Người có BHYT đang phải ‘bỏ tiền túi’ nhiều hơn khi khám bệnh ở tuyến dưới

16:16 27/03/2023  Tin Tức Y Tế

Theo Bộ Y tế, một trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có thể do việc thiếu thuốc, vật tư y tế trong giai đoạn chuyển tiếp các gói thầu tại địa phương gần đây.

Thông tin được Bộ Y tế đưa ra tại hội thảo về định hướng phát triển y tế cơ sở trong tình hình mới, diễn ra vào ngày 27/3.

Hiện cả nước có hơn 187.000 nhân viên y tế cơ sở, chiếm 40% nhân lực y tế chung. Tổng số lượt khám chữa bệnh BHYT tại tuyến huyện và xã đạt 113 triệu năm 2022. Trong đó, chỉ có 21,8 triệu lượt thực hiện ở tuyến xã, giảm rất mạnh so với 5 năm trước.

“Tỷ lệ lượt khám chữa bệnh BHYT tại tuyến huyện và xã năm 2022 khoảng 75% nhưng tỷ lệ chi phí sử dụng quỹ BHYT chỉ khoảng 33%, riêng tuyến xã tỷ lệ lượt khám là 17% nhưng tỷ lệ chi phí chỉ 2%”, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nói tại hội thảo.

Trong khi đó, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, cần phải tăng phân bổ quỹ BHYT cho các cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu đạt ở mức 30% tổng quỹ, trong đó chi cho tuyến xã phải là 20% và chi cho chăm sóc sức khỏe ban đầu tại tuyến huyện là 10%.

Theo Bộ Y tế, chi phí bình quân cho 1 lượt khám bảo hiểm y tế (BHYT) ở tuyến xã tăng dần từ năm 2018 đến nay. Năm 2022, con số này là gần 84.000 đồng.

Đối với tuyến huyện, tổng chi khám chữa bệnh BHYT chiếm khoảng 31% tổng chi Quỹ BHYT. Chi phí bình quân một lượt khám chữa bệnh BHYT ngoại trú tại cơ sở y tế huyện tăng từ 190.000 đồng (năm 2018) lên 238.000 đồng (năm 2022). Trong khi đó, chi phí bình quân một đợt điều trị nội trú của người bệnh BHYT tăng từ gần 2 triệu đồng (năm 2018) lên 2,45 triệu đồng (năm 2022).

Đáng chú ý, tỷ trọng chi tiền túi cho chi phí khám chữa bệnh trực tiếp của người bệnh BHYT tăng lên đối với cả dịch vụ ngoại trú và nội trú tại cơ sở y tế tuyến huyện. Cụ thể, năm 2018, tỷ trọng chi tiền túi người dân lần lượt từ 7% và 8,8% cho ngoại trú và nội trú, thì năm 2022, con số này tăng lên 8,3% và 12%.

“Một trong các nguyên nhân có thể do việc thiếu thuốc, vật tư y tế trong giai đoạn chuyển tiếp các gói thầu tại địa phương trong thời gian gần đây”, Bộ Y tế cho biết.

Hơn 54% người trả lời hài lòng với dịch vụ của bệnh viện công tuyến huyện. 

Tại Việt Nam, y tế cơ sở được hiểu là cơ sở y tế từ tuyến huyện trở xuống, đảm nhiệm vai trò chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, là “người gác cổng” trong hệ thống y tế.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhận định số lượng và chất lượng dịch vụ của tuyến y tế cơ sở, đặc biệt là các huyện vùng khó khăn, ở trạm y tế xã, vẫn còn hạn chế. Nhiều bệnh viện, trung tâm y tế huyện chưa thực hiện hết các dịch vụ theo phân tuyến.

“Bình quân các trạm y tế xã chỉ thực hiện được 60-70% dịch vụ kỹ thuật, cung ứng được khoảng 40% số thuốc thuộc gói dịch vụ y tế cơ bản”, ông Tuyên nói. Một số địa phương thậm chí còn giải thể trạm y tế. Ngoài ra, tuyến y tế cơ sở cũng chưa thực hiện tốt việc quản lý sức khỏe cá nhân, tầm soát phát hiện bệnh sớm, quản lý bệnh nhất là các bệnh mạn tính.

Bộ Y tế nhìn nhận ở tuyến huyện, chất lượng khám chữa bệnh được cải thiện, người dân đã “hài lòng hơn” với các dịch vụ y tế. Báo cáo Chỉ số PAPI năm 2021 cho thấy hơn 54% người trả lời hài lòng với dịch vụ của bệnh viện công tuyến huyện. Báo cáo năm 2019 cho thấy chỉ 0,4% số người sử dụng dịch vụ y tế của bệnh viện công tuyến huyện phải lót tay nhân viên y tế để được chăm sóc tốt hơn, trong khi tỷ lệ này năm 2013 là 20%, hạ dần trong năm 2016-2017 lần lượt là 17% và 9%.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : bệnh việnThiếu thuốc

Các tin liên quan đến bài viết