55 năm đã trôi qua, bản Di chúc thiêng liêng mà Bác Hồ kính yêu để lại cho dân tộc Việt Nam vẫn mãi là văn kiện lịch sử, tài sản tinh thần vô giá, kết tinh những tinh hoa tư tưởng, tâm hồn và đạo đức cách mạng trong sáng, đẹp đẽ của người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Hơn nửa thế kỷ Bác đi xa, nhưng tình yêu thương mà Người để lại trong bản Di chúc vẫn tiếp tục dẫn lối chúng ta trên con đường dựng xây quê hương, đất nước. Và chăm lo cho đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) là một trong những việc mà các cấp ủy đảng, chính quyền Bình Phước đã quan tâm thực hiện tốt di nguyện của Người.

Bình Phước – miền đất giàu truyền thống cách mạng, miền đất nghĩa tình đã sinh ra những người con nghĩa tình, nhân ái, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ và chung tay dựng xây quê hương. Thế hệ lãnh đạo đầu tiên của Bình Phước ngày tái lập tỉnh, hầu hết là những người bước ra từ cuộc chiến tranh. Nhiều người từ mọi miền Tổ quốc nhưng đã trải qua sinh tử trong cuộc chiến giữ nước trên mảnh đất này. Họ được đồng bào các DTTS che chở, nhường những bữa cơm độn củ mì, nhường hầm trú ẩn. Những tên gọi sóc Bom Bo, căn cứ Nửa Lon là hiện thực sinh động của tình quân – dân trong cuộc chiến giữ nước. Ân tình ấy đã được sử sách, thi ca, nhạc họa lưu giữ, sao có thể lãng quên!

Huy động tổng lực để giảm nhanh hộ nghèo dân tộc thiểu số

Từ đặc thù của một tỉnh có hơn 40 thành phần dân tộc, với lòng yêu kính Chủ tịch Hồ Chí Minh và biết ơn đồng bào các DTTS, quan điểm nhất quán và xuyên suốt của các thế hệ lãnh đạo tỉnh là đoàn kết các dân tộc, quan tâm chăm lo nâng cao đời sống mọi mặt cho đồng bào. Điều đó thể hiện rõ trong chủ trương cùng những quyết sách kiên trì và táo bạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh từ nhiều năm qua.

Trao học bổng cho học sinh Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS&THPT Ðiểu Ong (huyện Bù Ðăng) tại lễ khai giảng năm học 2024-2025

Ngày tái lập tỉnh, Bình Phước vẫn còn 42% hộ nghèo, chủ yếu là đồng bào DTTS. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình đột phá nhằm nâng cao đời sống mọi mặt vùng đồng bào DTTS. Chỉ 4 năm sau ngày tái lập tỉnh, dù còn nhiều khó khăn, tỉnh đã mạnh dạn sử dụng ngân sách và kêu gọi nguồn xã hội hóa xây dựng 2.000 căn nhà cho người nghèo, chủ yếu là đồng bào DTTS tại chỗ – một việc làm mà ngay cả những tỉnh, thành phố có điều kiện hơn hẳn khi ấy cũng chưa làm được. Tuy nhiên, do xuất phát điểm kinh tế – xã hội thấp nên công tác giảm nghèo vẫn đặt ra những thách thức không nhỏ đối với cấp ủy, chính quyền và chính người dân trong tỉnh.

Giai đoạn 2021-2025, Bình Phước còn 5 xã, 25 thôn đặc biệt khó khăn trong số 58 xã thuộc vùng DTTS miền núi. Để đạt mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững, giai đoạn 2022-2025 Bình Phước đặt mục tiêu mỗi năm giảm từ 2.000-2.500 hộ nghèo theo chuẩn đa chiều, trong đó có 1.000 hộ nghèo DTTS. Và nhiều giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu đã đặt ra.

Công an xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập hướng dẫn người dân cài đặt phần mềm trong chương trình thực hiện mục tiêu “4 phủ”

Ngày 15-4-2022, Tỉnh ủy ban hành Kết luận số 217-KL/TU đồng ý chủ trương tích hợp, lồng ghép chương trình đặc thù của tỉnh là giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào DTTS vào Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Bình Phước giai đoạn 2022-2025. Ngày 25-6-2022, Tỉnh ủy ban hành Kết luận số 380-KL/TU triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030. Các ban, ngành liên quan như Ban Dân tộc tỉnh, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành hàng trăm văn bản chỉ đạo, triển khai, hướng dẫn và đôn đốc thực hiện nhiệm vụ công tác dân tộc, giảm nghèo. Hiện tỉnh đang tập trung thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2022-2025 tại 58 xã, phường với 10 dự án thành phần, 12 tiểu dự án và 30 nội dung đầu tư, hỗ trợ. Chỉ trong 2 năm 2022-2023, tỉnh đã đầu tư hơn 548 tỷ đồng cho các nội dung này.

