Xuất phát điểm của chúng ta là khác nhau. Và chúng ta sinh ra với những năng lực, tài chính, khả năng, ước mơ, môi trường sống, điểm mạnh, điểm yếu khác nhau. Và những yếu tố này sẽ ảnh hưởng khá nhiều đến cách chúng ta sẽ chọn lựa con đường làm giàu cho mình sau này.

Mark Zuckerberg trở thành tỷ phú bằng một trí óc công nghệ vô cùng thông minh. Nhờ trí tuệ đó, anh đã tạo ra một mạng xã hội facebook phổ biến toàn cầu. Donald Trump thì giàu có nhờ kinh doanh bất động sản, vốn là truyền thống kinh doanh gia đình ông từ ông nội đến ông. Tác giả truyện Harry Porter trở thành triệu phú nhờ trí tưởng tượng phong phú và tài viết lách của bà. Và còn nhiều, nhiều gương thành công khác nữa. Song tất cả đều giống nhau là: Giàu có và thành công đến được đều dựa trên việc biết khai thác những điểm mạnh, điểm yếu của bản thân. Chính sự nhận biết rõ ràng về bản thân mà họ đã có được sự tự tin và sự quyết đoán. Họ biết rõ con đường mình cần đi, kế hoạch mình cần làm, và việc người mình cần phải gặp.

Để có thể trở thành người giàu có, kiếm được nhiều tiền hơn, chúng ta cần biết rõ mình là ai, mình đang ở đâu, mình có những nguồn lực gì và xuất điểm của mình như thế nào. Dựa trên sự hiểu biết đó, chúng ta mới có thể lập kế hoạch hành động phù hợp và cụ thể để đạt được sự giàu có.

Ví dụ, bản thân tôi luôn có niềm tin mạnh mẽ rằng mình sẽ giàu có. Thói quen tích cực của tôi là hành động nhiệt tình nếu đó là việc tôi cho là cần thiết. Tôi có khả năng bán hàng và cảm nhận các con số chính xác, và tôi có năng khiếu kinh doanh. Tôi có lòng dũng cảm và thái độ chiến thắng cho dù trong hoàn cảnh nào. Nhưng tôi lúc đó hầu như không có mối quan hệ nào có thể giúp tôi trên con đường biến mình từ kẻ trắng tay thành người giàu có. Có những việc dù biết là tốt nhưng tôi vẫn chần chừ. Rồi tôi nhận ra thói quen tiêu cực dẫn đến những hạn chế trên con đường làm giàu của tôi.

Làm thế nào để phân tích bản thân?

Dưới đây là cách tôi đã thực hành để phân tích bản thân và bằng thực tế của mình, tôi đã minh chứng rằng chúng hiệu quả. Tôi tin rằng chúng cũng sẽ hữu ích với bạn:

Nhớ lại tình huống trong quá khứ và cách bạn phản ứng với các tình huống đó. Bạn có thói quen hành động, thói quen suy nghĩ như thế nào? Niềm tin tích cực và cần loại bỏ? Bạn có thói quen hành động, thói quen suy nghĩ như thế nào? Niềm tin tích cực của bạn là gì? Những thói quen suy nghĩ, niềm tin gì là tiêu cực và cần loại bỏ? bạn có khả năng gì nổi trội?

Thử dấn thân làm thử bất cứ một việc gì đó. Hãy nhìn nhận, tự quan sát chính mình trong khi làm việc đó. Ví dụ, bạn tìm mọi cách để giải quyết và cuối cùng khách hàng rất hài lòng. Như vậy bạn có khả năng giao tiếp với khách hàng. Nếu khách hàng thậm chí còn bực mình hơn sau khi nói chuyện với bạn, vậy kỹ năng giao tiếp và xử lý tình huống của bạn là chưa ổn.

Xác định kế hoạch và hành động

Khi nhìn thấy tầm nhìn ước mơ về cuộc đời bạn, tức cuộc sống mà bạn thực sự khát khao và mong muốn có được, cũng như đã thực hiện lượng hóa mục tiêu tài chính cụ thể, thì bước tiếp theo là xây dựng kế hoạch hành động. Bạn không thể chỉ mơ suông, há miệng chờ sung và mong đợi rằng mọi thứ sẽ xảy ra đến với bạn, đúng không?

Mọi người đều có ước mơ, nhưng một số lại luôn cảm thấy bản thân kém may mắn vì không có gì để bắt đầu. Tại sao tôi lại sinh ra trong gia đình nghèo? Tại sao con cháu của ông giám đốc kia có được mọi thứ ngay từ ban đầu?… Tôi muốn bạn hãy quên việc ngồi than vãn tại sao mình lại sinh ra kém may mắn, rằng mình không có cái này, không có cái kia đi. Sự thật là, cuộc đời vốn không công bằng làm gì. Thay vào đó, học cách sống với sự không công bằng, và tận dụng những sự không công bằng “tích cực” để đi lên. Hãy hành động thay vì ngồi than vãn. Có những cơ hội không bao giờ xuất hiện hai lần trong cuộc đời bạn. Có những cơ hội chỉ đến theo chu kỳ kinh tế 7 đến 10 năm. Khoảng cách người giàu người nghèo ngày càng lớn. Tôi tin rằng, 10 năm nữa Việt Nam, giống như các nước phát triển khác, việc bạn có thể kết nối với một người giàu có và thành công sẽ khó hơn so với bây giờ rất nhiều.

