Để vợ không “khinh” mình, đàn ông nên thuộc lòng và áp dụng câu: “Dạy con từ thuở còn thơ – Dạy vợ từ thuở vợ chưa dạy mình”!
Chê bai, khinh thường người bạn đời có phải dễ khiến hạnh phúc tan vỡ? – Ảnh minh họa từ Internet |
Trên đây là hiến kế của bạn đọc Lâm gởi đến anh chồng muốn chia tay vợ vì cô này làm ra nhiều tiền “khinh” rồi chồng ra mặt.
Sau khi Tuổi Trẻ Online đăng bài viết tâm sự của một người đàn ông muốn chia tay vợ vì thấy luôn tổn thương khi rơi vào vòng xoáy vợ – chồng – tiền bạc đã thu hút khá nhiều ý tranh luận cũng như hiến kế từ bạn đọc để giúp anh chồng hàn gắn mối bất hòa này.
Trong câu chuyện, người chồng tâm sự đôi lúc anh muốn tát tai vợ vì cái tính hỗn hào không biết tôn trọng chồng. Nhưng nghĩ lại, anh thương hai đứa con mình, không muốn làm to chuyện. Và thế là anh chị quyết định chia tay.
Tôi đang nằm trong hoàn cảnh này. Xin các bạn cùng chia sẻ và giúp tôi tìm cách vượt qua. Tôi thương 2 cháu nhiều lắm”! |
Anh Khue |
Gởi ý kiến của mình đến Tuổi Trẻ Online ngày 13-11, bạn đọc nick name Phuc chia sẻ: “Đọc qua câu chuyện của anh, tôi rất thông cảm với anh. Tuy nhiên trong cuộc sống rất muôn màu muôn vẻ, chúng ta không thể khuyến diện mà vội nhìn nhận và kết luận sự việc một cách vội vàng và vô thức. Tôi nghĩ chuyện gì cũng có nguyên nhân và cách giải quyết.”
Và, lời khuyên mà bạn Phúc gởi đến người đàn ông kiếm tiền bằng nghề viết lách này cũng rất thực tế, khi viết: “Đối với anh tôi khuyên anh chị nên thẳng thắn với nhau và tìm cách giải quyết hay nhất, và chúng ta (cả anh và chị ) phải suy nghĩ thật kỹ, vì con của 2 chúng ta mà hy sinh mỗi người một chút thì có gì đâu. Hãy nghĩ về tương lai và cuộc sống của con mình đi anh chị à!”
Trong khi đó, bạn đọc Đoàn Kim Minh thì cho rằng người chồng kiếm được nhiều tiền hay ít tiền hơn vợ không quan trọng. Quan trọng là anh có cầu tiến hay không.
Theo bạn đọc Đoàn Kim Minh, đối với trường hợp anh chồng tâm sự trong bài viết, chấp nhận ngồi viết lách để kiếm những đồng tiền ít ỏi mà không nghĩ cách làm điều gì khác hơn nhằm có thu nhập, đỡ đần gánh vác cho vợ mình thì đó là người an phận thủ thường, và đó không phải là người đàn ông thực sự mà người phụ nữ cần có trong cuộc sống.
Và, chính anh này đã trút gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền lên vai người vợ mà lý ra đó là trách nhiệm của anh. Vì vậy, đòi hỏi sự tôn trọng ở người vợ đối với mình khi mà áp lực của cuộc sống đè nặng lên vai cô ấy là điều không tưởng.
Cùng là cánh mày râu, bạn đọc Xuân Thành bổ sung: “Các cụ dạy “vợ hỗn là tại chồng” đấy các “râu” ạ. Thế nên muốn vợ không hỗn rất đơn giản: cố gắng, nỗ lực kiếm tiền, chia sẻ trách nhiệm với vợ (làm được đã nhé). Còn nếu vợ vẫn hỗn? Bỏ ra ít tiền thuê thằng hỗn hơn đến rước vợ đi…”
Tỏ ra thông cảm và thiết thực hơn với tâm sự cảu anh chồng kiếm tiền bằng nghề viết lách, bạn đọc Da Nang hiến kế rất cụ thể: “Nếu mình làm không nhiều tiền thì mình lo việc khác: Đi chợ, nấu ăn, lo con ăn học, quét dọn nhà cửa, giặt giũ áo quần… để vợ cày kiếm tiền nuôi cả nhà. Nếu bức quá thì cố mà kiếm nhiều tiền để nhường việc đó lại cho vợ.”
Theo bạn đọc này, cuộc sống vợ chồng lúc thăng lúc trầm, người tiến, người lùi… chứ làm chồng mà đã không làm ra tiền, mà còn gia trưởng, tác oai, tác quái, vợ nó không nói gì cũng hiểu là nó đang khinh, còn nếu nói ra thì coi như “phim” gần hết!
Để giữ gìn hạnh phúc và đình đồng thời không để vị thế người đàn ông bị vợ coi thường, bạn đọc tên Lâm đút kết bằng hai câu thơ rất đáng suy ngẫm: “Dạy con từ thuở còn thơ; Dạy vợ từ thuở… vợ chưa dạy mình!”!
Câu chuyện cơm áo gạo tiền làm đổ vỡ hôn nhân hay còn lý do nào khác tiếp tục là đề tài tranh luận không có hồi kết. Bạn có đồng ý rằng việc coi trọng đồng tiền quá mức là căn bệnh mà nam hay nữ đều có người mắc phải? Làm sao giữ được hạnh phúc gia đình trong thời buổi cuộc sống công nghiệp đang thay đổi truyền thống gia đình từng ngày? Mời bạn chia sẻ ý kiến của mình trong phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc gởi email về địa chỉ: tto@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn! |
Theo: Tuổi trẻ