“Một quốc gia muốn hóa rồng, hóa hổ thì trước tiên phải duy trì được tốc độ tăng trưởng cao và ổn định”, ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.
Khát vọng hóa rồng, hóa hổ
Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2019 do Ban Kinh tế Trung ương, Chính phủ tổ chức ngày 17/1, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đánh giá kinh tế Việt Nam có một năm thành công và đáng ghi nhận. Lần đầu tiên kể từ năm 2008, tăng trưởng kinh tế đạt 7,08%, trong nhóm các nước tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới, và vượt qua mọi con số dự báo trước đó. Nhiều chỉ tiêu kinh tế quan trọng thiết lập những kỷ lục mới.
Ông Nguyễn Văn Bình: Chúng ta cần làm gì để Việt Nam không phải chỉ là “một con mèo nhỏ” mà phải trở thành “một con hổ mới” của kinh tế châu Á |
Tuy nhiên theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương, khi đang đứng ở trên thành công chính là lúc chúng ta cần tĩnh tâm tư duy để xác định các vấn đề lớn mang tính cốt yếu, chiến lược, tạo nền tảng để phát triển cho giai đoạn tới. Bên cạnh những thành tựu, chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế của nền kinh tế.
“Một quốc gia muốn hóa rồng, hóa hổ thì trước tiên phải duy trì được tốc độ tăng trưởng cao và ổn định”, ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.
Việt Nam hiện đã đạt đến một trình độ phát triển kinh tế mà để tiếp tục tiến bước trở thành một nước có thu nhập cao hơn, cần phải có một sự đột phá trong chính sách.
“Vậy lựa chọn của Việt Nam là gì? Chúng ta cần làm gì để Việt Nam không phải chỉ là “một con mèo nhỏ” mà phải trở thành “một con hổ mới” của kinh tế châu Á, như cách so sánh của Giáo sư Jay Rosengard, Đại học Harvard đã từng phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ nhất, tháng 6/2017”, ông Nguyễn Văn Bình đưa ra câu hỏi.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nhấn mạnh khát vọng của Việt Nam là tới năm 2045 sẽ trở thành nước thịnh vượng nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày lập nước, có thể đứng trong hàng ngũ những nước thu nhập cao.
Trước đông đảo đại biểu tham dự, ông Nguyễn Văn Bình bày tỏ niềm tin tưởng rằng mỗi đại biểu đều đồng lòng vì một Việt Nam thịnh vượng hơn, đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.
“Tôi kỳ vọng Diễn đàn hôm nay sẽ là cơ hội để chúng ta cùng thảo luận sâu sắc con đường để hướng tới mục tiêu cao đẹp đó, những cơ hội và thách thức, những động lực và nền tảng để Việt Nam có thể phát triển nhanh và bền vững, thực sự trở thành một con hổ mới của kinh tế châu Á”, Trưởng ban Kinh tế Trung ương bộc bạch.
Theo ông Nguyễn Văn Bình, trong bối cảnh dư địa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ không còn nhiều, thì những chính sách cơ cấu nhằm giải phóng và tạo năng lực sản xuất mới như phát triển kinh tế tư nhân, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước… hoàn toàn có khả năng tạo ra đột phá về cải thiện năng suất lao động, về tốc độ tăng trưởng.
Đánh giá cao mức tăng trưởng Việt Nam đạt được trong năm qua, ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam chia sẻ: Nhìn về tương lai cũng sẽ có những trở ngại cho triển vọng phát triển kinh tế. Vấn đề là quản lí kinh tế vĩ mô của Việt Nam cần ứng phó trước nhiều thách thức hơn trong năm nay để duy trì ổn định, đảm bảo khả năng chống chịu trước biến động bên ngoài.
Với tăng trưởng bền vững, ông Eric Sidgwick cho rằng điều đó sẽ không đạt được nếu chỉ phát triển theo bề rộng mà bỏ qua các tiêu chí về phát triển theo chiều sâu như môi trường, cân bằng xã hội… Muốn vậy, phải tăng cường hiệu suất nền kinh tế thông qua đẩy mạnh xuất khẩu, trách nhiệm giải trình của Chính phủ, hài hòa sự tham gia của khu vực tư nhân, tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh; đẩy mạnh sự phát triển của khu vực tài chính..
