong, An Giang đang tập trung thực hiện 3 giải pháp quan trọng như: ưu tiên tiêm vắc xin cho người dân sớm nhất, đặc biệt là người từ 50 tuổi trở lên, người già, người có bệnh nền; nâng cao năng lực điều trị của tháp 3 tầng, đặc biệt là tầng 2 tại trung tâm y tế huyện ở các tuyến huyện để giảm số ca chuyển nặng hay tử vong; dùng thuốc Molnupiravir do Bộ Y tế cấp sử dụng cho các F0 tại nhà để tránh số ca từ tầng 1 chuyển lên tầng 2.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : Bộ Y Tếca tử vongcần thơCOVID-19

Các tin liên quan đến bài viết