Phương Tây từng tin vào khả năng cải cách của Bashar al-Assad – một người trẻ tuổi, du học tại Anh quốc, nói thạo nhiều ngoại ngữ. Nhưng vị tổng thống nhậm chức lúc hơn 34 tuổi đã chọn theo cách cứng rắn của mình.
Làn sóng phản kháng tràn tới Syria từ giữa tháng 3-2011. Đây cũng là điểm đến cuối cùng trong số các quốc gia chịu tác động trực tiếp của “Mùa xuân Ả Rập”.
Rút kinh nghiệm
Chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad đã có thời gian để nhìn nhận thực chất của các sự kiện gọi là “Mùa xuân Ả Rập” tại các quốc gia láng giềng.
Thực chất của các cuộc “cách mạng” này là sự bất mãn của đông đảo nhân dân, nhưng hoàn toàn bộc phát và không có cá nhân hay tổ chức chính trị tầm cỡ nào lãnh đạo.
Chính quyền của Tổng thống Al-Assad đã thực thi ngay từ đầu một quyết sách nhất quán là không để cho phản kháng có thể tập hợp được lực lượng đông đảo cỡ “biển người” tại các đô thị lớn.
Cuộc biểu tình đông đảo đầu tiên nổ ra ở phía nam thủ đô Damascus đã bị giải tán kịp thời bằng vũ lực và đã đổ máu.
Tiếp đó, nhiều cuộc biểu tình đông đảo hơn nổ ra ở cả thủ đô Damascus và các thành phố lớn khác như Homs, Hamah… và cuối cùng là Aleppo cũng đều bị đàn áp thẳng tay. Đổ máu xảy ra hằng ngày.
Tình trạng trấn áp khốc liệt trong năm 2011 gợi lại thảm cảnh của chiến dịch đàn áp đẫm máu cuộc nổi loạn do lực lượng Anh em Hồi giáo tại thành phố Homs phát động năm 1982.
Khi ấy, các thông tin của Ả Rập cho là phiến loạn đã bị chế độ của (cố) tổng thống Hafez al-Assad (cha của đương kim Tổng thống Bashar al-Assad) dìm trong biển máu với khoảng 20.000 người thiệt mạng.
Hết hi vọng ở al-Assad
Khi “Mùa xuân Ả Rập” lan tới Syria, thì Mỹ và phương Tây cũng đã tỉnh ra phần nào về hậu quả tai hại quá sức tưởng tượng của các sự kiện dẫn đến sụp đổ các chính quyền ở Ai Cập và Tunisia.
Họ đều không muốn Syria rơi vào tình trạng mà họ gọi là “quốc gia thất bại” như chính quyền Hosni Mubarak và Ben Ali.
Ban đầu, Mỹ và phương Tây cũng có cơ sở để cho rằng Tổng thống al-Assad không đến nỗi đáng bị lật đổ và hi vọng ông này có khả năng để thực hiện cải cách dân chủ trong nước.
Hồi thập niên 1990, al-Assad vốn đang tu nghiệp cao học nha sĩ ở London (Anh), được cha gọi về giữa chừng để đào tạo trao quyền đứng đầu đất nước.
Khi tổng thống cha – Hafez al-Assad qua đời vào năm 2000, Bashar mới 34 tuổi. Hiến pháp phải được sửa ngay để một người dưới 40 tuổi như Bashar có thể giữ ghế tổng thống.
Trẻ tuổi, du học tại Anh quốc là những yếu tố khiến Mỹ và phương Tây đặt niềm tin vào khả năng cải cách của al-Assad.
Chả thế mà mãi đến ngày 6-2-2012, Đại sứ quán Mỹ tại Damascus mới ngừng hoạt động, sau gần một năm nỗ lực tác động và hi vọng vào khả năng cải cách dân chủ do al-Assad lãnh đạo, mong tránh đẩy Syria vào cảnh tương tàn như đang diễn ra khi ấy ở Libya.
Liên đoàn Ả Rập cũng ra tay thể hiện vai trò của mình, với hi vọng không để “nước ngoài can thiệp vào chuyện của người Ả Rập”.