Ông Eric Sidgwick đánh giá: Qua từng năm Việt Nam đã tiến lên từ một nước đang phát triển thành quốc gia có thu nhập trung bình. Cải cách về cơ cấu phải hướng đến cả trung và dài hạn. Quá trình này có thể phải hứng chịu đau đớn, có thăng trầm nhưng là điều buộc phải làm để đảm bảo tăng trưởng bền vững, không bị tác động bất lợi của các cú sốc bên ngoài.
Tăng trưởng nhanh nhưng phải bền vững là ưu tiên hàng đầu. |
“Nhanh và bền vững” – những từ khóa quan trọng hàng đầu
“Làm thế nào để phát triển nhanh bền vững?”, đó là câu hỏi được một chuyên gia hỏi ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương tại Diễn đàn.
Trả lời, ông Nguyễn Văn Bình nhắc lại ba đột phá chiến lược Đảng đã đề ra, đó là đột phá về thể chế, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực.
Ngày nay, 3 đột phá chiến lược ấy còn nguyên giá trị. Tuy nhiên mỗi một giai đoạn phát triển, mỗi nội hàm sẽ phải có trọng tâm trọng điểm khác nhau. Nhấn mạnh đến đột phá thể chế, ông Nguyễn Văn Bình cho rằng: Thế giới hiện đại là một thế giới phẳng, quốc gia này hơn quốc gia kia không phải ở lực lượng vật chất mà ở thể chế. Các nước cạnh tranh với nhau là để có môi trường thể chế tốt nhất, có sức cạnh tranh nhất.
“Có thể chế tốt sẽ có nhà đầu tư. Có thể chế tốt sẽ huy động được nguồn lực, không chỉ nguồn lực trong nước. Có thể chế tốt sẽ có khoa học công nghệ. Tất cả yếu tố cơ bản cho phát triển triển nhanh và bền vững sẽ có cơ hội để hội tụ. Trong giai đoạn sắp tới, chúng ta cần đột phá thể chế gì?”, ông Bình nhấn mạnh.
Trong phần phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Quan điểm đầu tiên tôi muốn chia sẻ và cũng là điều thú vị, cuốn hút tôi ngay từ phút giây đầu tiên về diễn đàn này chính là cụm từ “củng cố nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững”.
Không chỉ là tinh thần và nội dung thảo luận của hội nghị hôm nay, cụm từ “nhanh và bền vững” đã thực sự là những từ khóa quan trọng hàng đầu, là lựa chọn chiến lược và hành động xuyên suốt, nhất quán của Chính phủ Việt Nam ngay từ khi chính thức bắt đầu nhiệm kỳ vào giữa năm 2016.
Trong chiến lược tăng trưởng nhanh và bền vững, Chính phủ Việt Nam đã xác định rõ ba trụ cột quan trọng trong mọi chính sách và mô hình phát triển bao gồm kinh tế- xã hội và môi trường. “Trong một hội nghị gần đây tôi gọi đó là nguyên tắc 3 trong 1 của sự phát triển”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ: Hơn lúc nào hết, trong bối cảnh ngày nay chúng ta càng thấu hiểu đà tăng trưởng kinh tế sẽ không thể duy trì lâu dài nếu thiếu tính bền vững. Phát triển bền vững không mâu thuẫn với tăng trưởng nhanh, ngược lại chính là nội hàm quan trọng, làm nên điều kiện cần và đủ của tăng trưởng nhanh trong dài hạn, đặc biệt là trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Theo Thủ tướng, đó cũng là một trong những nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
“Chúng ta phát triển để không ai bị bỏ lại phía sau, dù là miền xuôi hay miền ngược, nông thôn, thành thị, biên giới hải đảo..”, Thủ tướng khẳng định.
Cuối cùng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng: Chúng ta có thể tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, không nhất thiết phải đánh đổi hay lựa chọn giữa chất lượng tăng trưởng và tốc độ tăng trưởng. Điều này đã không chỉ là khẩu hiệu mà thực sự đã trở thành quyết tâm hành động của Việt Nam bởi tiềm năng của chúng tôi còn rất lớn. Quan trọng hơn cả là gần 100 triệu người dân Việt Nam, bao gồm cả đồng bào trong nước cũng như ở nước ngoài luôn nuôi dưỡng khát vọng mãnh liệt trở thành một quốc gia độc lập – tự cường và thịnh vượng.
Nguồn: vietnamnet