Nhiều trường tư thục, trường quốc tế tại TP.HCM dự kiến tăng học phí trong năm học mới dù trước đó Sở GD-ĐT TP.HCM đề nghị giữ ổn định học phí để chia sẻ khó khăn với phụ huynh do COVID-19.

TP.HCM: Nhiều trường quốc tế, trường tư tăng học phí - Ảnh 1.

Phụ huynh đến Trường Quốc tế Á Châu (TP.HCM) đối thoại về chính sách học phí năm học mới vào tháng 5-2021 

Cụ thể, Trường Quốc tế Úc (AIS) dự kiến thu cao hơn năm trước 35 – 50 triệu đồng, nâng mức học phí trong năm học mới vào khoảng 104 – 276 triệu đồng/năm cho bậc mẫu giáo, 455 – 699 triệu đồng/năm từ lớp 1 – 12.

Trường Quốc tế Mỹ (TAS) có mức học phí tăng khoảng 20 triệu đồng/năm cho các cấp học so với năm học 2020 – 2021. Trong đó, tiền học cho học sinh từ lớp 1 – 3 khoảng 480 triệu đồng/năm, cấp THCS và THPT 545 – 655 triệu đồng/năm.

Tại Trường Quốc tế Mỹ – Việt Nam (AISVN), học phí từ lớp 1 – 12 dao động từ 510 – 725 triệu đồng/năm. Mức tăng khác nhau theo từng khối lớp, trong đó lớp 10 có mức tăng cao nhất khoảng 18%, từ khoảng 565 triệu lên đến 665 triệu đồng, tức tăng 100 triệu đồng.

Một số trường tư thục có học phí thấp hơn cũng ghi nhận xu hướng tăng. Điển hình tại hệ thống Trường EMASI, học phí năm học này dao động từ 110-285 triệu đồng/năm, tăng khoảng 8%.

Trường Quốc tế Việt Úc (VAS) cũng tăng 4 – 9%, khiến học phí dao động 185 – 460 triệu đồng/năm. Trường Quốc tế Á Châu cho biết học phí năm học 2021 – 2022 từ lớp 1 – 5 tăng 15%, lớp 6 – 7 tăng 14%, lớp 8 tăng 13%, lớp 9 tăng 12%, lớp 10 – 12 tăng 11%.

ThS Phạm Phúc Thịnh, hiệu trưởng Trường tiểu học – THCS – THPT Tuệ Đức (TP.HCM), chia sẻ đầu tháng 10-2020, lãnh đạo trường đã thảo luận rất nhiều có nên tăng học phí cho năm học 2021 – 2022 hay không khi dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng rất nhiều đến phụ huynh.

Sau khi tính toán, mặc dù rất muốn giữ ổn định như năm trước nhưng trường không thể không tăng học phí.

“Trường tư như một doanh nghiệp, phải cân đối thu chi. Nếu so với năm 2020, các chi phí như điện, nước đều tăng, chưa kể tiền thuê đất cũng tăng do trượt giá.

Chưa kể năm học 2021 – 2022 ghi nhận sự thay đổi về chương trình phổ thông ở lớp 2 và lớp 6 khiến việc đầu tư cho cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giảng viên tăng lên khá nhiều mới đáp ứng được chất lượng” – ông Thịnh nói.

Trong khi đó, theo phó hiệu trưởng một trường quốc tế tại thành phố Thủ Đức (TP.HCM), trường không thể giảm học phí khi các chi phí cố định để vận hành trường vẫn tăng đều đặn, trong đó tiền thuê mặt bằng là nặng nhất.

Dù có dạy online, tiền mặt bằng vẫn phải trả và hằng năm đều tăng để bù lại tốc độ lạm phát. “Chưa kể tiền lương giáo viên, nhân viên cũng không được giảm, trong khi đó muốn tuyển được nhiều giáo viên nước ngoài giỏi thì phải có mức đãi ngộ cạnh tranh” – vị này nói.

Mong hỗ trợ từ Nhà nước

Theo ThS Phạm Phúc Thịnh, trường tư mong muốn có sự hỗ trợ từ Nhà nước để có thêm nguồn lực để hỗ trợ học phí cho học sinh. Trước hết trong năm nay, các trường tư nên được giảm, miễn một số loại thuế.

Một vài chính sách cũng nên như trường công. “Chẳng hạn, trường chúng tôi phải tự bỏ chi phí giáo viên mới được tập huấn chương trình phổ thông mới. Mỗi giáo viên tốn khoảng 500.000 đồng.

Trường có 1.000 giáo viên, mất 500 triệu đồng. Trong khi đó, giáo viên trường công được tập huấn miễn phí” – ông Thịnh nói.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : COVID-19năm học mớităng học phíTrường tư tăng học phí

Các tin liên quan đến bài viết