Lầu Năm góc cho biết, Trung Quốc đã cảnh báo Mỹ không can thiệp vào quan hệ giữa nước này với Ấn Độ.
Theo Reuters, mối quan hệ Trung – Ấn đã lao dốc kể từ khi xảy ra các vụ đụng độ biên giới tồi tệ nhất giữa họ trong 45 năm, khiến 20 lính Ấn Độ và 4 binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng hồi năm 2020. Kể từ đó, hai bên vẫn duy trì việc triển khai quân đội ở mức cao tại khu vực biên giới Himalaya, dù Ấn Độ đã tăng mạnh nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự cuộc họp thượng đỉnh BRICS tại Johannesburg, Nam Phi tháng 7/2018.
Ấn Độ hiện tham gia liên minh Bộ Tứ (Quad) với Mỹ, Nhật và Australia nhằm mục đích kiểm soát ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Trong một báo cáo gửi Quốc hội Mỹ, được công bố hôm 29/11, Lầu Năm đánh giá, suốt thời gian xảy ra đụng độ với nước láng giềng, các quan chức Trung Quốc “đã tìm cách hạ thấp mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng, nhấn mạnh ý định của Bắc Kinh là duy trì ổn định biên giới và ngăn không cho vụ đối đầu làm tổn hại đến các lĩnh vực khác trong mối quan hệ song phương với Ấn Độ”.
“Trung Quốc tìm cách ngăn chặn việc căng thẳng biên giới khiến Ấn Độ hợp tác chặt chẽ hơn với Mỹ. Các quan chức Trung Quốc đã cảnh báo giới chức Mỹ không can thiệp vào mối quan hệ của nước này với Ấn Độ”, trích nhận định của Bộ Quốc phòng Mỹ.
Tại cuộc họp báo thường nhật hôm 30/11, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên không đề cập đến báo cáo của Lầu Năm góc. Tuy nhiên, người phát ngôn nói, cuộc tập trận chung Mỹ – Ấn trong tháng 11 ở bang Uttarakhand, phía bắc Ấn Độ, không quá xa biên giới Trung Quốc là “không có lợi cho lòng tin giữa Ấn Độ và Trung Quốc”.
Theo Brahma Chellaney, một nhà phân tích các vấn đề chiến lược và quốc phòng ở New Delhi (Ấn Độ), Bắc Kinh có thể “thúc đẩy lợi ích của mình” bằng cách hạ thấp vị thế quân sự ở vùng biên giới Himalaya, đồng thời bảo vệ các lĩnh vực khác trong mối quan hệ với Ấn Độ.
Nguồn: vietnamnet