Tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị đưa huyện đảo Lý Sơn vào danh sách đặc biệt khó khăn và hưởng chính sách như đảo Cồn Cỏ, Quảng Trị.

Huyện Lý Sơn không còn chính sách hải đảo sau khi giải thể chính quyền cấp xã - Ảnh 1.

Đảo Lý Sơn hiện là chính quyền 1 cấp và không còn hưởng các chế độ chính sách bãi ngang, hải đảo

Trưa 16-9, ông Đặng Văn Minh, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết đã kiến nghị Bộ Kế hoạch – đầu tư đưa đảo Lý Sơn vào danh sách đặc biệt khó khăn.

Theo đó, trong cuộc họp trực tuyến với Bộ Kế hoạch – đầu tư về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và đầu tư công ở miền Trung và Tây Nguyên năm 2022, ông Minh đề nghị bộ này xem xét bổ sung huyện đảo Lý Sơn vào danh sách đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025 để hưởng chính sách ưu đãi như huyện đảo Cồn Cỏ của Quảng Trị, theo quyết định của Thủ tướng trước đây.

Ngoài ra ông Minh đề xuất đối với Lý Sơn cần giữ nguyên các chế độ, chính sách như khi còn chính quyền cấp xã.

Bởi trước đây, Lý Sơn được hưởng các ưu đãi cho vùng bãi ngang, hải đảo theo quyết định 131/2017 của Thủ tướng. Tháng 3-2020, ba xã cũ An Hải, An Vĩnh, An Bình (thuộc huyện Lý Sơn) bị giải thể, biến đảo Lý Sơn thành chính quyền 1 cấp huyện. Từ đó, đảo Lý Sơn đã bị cắt các ưu đãi trên.

Huyện Lý Sơn không còn chính sách hải đảo sau khi giải thể chính quyền cấp xã - Ảnh 2.

Du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh, người dân huyện Lý Sơn sống dựa vào nông nghiệp 

Bà Phạm Thị Hương, chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, cho biết Lý Sơn có một thời gian phát triển du lịch, dịch vụ tốt, đời sống người dân dần ổn định. Tuy nhiên, trong 2 năm gần đây, dịch COVID-19 bùng phát, du lịch ở đảo bị “đóng băng”. Trong khi người dân từ lương thực, thực phẩm, hàng hóa phải chuyển đường bộ, đường biển khi ra đến đảo giá tăng cao hơn so với đất liền.

“Đến nước ngọt cũng phải mua, người dân trên đảo gặp rất nhiều khó khăn. Đau ốm, cấp cứu phải thuê tàu cao tốc chở vào đất liền với chi phí cả chục triệu đồng”, bà Hương nói.

Đồng thời, bà Hương cho biết, từ khi chính quyền cấp xã ở Lý Sơn giải thể, các chính sách ưu tiên về bảo hiểm y tế, hỗ trợ nằm viện cho bệnh nhân nghèo; hỗ trợ tiền ăn trưa cho cấp bậc mầm non; hỗ trợ miễn giảm tiền học phí cho học sinh, sinh viên… đều bị cắt.

“Cán bộ công chức, người lao động và lực lượng vũ trang công tác ở đảo không được hưởng cơ chế chính sách đối với vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, một số cơ chế quản lý, chính sách ưu đãi, cơ chế bãi ngang, hải đảo của đảo Lý Sơn cũng không còn”, bà Hương nói thêm.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : Chính quyền 1 cấpChinh sách bãi ngang hải đảođảo Lý SơnLý SơnQuảng Ngãi

Các tin liên quan đến bài viết