Trước thềm khai mạc Ngày hội Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo quốc gia Techfest 2018, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng đã có những chia sẻ về điểm nhấn của chương trình năm nay cũng như bối cảnh chung của hoạt động khởi nghiệp trong nước thời gian qua.

Chính sách cho khởi nghiệp: Rào cản cần tiếp tục tháo gỡ
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng

– Thứ trưởng có thể cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) có những kỳ vọng gì ở Techfest năm nay? Đâu sẽ là điểm nhấn và điểm mới của Techfest 2018 so với 3 kỳ Techfest trước đây?

Thứ trưởng Trần Văn Tùng: Bộ KH&CN sẽ tổ chức Techfest 2018 từ ngày 29/11 đến ngày 1/12/2018. Chúng tôi hi vọng Techfest lần này sẽ là dịp tổng kết chuỗi hoạt động của các Bộ, ngành, địa phương, thành phố, tổ chức chính trị-xã hội trong năm qua, và thông qua Techfest kỳ này sẽ đánh giá và lựa chọn được những ý tưởng đổi mới sáng tạo (ĐMST) nhất trong các hoạt động về khởi nghiệp ĐMST của cả nước.

Qua 4 năm tổ chức, chúng tôi cũng hi vọng Techfest 2018 sẽ ghi dấu ấn đặc biệt của “sự kiện lớn nhất trong năm” về hoạt động khởi nghiệp ĐMST tại Việt Nam.

Đây cũng là một dịp nhìn lại hoạt động khởi nghiệp trên cả nước thông qua các sự kiện được nhấn mạnh tại Techfest lần này. Đó là Diễn đàn đối thoại của lãnh đạo Chính phủ với thanh niên, sinh viên để động viên, khuyến khích các bạn trẻ không ngừng ĐMST và tháo gỡ những gì còn vướng mắc trong quá trình hoạt động khởi nghiệp.

Một sự kiện quan trọng khác là Diễn đàn cấp cao với sự tham gia của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với lãnh đạo các Bộ, ngành của các nước trong khu vực và trên thế giới. Đây là dịp trao đổi, chia sẻ thông tin, giúp chúng ta hấp thụ những kinh nghiệm của các nước về  hoạt động khởi nghiệp.

Techfest 2018 cũng sẽ chứng kiến những ý tưởng sáng tạo rất đặc biệt của người Việt Nam, thông qua giới thiệu các video clip được trình chiếu sẽ khiến chúng ta ngạc nhiên về những ý tưởng sáng tạo của người Việt Nam rất đáng khâm phục.

Điểm nhấn trong chuỗi sự kiện này chính là buổi Lễ trao giải và tài trợ cho những ý tưởng sáng tạo hay nhất để các tác giả có thể tham gia vào những sự kiện khởi nghiệp ở Hoa Kỳ (Thung lũng Silicon), Israel, Hàn Quốc, Nhật Bản…

– Theo kết quả khảo sát của Mạng lưới Khởi nghiệp toàn cầu (GEN), Việt Nam được xếp vào nhóm 20 nền kinh tế khởi nghiệp cao nhất nhưng lại nằm trong nhóm 20 quốc gia có khả năng thực hiện các kế hoạch kinh doanh thấp nhất. Ða phần các bạn trẻ khởi nghiệp thường tập trung vào ý tưởng sản phẩm mà quên giải bài toán lớn về nguồn lực và khả năng vận hành của bản thân doanh nghiệp. Bộ KH&CN có bình luận gì về đánhgiá này? Liệu đánh giá này có phản ánh chân thực hiện trạng khởi nghiệp ở Việt Nam?

Đánh giá này đúng một phần. Cũng phải chia sẻ, hoạt động  khởi nghiệp ĐMST tại Việt Nam vẫn còn khá mới. Năm nay là năm thứ 4 Bộ KH&CN tổ chức Techfest quốc gia.

Cũng cần nhìn nhận thực tế, ngoài những ý tưởng ĐMST, điều quan trọng đối với các bạn trẻ là phải biết xây dựng được kế hoạch kinh doanh và tổ chức thực hiện thực hiện kế hoạch. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy điểm yếu của các bạn là kế hoạch đặt ra cũng chưa sát với thực tiễn, thiếu các yếu tố để có khả năng huy động nguồn lực tài chính, nhân lực, pháp lý…  (đối với các quỹ đầu tư là kiến thức và phương án huy động vốn).

Đồng thời khi xây dựng được kế hoạch, các bạn cũng phải biết tổ chức thực hiện các phương án sản xuất kinh doanh. Tất cả điều này chỉ có được thông qua học tập, trao đổi, phải được những người đi trước truyền đạt kiến thức, phải gặp gỡ các doanh nhân thành đạt để trao đổi chia sẻ kinh nghiệm… Đây là một điểm tôi thấy các bạn cần cố gắng.

Tuy nhiên, chúng ta bắt đầu quan tâm xây dựng để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST nhưng quãng thời gian gian chưa dài, nên đâu đó, đánh giá, nhận xét của các tổ chức cũng là khách quan và đây cũng là lời nhắc nhở chúng ta phải chú ý hơn nữa về phát triển hệ sinh thái (HST) khởi nghiệp ĐMST tại Việt Nam.

