Sáng nay 5.6, đúng ngày Môi trường Thế giới, phiên chất vấn của kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV tiếp tục “nóng” với phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà, trong đó nổi bật nhất là ô nhiễm ở Formosa, quản lý Nhà nước về hành lang pháp lý bờ biển, đất đai…
Đại biểu có thể yên tâm về Formosa
Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã khẳng định điều đó khi trả lời ĐQ Hoàng Quốc Thưởng (Hải Dương). ĐB Hoàng Quốc Thưởng đã đặt câu hỏi: “Theo báo cáo, hiện Formosa mới tiếp tục vận hành lò cao số 2, các biện pháp giám sát thường xuyên, đột xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương. Bài học về Formosa rất đắt giá, xin hỏi Bộ trưởng có tin tưởng và đảm bảo hoạt động của Formosa sẽ không gây ra sự cố tái diễn như trước đây không?”.
Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà trả lời chất vấn sáng 5.6
“Nói về Formosa, chúng ta đã thay đổi toàn phương pháp quản lý. Chúng ta yêu cầu đầu tư công nghệ sản xuất, bổ sung công nghệ xử lý môi trường, công nghệ giám sát trực tuyến. Có 3 mức đề phòng sự cố: Nơi sản xuất, trong nhà máy, ngoài nhà máy. Hồ sinh học hiện nay nước có thể đạt loại A. Giám sát khâu nào chặt chẽ khâu đó thì không ngành nghề nào để xảy ra ô nhiễm được. Với Formosa, tôi báo cáo để đại biểu yên tâm” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời.
Cũng liên quan đến môi trường biển, ĐB Huỳnh Thanh Cảnh (Bình Thuận) đề nghị không thực hiện giải pháp nhận chìm chất thải của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3 xuống biển. Bộ trưởng Trần Hồng Hà đồng ý và đề nghị địa phương cùng với doanh nghiệp nghiên cứu phương án thay vì nhận chìm thì lấn biển.
“Tôi hoan nghênh ý kiến của đại biểu, đề nghị địa phương và doanh nghiệp khảo sát các vị trí có thể lấn biển. Còn nếu không thực hiện được phương án này, thì trong 50 năm tới khi nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3 vẫn hoạt động, chúng ta phải có các giải pháp khác để xử lý môi trường. Hiện nay trên thế giới cũng có nhiều phương pháp để xử lý”, ông Hà nói.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng khẳng định sẽ không có Formosa thứ 2, đồng thời cam kết trước QH về việc thực hiện các giải pháp để kiểm soát chặt chẽ hơn các vấn đề ô nhiễm môi trường trong thời gian tới.
Trả lại bờ biển cho dân
Đề cập đến vấn đề quản lý nhà nước về bờ biển, bờ sông, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nhấn mạnh: “Về hành lang pháp lý bờ biển, bờ sông, tôi đề nghị Chính phủ ra quy định rà soát lại bờ sông, bờ biển trả lại cho quốc gia, người dân, không để các nhà đầu tư lấn chiếm”.
Trả lời ĐB, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho hay: Về hành lang biển, bờ sông, chúng ta để thể chế hóa bằng luật tài nguyên nước quy định hành lang bảo vệ, luật về biển cũng quy định rất rõ. Tôi đề nghị không cần thêm, chỉ cần nâng cao kỷ luật, kỷ cương thực hiện ở địa phương.
Cùng quan tâm vấn đề đường xuống biển cho dân, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu: Hiện nay bao nhiêu đường xuống biển tắm tại các khu du lịch đã bị tư nhân hóa hết, dân muốn tắm không được tắm. Thậm chí, tư nhân làm rào chắn không cho người dân đi qua. Đây là việc bất cập trong quản lý đất đai khi cho tư nhân mua bán hợp pháp hoặc có giấy đỏ. Giải pháp sắp tới tính thế nào để thu hồi đất, đảm bảo đường xuống biển cho dân. Trong tương lai gần, đặc khu nhất là Phú Quốc sẽ diễn ra tình trạng này.
Đáp lời, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết việc tư nhân hóa bãi biển chiếm đất của dân là không đúng quy định pháp luật về tài nguyên môi trường biển. Trách nhiệm là ở cơ quan quản lý Nhà nước các cấp, đây là việc mà Đà Nẵng đã làm được, Đà Nẵng cũng rất chặt chẽ trong việc giao đất cho doanh nghiệp quản lý.
“Tại sao Đà Nẵng làm được, vì dựa trên cơ sở luật đã có”, ông Hà dẫn thực tế. Nhưng lãnh đạo Bộ Tài nguyên cũng cho rằng, với những trường hợp thực hiện theo quy định của Nhà nước trước khi có Luật thì cần được xem xét nhiều yếu tố; trường hợp từ khi có luật thì phải thực hiện nghiêm theo luật.
Ông cũng khẳng định theo quy định hiện hành, toàn dân đều có quyền hưởng môi trường biển. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền của dân cần thiết sự vào cuộc của chính quyền địa phương.
