Chắc chắn là bạn đã biết đọc sách là như thế nào rồi. Bất cứ ai với trình độ học vấn tốt nghiệp cấp 1 đều biết thế nào là đọc sách.
Nhưng, liệu bạn có biết, đọc thế nào cho hiệu quả?
Nếu bạn cũng đọc giống như cách hầu hết mọi người đọc, thì có khả năng cao là bạn chưa bao giờ tự đặt câu hỏi: “Mình có đang đọc đúng cách không?”
Đọc để biết, hay đọc để hiểu?
Việc nhai đi nhai lại một đống thông tin nào đó, sẽ giúp ích cho việc luyện tập khả năng ghi nhớ của bạn, hơn là giúp bạn hiểu về vấn đề đó. Rất nhiều người đã lầm tưởng rằng khả năng hiểu thấu vấn đề với khả năng tìm kiếm thông tin. Họ nghĩ rằng, có kiến thức (knowledge) đồng nghĩa với việc hiểu thực sự (understand).
Hãy nghĩ mà xem, khi đọc báo bạn có thật sự học điều gì mới không? Bạn có bao giờ thắc mắc rằng liệu tác giả có hiểu biết thực sự về vấn đề đấy không? Hầu hết là không. Có nghĩa là bạn đang đọc chỉ để biết.
Điều đó cũng chẳng có gì sai, đấy là cách hầu hết mọi người đọc. Nhưng bạn đã không thực sự học được bất cứ thứ gì hết. Nó chẳng khiến bạn thông minh hơn, hay khiến bạn làm việc hiệu quả hơn.
Học một thứ gì đó một cách nghiêm túc không hề dễ dàng. Bạn bắt buộc phải đọc những thứ vượt quá tầm hiểu biết hiện tại của mình. Bạn phải tìm đến những tác giả có hiểu biết sâu hơn bạn về lĩnh vực đó. Đấy mới là thứ khiến bạn thông minh hơn.
Đọc để hiểu mới là cách khiến cho khoảng cách giữa người đọc và tác giả thu hẹp lại. Nghĩa là, khi đó, bạn mới nâng được tầm vóc suy nghĩ của mình lên.
4 cấp độ của việc đọc
Mortimer Adler đã viết một cuốn sách về vấn đề này. Quyển sách đó là How to Read a Book. Trong sách có đề cập đến 4 cấp độ của việc đọc:
- Căn bản
- Lướt
- Gạn lọc
- Nghiên cứu
Mục đích của việc đọc sẽ quyết định cách đọc.
Đọc tiểu thuyết mới nhất của Dan Brown không hề giống việc đọc tác phẩm của Plato. Nếu bạn đang đọc để giải trí hoặc chỉ để biết, bạn sẽ đọc một cách khác hoàn toàn (cả về cách thức lẫn loại sách) so với việc bạn đọc để hiểu. Trong khi hầu hết mọi người đều có thể làm tốt trong việc đọc để biết và giải trí, rất ít người cố gắng cải thiện khả năng đọc để hiểu, hay đọc vì tri thức thực sự.
Trước khi đến phần cải thiện kỹ năng đọc, chúng ta cần phải hiểu rõ sự khác biệt của 4 cấp độ trên. Gọi là cấp độ vì bạn không thể đi lên cao hơn mà không hiểu những thứ căn bản bên dưới.
1 — Căn bản
Đây chính là cách mà bạn được dạy ở tiểu học.
2 — Đọc lướt
Chúng ta đã được dạy/biết rằng, đọc Lướt không tốt cho việc hiểu. Thực ra thì nếu bạn biết cách đọc lướt, thì có thể tăng khả năng hiểu khi đọc. Việc đọc lướt qua một quyển sách sẽ giúp chúng ta nhìn khái quát hơn điều mà tác giả muốn bàn luận, từ đó sẽ ra quyết định nên đọc kỹ hơn hay không.