 Thưa Thứ trưởng, Đề án 844 đang được triển khai như thế nào? Hiện nay các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam gặp những khó khăn gì khi tiếp cận nguồn vốn đầu tư tư nhân, nhất là đầu tư từ nước ngoài?

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 3 kế hoạch về khởi nghiệp, trong đó Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (gọi tắt là Đề án44) giao cho Bộ KH&CN chủ trì là một đề án bao trùm và có yếu tố tiên phong, định hướng. Và cụ thể, trên từng lĩnh vực, từng khu vực đã có những kế hoạch của thanh niên, sinh viên ở các trường đại học.

Dù các kế hoạch, đề án được phê duyệt vào các thời điểm khác nhau nhưng Bộ KH&CN nhận được sự phối hợp của tất cả các Bộ, ngành, tổ chức chính trị-xã hội trong nước và các địa phương, đặc biệt là sự tham gia của Đề án do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quản lý.

Trong giai đoạn đầu phê duyệt, Đề án 844 tập trung xây dựng cơ chế, chính sách và khuôn khổ pháp lý cho hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, bởi đây là một hoạt động hoàn toàn toàn mới. Đến nay, Đề án 844 đã chuyển sang hỗ trợ cho các Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp, các Khu làm việc tập trung; hỗ trợ đào đạo, bồi dưỡng kiến thức về khởi nghiệp, giúp người khởi nghiệp có đủ năng lực, khả năng nghiệp vụ, trình độ chuyên môn.

Chúng tôi cũng tuyên truyền về kinh nghiệm của thế giới thông qua các bài giảng, các chuyên gia, người khởi nghiệp đã thành công để chia sẻ kinh nghiệm, giúp cho các bạn trẻ có kiến thức, qua đó giúp người khởi nghiệp xây dựng được những kế hoạch sản xuất, kinh doanh, triển khai được kế hoạch của mình.

Chúng tôi tin tưởng với những phương án như vậy sẽ giảm bớt khoảng cách giữa tinh thần, niềm đam mê khởi nghiệp với khả năng thực hiện những ý tưởng khởi nghiệp của những người làm sản xuất kinh doanh khởi nghiệp.

– Thứ trưởng đánh giá như thế nào về vai trò của các quỹ đầu tư mạo hiểm đối với hoạt động của doanh nghiệp khởi nghiệp? Hiện nay vẫn còn ít các quỹ đầu tư tham gia hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đâu là nguyên nhân của thực tế này?

Quay trở lại vấn đề như tôi đã nói ở trên, vai trò của các quỹ đầu tư mạo hiểm hết sức quan trọng đối với khởi nghiệp ĐMST, vì bản chất của đầu tư cho khởi nghiệp ĐMST cũng là đầu tư mạo hiểm, nhiều rủi ro, trong 100 dự án được đầu tư chỉ có một vài dự án thành công.

Tại Việt Nam, những quỹ như vậy chưa nhiều, do về mặt thể chế, chính sách, Nhà nước rất khó đầu tư vào các quỹ đầu tư mạo hiểm nên cũng khó có thể đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST. Điều này cần phải được thay đổi từ phía cơ chế chính sách. Tuy nhiên vẫn có nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm rất mong muốn vào Việt Nam. Vì vậy, chúng ta cần xây dựng một hệ sinh thái có các ý tưởng khác biệt, có ý tưởng ĐMST để khi nhà đầu tư nhìn vào sẽ thấy được tiềm năng của nó.

– Cơ chế chính sách cho các startup được Bộ KH&CN liên tục tháo gỡ trong thời gian qua nhưng vẫn còn nhiều rào cản. Cũng có nhận định cho rằng: “Tốc độ phát triển của startup Việt như vũ bão còn cơ chế chính sách thì chạy mãi vẫn không kịp”. Thứ trưởng đánh giá như thế nào về nhận định này? Cuộc đối thoại sắp tới giữa startup với lãnh đạo Chính phủ có bàn đến nội dung này không? Có đưa ra những giải pháp về cơ chế chính sách nào không?

Mọi sự so sánh chỉ mang tính tương đối. Trong thời gian qua, hoạt động khởi nghiệp trong cả nước đã có sự phát triển mạnh. Khởi nghiệp và khởi nghiệp ĐMST được nhắc đến rất nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Rất nhiều ý tưởng đã và đang được triển khai với tốc độ nhanh. Cho nên, việc các chính sách về khởi nghiệp ĐMST đi chậm hơn cũng là chuyện bình thường. Bên cạnh đó, việc xây dựng và ban hành chính sách cần phải qua nhiều công đoạn, phụ thuộc vào nhiều cơ quan, có vấn đề liên quan đến Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành… nên trên thực tế cần có nhiều thời gian.