Đề xuất tăng thuế với đất không sử dụng
ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nêu nghịch lý trong quản lý đất đai hiện này là đền bù giá cao hơn so với trước khi có dự án người dân vẫn khiếu kiện. Tỷ lệ không nhỏ tỷ phú, đại gia Việt Nam ra đời từ các công trình dự án phát triển bất động sản. Và càng phát triển, giá đất càng tăng, chính phủ càng phải bỏ ra nhiều tiền đền bù và người dân càng khiếu kiện.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đề nghị không thực hiện giao đất giá rẻ, miễn tiền sử dụng đất với các nhà đầu tư. Ảnh: Dantri
“Vậy chính sách đất đai của chúng ta đặc biệt là các công cụ kinh tế có liên quan gì đến thị trường trên? Có nên sử dụng ưu đãi nhà đầu tư trong việc giao đất giá thấp hay miễn tiền sử dụng đất hay không? Chúng ta có giải pháp gì để giải quyết tận gốc vấn đề này?” – ĐB Cường đặt câu hỏi.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: Đây là vấn đề liên quan tới việc định giá đất đai. Có 5 phương pháp định giá đất đai, nhưng thế giới làm được còn tại Việt Nam thì rất khó, vì đất đai biến động mạnh. Chỉ cần chuyển từ đất trồng lúa sang đất quy hoạch phát triển bất động sản là khác nhau rất lớn. Trên thế giới quy hoạch của họ rất rõ ràng, không có chuyển đổi mục đích nên 5 phương pháp có thể áp dụng được. Trong khi đó, Việt Nam chưa hình thành thị trường nên các phương pháp này không phù hợp.
Bộ rất mong muốn được hỗ trợ trong vấn đề sửa luật, điều chỉnh chính sách đất đai bằng các công cụ kinh tế để điều chỉnh giá đất và làm rõ cơ chế phân bổ nguồn lực trước và sau quy hoạch, qua đó tính toán thu đầy đủ thuế gia tăng từ quá trình chuyển đổi.
“Đã là tài sản thì không cho không ai cả. Tài sản phải được đánh giá đầy đủ mới sử dụng hiệu quả. Thậm chí đất nông nghiệp đã miễn thuế nhiều năm, đi quanh Hà Nội nhiều mảnh đất không sử dụng, hoang hóa, điều này không nên, không đặt ra quan tâm kinh tế trong mảnh đất này. Nếu mảnh đất hoạt động hiệu quả chúng ta thu thuế thu nhập, còn các khu khác phải thu thuế sử dụng đất đai để sử dụng hiệu quả” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Chất vấn về thu hồi đất của dân làm dự án rồi lại để hoang hoá, đại biểu Dương Minh Ánh hỏi “Bộ trưởng có biết tình trạng này, giải pháp là gì và mất thời gian bao lâu giải quyết?”.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận hiện tượng dự án treo ở các địa phương xảy ra từ trước khi có Luật Đất đai 2013, nguyên nhân xác định do năng lực nhà đầu tư, thiếu chế tài xử lý. Hiện Luật Đất đai 2013 đã quy định rất rõ chế tài, năng lực, cơ chế tài chính để ràng buộc nhà đầu tư. Tuy nhiên hiện tượng này vẫn chưa được xử lý vì còn chồng chéo giữa các quy định pháp luật.
Bộ trưởng Hà giải thích, theo quy định Luật Đất đai 2013, dự án không thực hiện đúng tiến độ sau 24 tháng sẽ bị thu hồi, và trường hợp nhất định có thể cho phép kéo dài thêm 24 tháng nữa. Trong khi đó thời hạn này quy định tại Luật Đầu tư là 12 tháng. Nói quan điểm cá nhân, ông Hà đồng tình nên thu hồi dự án treo, chậm tiến độ nếu sau 12 tháng doanh nghiệp không triển khai đầu tư, thực hiện.
“Cần xem xét điều chỉnh lại điểm vênh giữa Luật Đầu tư và Luật Đất đai 2013, làm rõ nội hàm quá thời hạn 12 tháng thì thu hồi dự án treo ra sao”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu. Ông cũng nói thêm, Luật Đất đai hiện nay cho phép thu hồi song không yêu cầu nhà đầu tư phải bồi hoàn và đây là bất cập. Bởi thực tế, nhiều dự án đã được chủ đầu tư dùng để thế chấp đất, vay vốn ngân hàng nên khi thu hồi dự án treo này sẽ gặp vướng mắc với Luật Đất đai.
Cũng liên quan tới quản lý đất đai, đại biểu Nguyễn Thanh Hải đề cập tới bất cập trong đền bù, chuyển nhượng đất ở một số địa phương và đề nghị được biết trách nhiệm xử lý thuộc về ai?
Trả lời, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận trách nhiệm thuộc ngành tài nguyên môi trường khi không làm tốt công tác dự báo. Quy định về đền bù, tái định cư đã được quy định rõ trong luật, tuy nhiên theo ông Hà, ở đây có trách nhiệm của chính quyền địa phương khi đã cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất sai luật; không làm tốt quy hoạch quỹ đất, đất tái định cư…
Ông khẳng định, Bộ TNMT sẽ phối hợp với các bộ thực hiện tốt hơn công tác rà soát, kiểm tra chuyển nhượng đất đai, song “cũng mong các địa phương cho biết lý do vì sao khó khăn để chúng tôi tháo gỡ”.
Theo Dân việt