Đại sứ Trung Quốc tại Washington tuyên bố Trung Quốc không muốn chiến tranh thương mại hay công nghệ, nhưng chắc chắn sẽ đáp trả nếu Mỹ áp đặt thêm hạn chế đối với ngành chip của mình.

Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Xie Feng - Ảnh: REUTERS

Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Xie Feng

Phát biểu tại Diễn đàn an ninh Aspen ngày 19-7, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Xie Feng cho hay quốc gia của ông không né tránh sự cạnh tranh, nhưng cách Mỹ định nghĩa cạnh tranh là không công bằng.

Trung Quốc không muốn, nhưng không ngại đối đầu

Đặc biệt, ông Xie nhấn mạnh về các lệnh cấm của Mỹ đối với việc nhập khẩu thiết bị sản xuất chip tiên tiến của Trung Quốc.

“Điều này giống như bắt đối thủ mặc đồ bơi lỗi thời trong một cuộc thi bơi lội, trong khi bản thân bạn (đang) mặc Speedo (một thương hiệu đồ bơi nổi tiếng)”, ông Xie nói.

Theo Hãng tin Reuters, vị đại sứ Trung Quốc muốn đề cập đến thông tin Washington đang cân nhắc cơ chế xem xét đầu tư ra nước ngoài và tiếp tục cấm xuất khẩu chip trí tuệ nhân tạo (AI) sang Trung Quốc.

“Chính phủ Trung Quốc không thể chỉ ngồi yên nhìn. Người Trung Quốc có câu nói rằng chúng tôi sẽ không khiêu khích, nhưng chúng tôi sẽ không nao núng trước các hành động khiêu khích”, ông Xie tuyên bố.

Đại sứ Trung Quốc tiếp tục: “Trung Quốc, chắc chắn… sẽ đưa ra phản ứng của chúng tôi. Nhưng chắc chắn chúng tôi không hy vọng ăn miếng trả miếng. Chúng tôi không muốn một cuộc chiến thương mại, chiến tranh công nghệ”.

Điều tra đầu tư của 4 công ty Mỹ vào Trung Quốc

Không lâu sau tuyên bố của đại sứ Trung Quốc, một ủy ban của Hạ viện Mỹ đã mở một cuộc điều tra về các khoản đầu tư của bốn công ty đầu tư mạo hiểm Mỹ vào các công ty bán dẫn và trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc.

Theo Reuters, ủy ban trên đã gửi thư tới GGV Capital, GSR Ventures, Walden International và Qualcomm Ventures (nhánh đầu tư của Qualcomm) hôm 17-7.

Các công ty trên được yêu cầu cung cấp thông tin về các khoản đầu tư của họ vào Trung Quốc trước hạn chót 1-8.

Trong các bức thư, ủy ban cáo buộc rằng các khoản đầu tư của những công ty này góp phần trực tiếp vào các hành vi vi phạm nhân quyền, hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc và nỗ lực thay thế vị trí lãnh đạo công nghệ của Mỹ.

Washington đang hoàn thiện một sắc lệnh hạn chế đầu tư nhất định vào các lĩnh vực bao gồm chất bán dẫn tiên tiến, điện toán lượng tử và trí tuệ nhân tạo.

Trong khi đó, Trung Quốc đã nhắm mục tiêu vào nhà sản xuất chip Micron Technology của Mỹ, sau khi Washington áp đặt một loạt biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với các linh kiện và công cụ sản xuất chip của Mỹ.

Washington lấy lý do cho biện pháp này là để đảm bảo rằng công nghệ Mỹ không được sử dụng để nâng cao năng lực quân sự của Trung Quốc.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : chiến tranh thương mạiMỹ Trung quốc

Các tin liên quan đến bài viết