Ví dụ, cần có cơ chế để các nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng đưa tiền vào Việt Nam, khi đầu tư thành công cho khởi nghiệp được phép rút vốn và dễ dàng chuyển vốn ra nước ngoài. Nhưng phía Việt Nam cũng phải tính đến khả năng đem tiền vào Việt Nam nhằm mục đích “rửa tiền” thông qua hình thức đầu tư kinh doanh. Việt Nam cũng cần quản lý thật chặt, tránh tình trạng “chảy” ngoại tệ của Việt Nam ra nước nước. Tất cả những vấn đề đó cần được quản lý phù hợp, vừa khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST nhưng đồng thời vẫn phải đảm bảo vai trò quản lý của các Bộ, ngành.

Chúng ta cũng cần tính toán về vấn đề thuế, không thể đánh thuế các nhà đầu tư không dựa trên danh sách đầu tư của họ (loại ra những dự án họ đã đầu tư nhưng thất bại), làm như vậy rất khó kêu gọi các quỹ này tiếp tục tham gia đầu tư tại Việt Nam. Những rào cản về chính sách như vậy phải được tiếp tục tháo gỡ.

Tại Diễn đàn Thanh niên đối thoại với lãnh đạo Chính phủ sắp tới tại Techfest 2018, chúng tôi hi vọng các bạn sẽ nêu ra những vấn đề còn bất cập cần được giải quyết bằng cơ chế chính sách. Thông qua đó, các Bộ, ngành liên quan theo thẩm quyền chức năng của mình sẽ xem xét nghiên cứu, sửa đổi bổ sung những văn bản, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho startup trong quá trình phát triển.

– Gần đây cụm từ “hệ sinh thái khởi nghiệp” và “hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST” được nhắc đến nhiều nhưng cũng có nhiều người không thực sự hiểu rõ các khái niệm này. Thứ trưởng có thể giải thích rõ hơn hai khái niệm này và đưa ra một vài đánh giá về “hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của Việt Nam”? 

Khởi nghiệp ĐMST là khái niệm từ Đề án 844 và các các đề án của Bộ GĐ&ĐT, đề án dành cho thanh niên, trong đó nhấn mạnh ý tưởng khác biệt, sáng tạo, dựa trên KH&CN để cải tiến, sáng kiến, có ứng dụng công nghệ vào quá trình sản xuất kinh doanh để thực hiện ý tưởng của mình.

Nếu như khởi nghiệp thông thường sinh lợi ít thì khởi nghiệp ĐMST ứng dụng KH&CN mức độ gia tăng có thể tăng cao nếu cùng một mức đầu tư. Mức độ gia tăng vốn có thể từ con số chục nghìn đô la Mỹ lên đến vài triệu, thậm chí vài trăm triệu đô la qua các năm.

– Hiện nay hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của Việt Nam được kết nối như thế nào với hệ sinh thái khởi nghiệp quốc tế? Bộ KH&CN có những hỗ trợ gì trong việc quảng bá, giới thiệu các startups của Việt Nam ra thế giới? (Hay nói cách khác, làm thế nào để giải quyết bài bài toán kết nối giữa hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước và quốc tế?)

Trong chỉ đạo và định hướng hoạt động khởi nghiệp gắn với ĐMST tại Việt Nam, hệ sinh thái đó không khác và không xa rời với khởi nghiệp ĐMST trên thế giới.

Trong quá trình xây dựng, các đề án đều hướng đến việc Việt Nam phải đi cùng với các nước trong khu vực và trên thế giới. Cho nên, cách làm, kỹ năng, chuyên môn và những kinh nghiệm phải trao đổi và chia sẻ với các nước ở trong khu vực và trên thế giới, để khi những ý tưởng sáng tạo của Người Việt Nam nếu tốt, được đánh giá cao, có thể tham gia tranh tài cùng các ý tưởng khác tại sự kiện khởi nghiệp lớn trên thế giới.

Trong Techfest lần này, người đạt Giải Nhất sẽ được hỗ trợ chi phí cho chuyến đi đến Thung lũng Silicon, các chi phí hỗ trợ tham dự sự kiện khởi nghiệp của thế giới. Đây cũng là một trong những cách kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam với hệ sinh thái khởi nghiệp thế giới. Cũng tại Techfest lần này, Bộ KH&CN chủ động mời lãnh đạo Mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu (GEN), các nhà đầu tư và quỹ đầu tư trong nước và quốc tế đến dự.

Để kết nối chặt chẽ hơn, chúng tôi sẽ tổ chức Gala Dinner vào ngày 30/11, tạo cơ hội cho các startup gặp gỡ, trao đổi, thuyết trình, chia sẻ các ý tưởng với các nhà đầu tư. Ngoài ra, thông qua Cổng thông tin khởi nghiệp quốc gia, chúng ta có thể tìm thấy nhiều thông tin về khởi nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp, nhà đầu tư, trung tâm ươm tạo, doanh nhân và doanh nghiệp thành công… Cổng thông tin cũng có nhiệm vụ kết nối một cách tự động và thường xuyên các thành phần hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam và hệ sinh thái khởi nghiệp của các nước trên thế giới.

Với tất cả những hoạt động đó, chúng tôi tin sẽ hỗ trợ kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST Việt Nam với mạng lưới khởi nghiệp các nước trên thế giới.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : ĐMSTkhởi nghiệpThứ trưởng Bộ khoa học công nghệ

Các tin liên quan đến bài viết