Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, vấn đề quyền con người đã chiếm một vị trí quan trọng đặc biệt.

Các quyền con người và quyền tự do cơ bản của nhân dân Việt Nam đã được thể hiện một cách toàn diện, triệt để và nổi bật trong bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945. Nó là một trang vẻ vang trong lịch sử đấu tranh cách mạng kiên cường, lâu dài và gian khổ của dân tộc ta nhằm giải phóng con người và hiện thực hóa quyền con người.

Mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 là hai câu được trích dẫn từ “Tuyên ngôn Độc lập” của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ (1776) và “Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền” của Cách mạng Pháp (1791) đều nói đến quyền con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn thấy trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ những giá trị vững bền, đó là “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Từ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định một sự thật hiển nhiên: “Tất cà các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng, quyền tự do”. Người đã mở rộng quyền của con người thành quyền của dân tộc. Quyền lợi của mỗi cá nhân được coi là cơ sở cho quyền lợi của dân tộc. Tất cả mọi dân tộc đều có quyền tự quyết định lấy vận mệnh của mình. Đó là sự thống nhất giữa quyền sống của mỗi con người và quyền độc lập của dân tộc.

Một trong những tư tưởng nổi tiếng mang tầm vóc thời đại của Người trong Tuyên ngôn Độc lập là đã nêu lên một luận điểm hoàn toàn mới về quyền con người: Quyền con người không chỉ là quyền của cá nhân mà còn là quyền tự quyết của mỗi dân tộc, thể hiện rõ tính thống nhất biện chứng không thể tách rời giữa quyền con người, quyền công dân và quyền dân tộc thiêng liêng.

Kết thúc bản Tuyên ngôn Độc lập, Người khẳng định đanh thép: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng Minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!…

Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập”.

Trước toàn thế giới, Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 là hòn đá tảng pháp lý đầu tiên khẳng định cả trên nguyên tắc, cả trên thực tế, quyền sống trong độc lập, tự do và hạnh phúc của dân tộc Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nâng vấn đề quyền tự nhiên của con người lên một tầm mới về chất, dưới ánh sáng của thế giới quan khoa học, phản ánh đúng thực trạng đặc thù của dân tộc Việt Nam. Người đã nhận thức hết sức đúng đắn mối quan hệ biện chứng giữa tự do cá nhân và tự do của cộng đồng, giữa giải phóng cá nhân và giải phóng toàn xã hội. Người khẳng định rằng, muốn giải phóng toàn bộ những lực lượng xã hội, muốn xã hội phát triển, thì trước hết phải giải phóng toàn diện cá nhân – con người, tạo ra những tiền đề cho sự phát huy cao độ những khả năng tiềm tàng trong mỗi cá nhân. Và chỉ khi đó, quyền con người mới được hiện thực hóa.

Sau bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lần đầu tiên, cộng đồng quốc tế biết đến tư tưởng quyền con người hiện đại từ Hiến chương của Liên hợp quốc năm 1945 và  “Tuyên ngôn thế giới về quyền con người” của Đại Hội đồng Liên hợp quốc ngày 10/2/1948. Nhưng rất tiếc là, những văn kiện này đã không tránh khỏi khiếm khuyết cơ bản, đó là, khái niệm quyền con người chỉ là quyền của cá nhân, không tính đến các điều kiện chính tri, xã hội, lịch sử, văn hóa…của mỗi dân tộc, trong đó có quyền dân tộc tự quyết.

         Những khiếm khuyết trên đã được điều chỉnh trong các văn kiện cơ bản về quyền con người của Liên hợp quốc từ thập kỷ 60 của thế kỷ 20 trở đi. Đó là Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (1966) và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (1966) được coi là “Bộ Luật Quyền con người quốc tế”. Năm 1993, Liên hợp quốc lại ra Tuyên bố Viên và Chương trình hành động. Những văn kiện này đã xác định: Quyền dân tộc tự quyết là một quyền con người – quyền tập thể của quyền con người.

Điều 1 của hai Công ước trên đã khẳng định: “Tất cả các dân tộc đều có quyền dân tộc tự quyết…” (1) Tuyên bố Viên và Chương trình hành động đã nhấn mạnh: “Việc khước từ quyền dân tộc tự quyết là sự vi phạm nhân quyền” (2). Như vậy, rõ ràng, tư tưởng về quyền dân tộc tự quyết trong Tuyên ngôn Độc lập 1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi trước nhận thức chung của Liên hợp quốc hơn 20 năm. Đó là đóng góp lớn lao của Người trong việc phát triển sáng tạo tư tưởng quyền con người của nhân loại trong thế kỷ 20. Điều này đã khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người đã đứng vững và phát sáng qua thử thách và sàng lọc khắt khe của thời gian.

Qua thực tiễn đấu tranh cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gắn liền các quyền dân tộc cơ bản với các quyền cơ bản của con người và đã chứng minh một cách hùng hồn rằng: Ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là ngọn cờ bảo vệ quyền con người chân chính. Người chiến sĩ tiên phong phất cao ngọn cờ bảo vệ quyền con người là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Cũng chính vì vậy mà bản Tuyên ngôn Độc lập 1945 có thể được coi như là bản Tuyên ngôn về quyền con người của các dân tộc thuộc địa.

Tư tưởng quyền con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ ở trong Tuyên ngôn Độc lập 1945 mà còn được thể hiện phong phú trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng lâu dài của Người, cả trên lĩnh vực lý luận và thực tiễn, là tài sản vô giá của Đảng và nhân dân ta.

Nguồn khoahocthoidai.vn

Từ khóa : Quốc khánh 2/9Tuyên ngôn Độc lập

Các tin liên quan đến bài viết