Họ đã thành lập các cơ chế giám sát Ả Rập gửi tới Syria. Nhưng tới đầu năm 2012 thì mọi nỗ lực Ả Rập đều thất bại, bởi chính quyền Syria không tạo thuận lợi cho hoạt động “giám sát Ả Rập” này.
Tiếp đó, Liên Hiệp Quốc lập ra một cơ chế giám sát quốc tế do cựu tổng thư ký Kofi Annan đứng đầu. Nhưng cơ chế này cũng chỉ tồn tại được đến tháng 4-2012 thì hoàn toàn thất bại vì bất lực.
Cũng trong thời gian ấy, đã manh nha hình thành các tổ chức đối lập chính trị và vũ trang đối lập tập hợp những người Syria chạy thoát được sự trấn áp khốc liệt của chính quyền al-Assad, sang nương náu tại miền nam Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhóm đầu tiên ra đời tháng 11-2011 tại thành phố Istanbul, với danh xưng là “Hội đồng quốc gia Syria” (SNC), mà sau này trở thành nòng cốt của tổ chức đối lập rộng rãi hơn – Liên minh đối lập Syria ra đời tháng 11-2012 tại Doha (thủ đô Qatar).
Nhưng các nhóm này chưa thống nhất lập trường. Một bộ phận quan trọng vẫn còn hi vọng có thể cứu vãn được tình hình mà không muốn thay đổi chế độ của Tổng thống al-Assad.
Bất mãn nội bộ, phiến loạn tràn lan
Hệ quả tiêu cực đầu tiên là sự bất mãn ngay trong hàng ngũ sĩ quan và binh sĩ quân đội Syria. Nhiều sĩ quan cấp tá đã “không hiểu nổi” khi nhận lệnh bắn vào người biểu tình tay không. Số quân nhân bất tuân lệnh ngày càng tăng khi phải chĩa súng vào đồng bào của họ.
Tổng thống al-Assad đã xây dựng một lực lượng trung thành với ông để bảo vệ chế độ bằng mọi giá. Lực lượng này có nòng cốt là Vệ binh cộng hòa và tình báo không quân, do chính Maher al-Assad – em trai của tổng thống – làm tư lệnh. Lực lượng trung thành này thực hiện trừng phạt bất cứ ai trong quân đội và chính quyền không tán thành đường lối “bảo vệ chế độ bằng mọi giá”.
Nhưng các nỗ lực trừng phạt nội bộ không ngăn được tình trạng bất mãn ngày càng sâu rộng, mà còn đẩy nhiều nhân vật cao cấp trong quân đội và chính phủ đến chỗ đào ngũ, ly khai, trốn theo đối lập hoặc chạy ra nước ngoài.
Đỉnh điểm của trào lưu đào ngũ này là mùa hè năm 2012. Có tới 20 cấp tướng đào ngũ, mà đáng kể nhất là chuẩn tướng Manaf Talas – tư lệnh lữ đoàn Vệ binh cộng hòa số 105 – một đơn vị trụ cột bảo vệ chế độ. Còn thành viên nội các cao nhất là thủ tướng Riyad Hijjab đào tẩu đầu tháng 8-2012.
Trong khi đó, phản kháng quần chúng đã vượt tầm kiểm soát tại nhiều địa phương trong nước. Lực lượng phản kháng tại chỗ đã có thể thành lập các hình thức tự quản được “tự vệ vũ trang” bảo vệ, khiến chính quyền không dẹp bỏ được. Tại tất cả các đô thị lớn đều có tình trạng này. Nhiều nơi, chính quyền địa phương trở thành hữu danh vô thực.
Có thể nói, đến giữa năm 2012, đường lối “bàn tay sắt” của Tổng thống al-Assad đã đi quá đà nhưng mọi nỗ lực ổn định tình hình đều trở nên vô hiệu.
Tổng thống Bashar al-Assad nói 3 ngoại ngữ
Sinh năm 1965. Tốt nghiệp nha sĩ tại Đại học Damas.
Tu nghiệp cao học nha khoa tại Anh từ năm 1992.
Năm 1994, được cha là tổng thống Hafez al-Assad gọi về để đào tạo kế vị.
Ngày 1-7-2000, trở thành tổng thống sau khi tổng thống cha qua đời trước đó 20 ngày.
Thạo tiếng Anh, Pháp và biết tiếng Tây Ban Nha.
Nguồn: tuoitre.vn