Nhiều người khác thì đã từng học rất tốt với thành tích xuất sắc trong trường học. Nhưng rồi lại bị chìm đắm trong quá khứ huy hoàng đó mà không chịu tiến lên. Người bạn của tôi mãi tự hào vì họ tốt nghiệp những trường NUS – đại học Quốc gia Singapore. Mỗi lần trường nâng hạng hay được vinh danh, họ cảm thấy vô cùng tự hào, nhưng họ lại chẳng làm gì nhiều cho cuộc sống hiện tại. Họ ngủ quên trên những ảo ảnh chiến thắng, và vùi lấp giấc mơ của chính mình. Hãy nhớ rằng việc bạn đạt kết quả tốt tại một ngôi trường học thì cuộc đua chỉ mới thật sự bắt đầu. Có lợi thế đó chưa có nghĩa bạn sẽ trở nên giàu có và chiến thắng ở đích đến. Nếu bạn không hành động ngay, một ngày bạn nhìn lại những người xung quanh, có thể bạn có thể nhận ra tất cả những người đã từng học tệ hơn bạn đều đang giàu có hơn bạn.

Để lập hành động tốt nhất, bạn cần trả lời một số câu hỏi sau:

– Bạn cần học những gì trên đường đi?

– Bạn cần thay đổi những niềm tin, suy nghĩ, thói quen nào đang hạn chế sự giàu có của ban?

Hành động nào là quan trọng nhất mà bạn cần thực hiện.

  • Lựa chọn nào là quan trọng nhất mà bạn cần đưa ra?
  • Bạn phải phát triển thói quen, cách cư xử gì?
  • Bạn cần sự hỗ trợ gì? Từ ai?
  • Bạn cần bao lâu để đạt được ước mơ giàu có của bạn?
  • Những bước đi hoặc những thành tựu nào bạn cần đạt được trên đường đi?

    Và giờ, hãy nghĩ về bước đầu tiên, bước tiếp theo. Hãy rút ngắn dần khoảng cách giữa vị trí hiện tại của bạn và vị trí bạn muốn trong tương lai. Lúc này điều đó nhìn có vẻ không thực tế, nhưng nó sẽ là có thể, nếu bạn làm từng bước một. Hãy nhớ rằng tất cả mọi thứ: thói quen suy nghĩ, niềm tin, thói quen hành động đều là những thứ có thể thay đổi để trở nên tích cực hơn.

    Khi lập kế hoạch, chúng ta không thể biết nó sẽ phù hợp đến đâu, hãy cứ bắt tay vào làm, và thực tế sẽ phản hồi bạn ngay lập tức. Sẽ có lúc bạn nhận ra hành động đó không hiệu quả. Không sao? Quan trọng là bạn đã thử và giờ là lúc chúng ta điều chỉnh để đi tiếp. Hãy nhớ mục tiêu cuối cùng là giàu có, còn hành động sẽ có thay đổi tùy vào thực tế.

    Từ năm 17 tuổi, tôi đã mơ ước trở thành người giàu có. Và năm 20 tuổi, tôi quyết định phải xin được học bổng sang Sigapore học. Tôi lại chọn ngành hóa chất, vì tôi thấy tại thời điểm đó kinh doanh dược phẩm hóa chất đang rất ăn nên làm ra. Nhưng hóa chất lại là ngành tôi không hề đam mê và không có tý năng khiếu nào, tôi quyết định không học ngành hóa chất nữa. Đồng thời, nhận ra mình có khả năng tốt về marketing và bán hàng. Tôi chuyển sang làm và học nghề bán hàng bằng cách đi bán hàng thực tế.

    Tôi đã từng làm trong một công ty chuyên nhập khẩu lắp ráp thiết bị xe máy của một thương hiệu xe máy nổi tiếng của Ý ở Việt Nam. Sau một thời gian ngắn, với sự tin tưởng của công ty, tôi đã cùng giám đốc công ty sang Ý, đàm phán và ký hợp đồng gần 10 triệu đô. Thành công này mặc dù không phải của riêng tôi, nhưng cho thấy với khả năng tự tin của mình tôi có thể có được những hợp đồng giá trị lớn. Tuy có tất cả mọi thứ mình muốn. Tôi đã xin nghỉ.

    Cái quan trọng nhất ở đây là hành động, hãy làm bất cứ thứ gì mà bạn cảm thấy cần thiết cho con đường giàu có của mình. Đừng chần chừ, hãy tin tưởng vào bản thân mình, sai thì chỉnh hướng. Dù bạn đang không biết phải làm gì, hãy tiếp tục làm bài tập đọc mục tiêu tài chính hàng ngày và rồi khi tiềm thức đủ mạnh, nó sẽ chỉ đường cho bạn và sẽ thu hút những nguồn lực đến hỗ trợ bạn.

    Và dù bạn làm gì, thì cũng hãy làm hết sức mình. Làm sáng và tốt, trong điều kiện khí hậu tốt và không tốt. Không một yếu tố khách quan nào được phép cản trở bạn hành động. Người giàu và thành công là người làm việc đến cùng, bất kể thế nào. Người nghèo và thất bại luôn chỉ làm việc nửa vời. Và bởi vì hành động nửa vời, kết quả không đến và họ chẳng bao giờ giàu có và thành công.

    Hãy hành động, càng nhanh càng tốt, càng sớm càng tốt! hãy luôn kiên định hướng tới giấc mơ cuộc đời bạn, tới những điều bạn yêu thích và ngưỡng mộ!”

    (Trích từ sách “Dám làm giàu” của tác giả Phạm Tuấn Sơn)/Khoahocthoidai.vn

Từ khóa : học cách làm giàukhởi nghiệplàm giàu

Các tin liên quan đến bài viết