Có 2 kiểu đọc lướt:
- Trước khi mua — Thường thì đây là kiểu đọc khi bạn đang đi tìm mua 1 quyển sách. Đầu tiên là đọc đoạn giới thiệu, sau đó đến mục lục và một vài trang đầu, cuối cùng là lời bình ở bìa sau. Có thể bạn sẽ mở một vài chương ra và đọc thử một đoạn, nhưng chỉ thế thôi. Cách này sẽ giúp bạn biết được quyển sách này nói về cái gì. Và điều này giúp bạn quyết định, quyển này có xứng đáng thời gian và sự chú ý của mình không?
- Cưỡi ngựa xem hoa — Đây là khi bạn đọc chỉ để đọc. Không nghĩ nhiều, không thực sự tìm kiếm điều gì cụ thể, không ghi chú. Nếu bạn không hiểu một đoạn thì cũng chẳng sao, cứ việc bỏ qua đoạn đó và đọc tiếp. Đọc kiểu này sẽ có ích cho sau này, khi bạn muốn đọc lại với một mục đích cụ thể rõ ràng. Và giờ thì đã có khái niệm về nội dung quyển sách trong đầu rồi, tiếp theo bạn sẽ quyết định, mình có muốn hiểu quyển sách này không?
Đọc lướt giúp bạn có một ý niệm về lĩnh vực đấy. Đôi khi đấy là tất cả những gì bạn cần. Và thường thì, mọi người cũng chỉ đọc với mục đích như vậy.
3 — Gạn lọc
Francis Bacon đã từng phát biểu: “Một vài quyển sách dành cho việc thưởng thức, còn lại thì để đọc cho kỹ, chỉ có một số ít là để nhai đi nhai lại.”
Hãy nghĩ việc đọc Gạn lọc chính là kiểu nhai đi nhai lại đó.
Đây là một kiểu đọc cực kì kỹ càng. Nếu đọc Lướt là cách nhanh nhất, thì đọc Gạn lọc là một thứ mà bạn chỉ có thể làm khi có thời gian dư dả. Đây là kiểu đọc mà bạn bắt đầu phải động não và đầu tư công sức thực sự để hiểu được những vấn đề được đề cập trong sách.
Có vài luật lệ bắt buộc cho kiểu đọc này:
- Chọn lọc sách theo đúng thể loại và lĩnh vực cụ thể.
- Tóm tắt toàn bộ nội dung quyển sách một cách ngắn gọn nhất.
- Đọc từng phần một của cuốn sách theo thứ tự, và tìm ra sự liên hệ giữa các chương. Tóm tắt từng chương một, như cách bạn tóm tắt cả quyển.
- Chỉ ra một hoặc nhiều vấn đề mà tác giả đang cố giải quyết trong sách.
Bạn có thể thấy rằng dường như khá đơn giản, nhưng thực sự thì bạn sẽ phải bỏ ra công sức đáng kể đấy. May mắn là việc đọc Lướt đã có ích cho bạn ở giai đoạn này khá nhiều, khi biết được công sức bạn bỏ ra là đúng chỗ.
Khi đọc xong bằng cách này, bạn sẽ hiểu toàn bộ quyển sách, nhưng có thể chỉ là quyển sách đó mà thôi, không phải toàn bộ chủ đề/lĩnh vực rộng hơn. Để có hiểu biết trong lĩnh vực gì đó, bạn cần phải đọc nhiều tài liệu về nó bằng kỹ thuật đọc Nghiên cứu, để tổng hợp kiến thức lại.
4 — Nghiên cứu
Đây là một kiểu đọc đòi hỏi nhiều kỹ thuật, cũng như công sức nhất. Và dĩ nhiên, là kiểu đọc khó nhất. Nghiên cứu đòi hỏi bạn phải đọc nhiều cuốn sách, tài liệu về một chủ đề/lĩnh vực, đồng thời phải so sánh và rút ra được các ý tưởng.
