Vụ việc nữ sinh lớp 6 tại tỉnh Bình Phước bị đánh hội đồng, quay clip đưa lên mạng xã hội vừa qua khiến dư luận phẫn nộ. Cách gì để ngăn chặn những hành vi này?
Sinh hoạt chuyên đề phòng, chống bạo lực học đường cho học sinh tại Hà Nội. Ảnh: TL.
Ám ảnh lâu dài
Những ngày qua, trên mạng lan truyền video dài hơn 2 phút ghi lại cảnh 1 nữ sinh bị nhóm người vật ngã, túm tóc đánh hội đồng. Do bị nhiều người đánh đập liên tiếp nên nữ sinh không thể chống đỡ, chỉ biết ôm vùng đầu và vùng mặt. Vụ việc xảy ra ngay gần trường học, nữ sinh trên lưng vẫn còn đeo cặp sách…
Trước đó, một nữ sinh lớp 8 ở huyện Tam Bình (tỉnh Vĩnh Long) bị một thiếu nữ bên ngoài trường học, tập hợp 1 nhóm hơn 10 nữ sinh khác dùng mũ bảo hiểm vây đánh. Nạn nhân đã bị đánh đập nhiều lần nhưng em không dám nói với ai vì bị đe dọa. Chỉ đến khi nữ sinh có biểu hiện nhức đầu, chóng mặt, nôn, gia đình đưa đi bệnh viện mới phát hiện con mình bị đánh.
Bạo lực học đường đã được ngành giáo dục, gia đình và xã hội quan tâm với nhiều văn bản chỉ đạo, nhưng thời gian gần đây không những không giảm, thậm chí có chiều hướng gia tăng. Xuất phát có thể từ những mâu thuẫn nhỏ như mượn quần áo… nhưng hậu quả để lại vô cùng nặng nề. Nạn nhân không chỉ bị thương tích trên cơ thể mà những sang chấn tâm lý, tổn thương về mặt tinh thần là rất lớn, khi những hình ảnh bị đánh của các em tràn lan trên mạng xã hội. Mặc dù sau mỗi vụ việc, người cố tình gây thương tích sẽ bị xử lý nhưng nỗi đau về thể xác, tinh thần của nạn nhân vẫn còn đó…
Nhà trường, gia đình và xã hội cùng chung tay
Giải pháp nào xử lý đối với vấn nạn bạo lực học đường, tránh những rủi ro gây ra hậu quả nặng nề cho học sinh, gia đình và cộng đồng là vấn đề đang đặt ra với ngành Giáo dục? Đây là những kiến nghị của cử tri TP Hồ Chí Minh đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) và các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng, nhà trường.
Trả lời vấn đề này, Bộ GDĐT cho biết, để phòng ngừa và đẩy lùi tình trạng bạo lực học đường, Bộ đã và đang thực hiện các giải pháp như tiếp tục quán triệt và chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, có kiểm tra và đánh giá các quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường. Bộ cũng tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021 – 2030”, Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 – 2025” và hàng loạt các tài liệu, cẩm nang hướng dẫn phòng tránh bạo lực học đường hoặc các nội dung có liên quan…
Hiện Bộ GDĐT đang lồng ghép tích hợp các nội dung về giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng sống vào các môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong các môn Giáo dục công dân, Tự nhiên và Xã hội, hoạt động trải nghiệm và các môn học khác.
Ngành Giáo dục cũng triển khai hoạt động công tác xã hội và tư vấn tâm lý học đường trong việc phòng ngừa và tư vấn, hỗ trợ cho học sinh liên quan đến bạo lực học đường. Đồng thời, phối hợp, phát huy vai trò của tổ chức Đoàn, Đội trong trường học, các cơ quan chức năng như Bộ Tư pháp, Bộ Công an… nhằm phòng, chống bạo lực và xâm hại trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông.
Ngoài ra, Bộ GDĐT cũng yêu cầu tăng cường phối hợp giữa nhà trường và gia đình, phát huy vai trò của gia đình trong quản lý giáo dục học sinh.
PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh – Phó Chủ tịch Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam cho rằng, bên cạnh việc quan tâm đến kiến thức, cha mẹ cần tăng cường các hoạt động vui chơi, đảm bảo đời sống tinh thần lành mạnh cho trẻ. Dạy trẻ các kỹ năng sống để trẻ có khả năng đương đầu với những biến cố trong cuộc sống.
“Bạo lực học đường thường xuất phát từ những mâu thuẫn hàng ngày mà đôi khi trẻ vô tâm không để ý hoặc chưa biết cách xử lý phù hợp dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Nếu thường xuyên trò chuyện và khuyến khích trẻ kể về trường lớp, bạn bè, cha mẹ có thể nhận ra những vấn đề trẻ đang gặp phải để cùng con tìm phương án giải quyết hoặc đơn giản là giải tỏa bức xúc, cân bằng lại tâm lý của trẻ” – PGS. TS Nguyễn Võ Kỳ Anh cho hay. |
Theo daidoanket.vn