Việc nguồn cung lươn bị thu hẹp đã dẫn đến sự phát triển của thị trường “chợ đen” trị giá hàng tỷ USD, vốn bị ví như tội ác nghiêm trọng nhất đối với động vật hoang dã.

Dưới đây là một số dữ liệu mà hãng thông tấn AFP thu thập được về ngành buôn bán lươn trái phép:

3,3 tỷ USD

Theo ước tính, đó là doanh thu hàng năm của ngành buôn lậu lươn con, hay còn gọi là lươn thủy tinh, từ châu Âu sang châu Á.

Chú thích ảnh

Tên gọi của lươn thủy tinh bắt nguồn từ thân hình có màu trong suốt. 

Việc thiếu kiến thức về cách sinh sản của lươn cùng thực tế rằng chúng sẽ không sinh sản trong điều kiện nuôi nhốt đã khiến đánh bắt và nuôi con non của chúng trở thành cách tốt nhất để có sẵn nguồn cung cho người tiêu dùng.

Sự sụt giảm nguồn dự trữ giống lươn Nhật Bản, được tìm thấy ở khắp Đông Á, đã buộc các trang trại trong khu vực phải nhập khẩu lươn thủy tinh của châu Âu và châu Mỹ rồi nuôi chúng đến độ trưởng thành để tiêu thụ.

Tình trạng khan hiếm đối với loại thực phẩm được yêu thích ở khắp các quốc gia châu Á này đã khiến giá cả tăng vọt.

Năm 2010

Là thời điểm Liên minh châu Âu (EU) cấm mọi hoạt động xuất khẩu lươn thủy tinh ra khỏi biên giới chung. Ba năm trước đó, giống lươn châu Âu đã được đưa vào phụ lục II của Công ước về buôn bán quốc tế các loài nguy cấp (CITES).

Chú thích ảnh

Các loại lươn và nơi phân bố của chúng trên thế giới.

Lươn châu Âu cũng nằm trong danh sách các loài sinh vật cực kỳ nguy cấp của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế, trong khi đó, những “người anh em” Nhật Bản và Mỹ của chúng chỉ xếp sau một hạng.

1/4

Tổ chức Nhóm lươn bền vững (SEG) ước tính rằng 23% lượng lươn thủy tinh ở châu Âu trôi dạt vào các bờ biển của lục địa này mỗi năm sau cùng đã bị buôn lậu sang châu Á, chủ yếu là Trung Quốc.

Theo các nhà khoa học, khoảng 440 tấn lươn châu Âu đến các bờ biển của khu vực này mỗi năm. Và cơ quan thực thi pháp luật của EU là Europol cho biết 100 tấn đã được xuất khẩu trái phép sang châu Á vào năm 2018.

Chủ tịch SEG Andrew Kerr đánh giá đây là vụ phạm tội lớn nhất hành tinh đối với động vật hoang dã.

100 lần

Giá trị của một con lươn thủy tinh, đôi khi còn được gọi là “vàng trắng” vì mức giá trên trời, đã tăng theo cấp số nhân khi nó di chuyển dọc theo chuỗi cung ứng.

Ông Kerr cho hay tại châu Âu, một ngư dân có thể được trả 0,1 euro (gần 3.000 đồng) cho một con lươn thủy tinh, nhưng vào thời điểm sinh vật này cập bến Hong Kong (Trung Quốc), giá trị của nó đã tăng lên 1 euro. Sau một năm nuôi nhốt, giá trị của con lươn tăng thành 10 euro.

“Giá trị gia tăng gấp trăm lần trong vòng một năm. Và đó là lý do tại sao ngành buôn lậu lươn rất hấp dẫn. Lợi nhuận lớn hơn buôn lậu ma túy, con người hay súng đạn”, ông Andrew Kerr nói.

Bất ngờ số liệu cho thấy buôn lậu lươn thu lợi nhuận lớn hơn cả ma túy
Thịt lươn là một món ăn đặc sản ở châu Á. 

99%

Gần như toàn bộ số lươn được tiêu thụ ở Nhật Bản hiện nay có nguồn gốc từ các trang trại nuôi trồng thủy sản. Chỉ có tỷ lệ rất nhỏ được đánh bắt ngoài tự nhiên.

108

Là số người buôn lậu lươn bị cảnh sát bắt tại 19 quốc gia EU trong mùa đánh bắt năm 2019 – 2020. Các nhà chức trách cũng tịch thu gần 2 tấn lươn thủy tinh với giá trị lên đến 6,2 triệu euro vào cùng giai đoạn trên.

Covid-19 

Sự gián đoạn do đại dịch COVID-19 gây ra đối với đường bay quốc tế cũng đã làm gián đoạn phương thức chính để buôn lậu lươn. Trước đại dịch, người buôn lậu thường giấu lươn trong hành lý khi đi máy bay.

Sinh vật này được đựng trong túi chứa đầy nước và oxy và được đưa từ châu Âu đến Trung Quốc.

Nhưng ngay cả khi hành khách không còn đi máy bay nhiều nữa, những kẻ buôn lậu vẫn tìm ra cách thay thế. Trong tuyên bố vào tháng 11, Europol cho biết trước đây, nhiều hành khách bị bắt vì giấu lươn trong vali hành lý. Nhưng trong năm qua, xu hướng này bị thay bằng khoang chở hàng hóa.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : buôn lậucon lươn

Các tin liên quan đến bài viết