Tuyến buýt nhanh (BRT) 01 của Hà Nội được đầu tư hàng ngàn tỷ đồng từ vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB). Sau 5 năm hoạt động, BRT không đem lại hiệu quả như mong đợi.

Khi đầu tư xây dựng tuyến BRT 01, TP Hà Nội đặt kỳ vọng BRT có sức chuyên chở lớn, tốc độ nhanh, vận hành liên tục và có khả năng thay thế phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, sau 5 năm đưa vào hoạt động các mục tiêu trên đều không đạt được.

Hàng ngày vào giờ cao điểm (7h30 đến 8h30) đường Lê Văn Lương và đường Tố Hữu do phương tiện dồn về trung tâm TP quá cao nên thường xuyên ùn tắc. Điều đáng nói là làn đường ưu tiên dành cho BRT phương tiện cá nhân (ô tô, xe máy) tràn vào chiếm hết làn đường khiến BRT không thể di chuyển được nếu không có lực lượng chức năng điều tiết giao thông.

Chị Lê Thị Lĩnh ở Khu đô thị Văn Khê (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, thỉnh thoảng chị vẫn đi BRT từ nhà lên phố Giảng Võ. Tuy nhiên, vào giờ cao điểm BRT thường xuyên ùn tắc do phương tiện cá nhân lấn vào đường ưu tiên vốn chỉ dành riêng cho BRT.

BRT Hà Nội: Nghìn tỷ vốn vay cho thử nghiệm thất bại
Đầu tư ngàn tỷ cho tuyến buýt nhanh: Giá quá đắt cho thử nghiệm thất bại

Anh Lê Ngọc Minh, một người dân ở Ba La (Hà Đông) cho rằng, đến thời điểm này có thể thấy  BRT là thất bại lớn của TP Hà Nội.  Đây là thất bại tổng thể từ tầm nhìn đến quy hoạch giao thông đô thị.

Theo anh Minh, việc bố trí BRT hoạt động trên tuyến đường có lưu lượng lớn với nhiều nhà cao tầng san sát nhau, trong khi diện tích đường dành cho giao thông quá chật hẹp với nhiều nút giao cắt thì BRT không thể phát huy được hiệu quả.

“BRT chiếm 1/3 làn đường và đi qua nhiều ngã tư giao cắt nên tất cả những con đường BRT đi qua đều trở thành những điểm ùn tắc. Ngoài ra, việc một số nhà ga BRT không có cầu bộ hành sang đường, nhiều hành khách bất chấp băng qua đường cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông”, anh Minh nói.

Trên thực tế, Hà Nội đã đưa ra các giải pháp để giải quyết những bất cập cho BRT, trong đó có việc cho buýt thường đi vào đường dành riêng cho BRT.

Tuy nhiên, hệ thống nhà chờ của buýt thường lại nằm bên phải đường. Nếu đi vào đường ưu tiên của BRT khi sang đường đón khách xe buýt thường phải cắt ngang dòng xe cộ khiến cho giao thông thêm hỗn loạn.

Giá đắt cho thử nghiệm thất bại

Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, sở dĩ tuyến BRT Hà Nội không phát huy được hiệu quả là do TP đã áp dụng máy móc mô hình từ nước ngoài mà không dựa trên điều kiện giao thông thực tế của Hà Nội.

Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội nhìn nhận, BRT là phương tiện tiên tiến, trên thế giới được người dân ủng hộ vì đây là một hình thức vận tải công cộng có tốc độ nhanh, an toàn, vận chuyển lớn.

Tuy nhiên, khi Hà Nội đưa vào hoạt động trên tuyến đường hẹp, BRT lại đòi hỏi làn đường ưu tiên thì đã xuất hiện bất cập. Cụ thể là ùn tắc, xung đột với các phương tiện cá nhân…

BRT Hà Nội: Nghìn tỷ vốn vay cho thử nghiệm thất bại
Giờ cao điểm phương tiện cá nhân lấn làn khiến BRT không thoát được cảnh ùn tắc

Nếu chúng ta cứ để BRT như hiện nay thì thì buýt nhanh hoạt động chẳng khác nào buýt thường, trong khi mức đầu tư lại quá lớn.

Ông Liên cho rằng, đây là điều rất đáng buồn khi tiền đầu tư phải vay của nước ngoài nhưng hiệu quả mang lại rất thấp. Đây thực sự là một cái giá rất đắt cho một thử nghiệm không đem lại hiệu quả như mong đợi.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : BRTHà Nộituyến buýt nhanhùn tắc

Các tin liên quan đến bài viết