Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) không muốn các nước phát hiện ra biến thể bị kỳ thị.
WHO đã đổi tên các chủng virus SARS-CoV-2 phổ biến, được xếp vào loại “biến thể đáng lo ngại” bằng các chữ cái Hy Lạp.
Chủng B.1.1.7 xuất hiện lần đầu tiên ở Anh được gọi là biến thể Alpha. Chủng B.1.351 được ghi nhận sớm nhất Nam Phi có tên là Beta. Biến thể có tên gọi cũ là chủng Brazil sẽ được gọi là Gamma.
Các biến thể B.1.617.1 và B.1.617.2 từng được gọi là chủng Ấn Độ giờ mang tên lần lượt là Kappa và Delta.
Bà Maria Van Kerkhove, người đứng đầu nhóm kỹ thuật của WHO, nói: “Không nên kỳ thị bất cứ quốc gia nào phát hiện và ghi nhận các biến thể”.
Lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 ở Ấn Độ.
Sự phản đối của Ấn Độ
Quyết định của WHO về việc đổi tên các biến thể SARS-CoV-2 được đưa ra gần 3 tuần sau khi có sự phản đối của Ấn Độ. Đất nước Nam Á không đồng ý với việc gọi chủng B.1.617 là biến thể Ấn Độ.
Ngày 12/5, Bộ Y tế nước này đã bác bỏ các báo cáo truyền thông không có cơ sở khi sử dụng thuật ngữ “biến thể Ấn Độ” để gọi tên chủng B.1.617. Mới đây, WHO đã nhận định chủng này là biến thể đáng lo ngại.
“Một số bản tin đã đưa rằng WHO phân loại B.1.617 là một biến thể đáng lo ngại. Trong đó, họ gọi B.1.617 là biến thể Ấn Độ. Điều này không có bất kỳ cơ sở nào”, Bộ Y tế Ấn Độ khẳng định.
Biến thể B.1.617, lần đầu tiên được tìm thấy ở Ấn Độ, được chia thành các dòng nhánh gồm B.1.617.1 và B.1.617.2.
Các tên gọi Kappa và Delta giúp thông tin cho công chúng thuận tiện hơn. Tên gọi khoa học tương ứng B.1.617.1 và B.1.617.2 vẫn được giữ nguyên.
Lý do đặt tên biến thể theo chữ cái Hy Lạp
Theo nhà vi khuẩn học Mark Pallen,người tham gia cuộc thảo luận, các chuyên gia đã lựa chọn bảng chữ cái Hy Lạp sau nhiều tháng cân nhắc.
Một ý tưởng khác để chỉ các biến thể gây lo ngại như VOC1, VOC2… đã bị loại bỏ vì gợi nhớ từ chửi thề trong tiếng Anh.
Trong lịch sử, virus thường gắn liền với vị trí xuất hiện đầu tiên, chẳng hạn như Ebola, được đặt theo tên con sông ở Congo.
Nhưng điều này có thể gây tổn hại cho các nơi và thường không chuẩn. Chẳng hạn như, không ai biết chính xác nguồn gốc của đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918.
Nguồn: vietnamnet