Trách nhiệm ở đây gồm: xác định những tài liệu liên quan, hiểu những từ ngữ chuyên môn, khoanh vùng và sắp xếp những câu hỏi cần trả lời, định nghĩa các vấn đề và có sự tranh luận (biện luận/phản biện) khi có những đáp án khác nhau
.
Mục đích ở đây không phải đạt được sự thông thạo về bất kỳ cuốn sách cụ thể nào, mà là việc làm thế nào để khiến những cuốn sách đó giúp ích cho bạn.
Dưới đây là 5 bước trong cách đọc Nghiên cứu:
Tìm tài liệu chính xác
Bạn cần tìm những tài liệu, những quyển sách liên quan, đọc lướt qua chúng để xác định ra những thứ đáp ứng đúng nhu cầu của mình.
Tìm ra bộ từ ngữ (term) chính xác
Trong kiểu đọc Gạn lọc bạn phải xác định các từ khoá và cách tác giả sử dụng chúng. Điều đấy không khó lắm.
Nhưng ở đây, mọi thứ sẽ phức tạp hơn rất nhiều, khi mà mỗi tác giả đều sử dụng những từ ngữ khác nhau cho tác phẩm của họ. Và trách nhiệm của bạn bây giờ là phải chỉ ra được mẫu chung của chúng. Thay vì sử dụng từ ngữ của tác giả, giờ đây bạn phải tự sử dụng bộ từ ngữ của chính mình.
Nói một cách ngắn gọn thì đây là bài tập về kỹ thuật quy nạp và diễn dịch.
Xác định câu hỏi một cách rõ ràng
Thay vì tập trung vào các vấn đề mà tác giả đang cố giải quyết, bạn cần phải tập trung vào câu hỏi mà mình đang tìm câu trả lời. Trước hết hãy dành sự chú ý vào những câu hỏi mà đã có đáp án từ các tác giả.
Một điều cũng khá quan trọng, là hãy đặt các câu hỏi theo cách mà tất cả, hoặc ít nhất là phần lớn các tác giả có thể diễn dịch và đưa ra các câu trả lời. Đôi khi, chúng ta có thể không có đáp án cho câu hỏi của mình, vì câu hỏi đó không được các tác giả coi là câu hỏi đúng.
Xác định rõ vấn đề
Nếu bạn đã có câu hỏi rõ ràng, mà câu hỏi đó đã có nhiều đáp án, thì chúng ta đã định hình được vấn đề là gì. Và các đáp án đó, giờ phải được sắp xếp lại theo một trật tự mà ta có thể thấy sự liên quan giữa chúng. Và hãy dùng bộ từ ngữ của bạn để viết lại khi sắp xếp. Hiểu một vấn đề từ nhiều khía cạnh khác nhau sẽ giúp bạn định hình một tư tưởng sáng suốt.
Phân tích
Sẽ là một sự tự tin thái quá, nếu chúng ta cho rằng sẽ tìm ra đáp án một cách đơn giản, không có thách thức cho bất cứ câu hỏi nào của mình. Câu trả lời của chúng ta phải nằm giữa các ý kiến đối nghịch nhau. Giá trị nằm ở việc bạn tranh luận với các tác giả. Và cuối cùng, bạn sẽ có một ý kiến của riêng mình.
(Mình nghĩ ý ở đây là hãy cố gắng phản biện và tranh luận trong đầu, bằng chính tư tưởng và cách suy nghĩ của mình, chứ đừng có lấy của một ai đó mà không có sự hiểu biết kỹ càng. Cũng giống như trong bài viết Triết học : Ai cần nó của Ayn Rand vậy)
Hãy là một người đọc “vì nhu cầu”
Đọc chính là việc hỏi những câu hỏi chính xác, theo một thứ tự chính xác, và tìm kiếm câu trả lời.
Theo songhanhphuc.net