Cách đất liền 56 hải lý theo hướng Đông – Đông Nam, huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận) được biết đến là nơi có tiềm năng kinh tế biển rất lớn, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch.

Một góc huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận – Ảnh tư liệu

Phong cảnh hoang sơ, khí hậu trong lành, trên đảo vừa có núi, có rừng, cồn cát và nhiều phiến đá độc, lạ; các bãi tắm trong xanh, trắng mịn; nhiều di tích văn hóa có ý nghĩa văn hóa tâm linh quan trọng với người dân biển đảo; người dân thân thiện, chân tình, nhiều hải sản tươi ngon, độc lạ chính là yếu tố Phú Quý hấp dẫn du khách gần xa…

Thiên nhiên đã ban tặng Phú Quý phong cảnh đẹp, hoang sơ với các bãi tắm trong xanh. Cuối năm 2018, UBND tỉnh Bình Thuận ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch khu du lịch Phú Quý đến năm 2030, đây là điều kiện quan trọng để Phú Quý phát triển mạnh. Theo quy hoạch, đến năm 2030, Phú Quý sẽ trở thành khu du lịch cấp tỉnh và là điểm đến hấp dẫn với thương hiệu du lịch biển, đảo độc đáo. Trong đó, mục tiêu tổng quát đến năm 2025, Phú Quý cơ bản trở thành khu du lịch trọng điểm của tỉnh Bình Thuận, phát huy tiềm năng lợi thế về du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo gắn với di sản, tiềm năng văn hóa biển. Từng bước xây dựng Phú Quý là khu du lịch phát triển theo hướng du lịch xanh, bền vững và đến năm 2030, Phú Quý sẽ đáp ứng đầy đủ tiêu chí của khu du lịch cấp tỉnh, là khu du lịch biển đảo hấp dẫn, có vị trí quan trọng của vùng duyên hải Nam Trung bộ. Dự kiến đến năm 2030, Phú Quý sẽ đón 74.000 lượt khách (trong đó, khách quốc tế khoảng 6.000 lượt), tốc độ tăng trưởng khoảng 10,46%/năm và tổng nguồn thu từ du lịch đạt khoảng 380 tỷ đồng/năm, giúp giải quyết việc làm cho trên 2.000 lao động.

Nhằm khai thác tối đa tiềm năng du lịch, những năm qua huyện đảo tập trung phát triển các loại hình và sản phẩm du lịch gắn với biển cũng như đa dạng hóa các loại hình du lịch hướng đến phát triển du lịch xanh và bền vững. Bên cạnh đó, Phú Quý cũng chú trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật giao thông đường biển, mở rộng đường vành đai, đường liên xã, xây dựng hệ thống kè biển, phát triển điện gió…

Trong tương lai, đảo Phú Quý sẽ hướng đến sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng kết hợp thể thao biển, phát triển thành những khu nghỉ dưỡng du lịch cao cấp, đa dạng loại hình lưu trú khác kết hợp với thể thao biển như khu vực biển xã Tam Thanh và Ngũ Phụng.

Phú Quý cũng sẽ mở rộng loại hình du lịch sinh thái trong khu bảo tồn thiên nhiên với các sản phẩm như lặn ngắm hệ sinh thái biển, quan sát các hệ sinh thái biển bằng thuyền đáy kính, cắm trại dã ngoại tham quan khu bảo tồn biển, xây dựng các khu trung tâm nghiên cứu và bảo tồn tài nguyên rừng. Ngoài ra, du lịch văn hóa cũng là sản phẩm hấp dẫn của Phú Quý như tham quan các di tích lịch sử văn hóa, trải nghiệm lễ hội truyền thống, tìm hiểu văn hóa đời sống địa phương.

Từ đầu năm 2016 đến nay, du lịch Phú Quý đã có những bước phát triển mạnh, nhất là từ khi nguồn điện được phát 24/24 giờ đã mở ra một thời kỳ mới cho Phú Quý. Hiện nay, tuyến vận tải hành khách  Phan Thiết – Phú Quý cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa. Giao thông đường biển từ đất liền ra đảo được cải thiện, du khách khắp nơi trong tỉnh, cả nước và khách quốc tế đến đảo ngày một đông để công tác, nghiên cứu lịch sử và ngắm cảnh thiên nhiên. Đây là cầu nối quan trọng góp phần đưa Phú Quý gần hơn với đất liền, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế, du lịch phát triển. Trong năm 2019, Phú Quý có khoảng 42.300 lượt khách đến du lịch, tăng hơn 22.000 lượt, có 700 lượt khách quốc tế. Toàn đảo có 20 homestay, 24 nhà nghỉ, 9 khách sạn, 8 nhà trọ. Doanh thu về du lịch Phú Quý trong năm gần 100 tỷ đồng.

Lượng khách đến đảo tăng nhanh qua từng năm. Để sự phát triển được bền vững, bên cạnh tìm ra hướng đi phù hợp và đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, dịch vụ, huyện còn chú trọng bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan xanh – sạch – đẹp cho đảo.

Theo Báo Bình Phước

Từ khóa : du lịchđảo Phú Quý

Các tin liên quan đến bài viết