Từ sự huy động tổng lực cho công tác giảm nghèo, chương trình mỗi năm giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào DTTS được triển khai thực hiện từ năm 2019, đến năm 2023 đã giảm 6.598 hộ nghèo DTTS, vượt chỉ tiêu kế hoạch, góp phần thay đổi căn bản đời sống mọi mặt của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh.

Nâng cấp hạ tầng giao thông

Với phương châm giao thông đi trước một bước, Bình Phước đã ưu tiên phát triển hệ thống giao thông kết nối liên vùng, liên huyện, liên xã. Toàn tỉnh hiện có hơn 2.855 tuyến đường với tổng chiều dài 9.110km, trong đó các tuyến giao thông huyết mạch và đường tỉnh, đường huyện, đường liên xã đã được nhựa hóa gần 100%.

Những con đường đất đỏ trước đây hiện đã được thảm nhựa rộng rãi, tạo thuận lợi cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập đi lại, giao thương phát triển kinh tế – Ảnh tư liệu

Giai đoạn 2021-2025, Bình Phước triển khai 34 dự án giao thông, trong đó có 20 dự án ưu tiên mức độ 1. Một số dự án trọng điểm đang triển khai thi công như: Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13, đoạn từ ngã ba Lộc Tấn đến Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư (huyện Lộc Ninh); Dự án xây dựng đường phía Tây quốc lộ 13 kết nối Chơn Thành – Hoa Lư; Dự án nâng cấp ĐT756 kết nối Chơn Thành – Lộc Ninh, Bù Đốp. Một số dự án trọng điểm đang hoàn thiện thủ tục như cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước)… Việc ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông đã giúp quá trình giao thương trong tỉnh, đặc biệt là vùng đồng bào DTTS có những đổi thay căn bản. Đồng bào có điều kiện phát triển kinh tế ổn định, hiệu quả hơn. Vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS có cơ hội trao đổi hàng hóa, thâm nhập các thị trường khu vực đô thị để sản phẩm làm ra được bán với giá cao và ổn định hơn.

Quan tâm chăm sóc sức khỏe đồng bào dân tộc thiểu số

Đồng bào các DTTS ở Bình Phước thường sống tập trung ở vùng sâu, vùng xa, biên giới. Do đời sống kinh tế – xã hội còn nhiều khó khăn nên thường phát sinh dịch bệnh như sốt rét, sốt xuất huyết… Tình trạng di cư tự do cũng kéo theo nhiều hủ tục mê tín dị đoan cản trở phát triển kinh tế – xã hội.

Để chăm sóc y tế cho đồng bào, yêu cầu đầu tiên là phải bảo đảm các thiết chế y tế từ cơ sở, làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu. Hiện Bình Phước đã xây dựng được mạng lưới y tế cơ sở đáp ứng những nhu cầu cơ bản về khám, điều trị bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Chương trình đầu tư, chuyển giao kỹ thuật cho hệ thống trạm y tế cấp xã đã góp phần kéo giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho đồng bào DTTS. Các chương trình phòng, chống suy dinh dưỡng, phòng chống dịch bệnh được triển khai hiệu quả. Tỉnh đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ viện phí cho đồng bào DTTS tại cơ sở y tế công lập và kiểm soát dịch bệnh, giúp đồng bào ổn định cuộc sống.

Nhà tài trợ tặng BHYT cho học sinh Trường THCS Phan Bội Châu (huyện Bù Đăng) tại lễ khai giảng năm học 2024-2025

Từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 861/QĐ-TTg phê duyệt danh sách các xã khu vực III, II, I thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 thì khoảng 10% số dân của Bình Phước bị cắt giảm thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Điều này tác động không nhỏ tới việc thụ hưởng quyền lợi BHYT của đồng bào cũng như thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân trên địa bàn tỉnh. Nhưng trong cái khó ló cái khôn, các địa phương đã tăng cường huy động nguồn xã hội hóa, vận động sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ hàng tỷ đồng mua BHYT cho đồng bào DTTS và hộ nghèo. Những mô hình đồng bào DTTS với BHYT được hình thành, đã hỗ trợ thiết thực để đồng bào vươn lên trong cuộc sống.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khởi xướng và gương mẫu thực hiện cuộc vận động “Hũ gạo cứu đói” với nghĩa cử cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, cùng với cuộc vận động “Tuần lễ vàng” để huy động các tầng lớp nhân dân cứu giúp dân nghèo và dựng xây đất nước. Bình Phước đã noi gương Người bằng việc thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiều chương trình, dự án của Trung ương và mạnh dạn thực hiện các chính sách riêng của tỉnh trong việc chăm lo cho đồng bào các DTTS nên đời sống của đồng bào đã được cải thiện rất đáng kể. Thời điểm này, về các xã vùng sâu như Bom Bo, Đường 10 (huyện Bù Đăng) hay Đắk Ơ (huyện Bù Gia Mập)… sẽ thấy nhiều khu dân cư sầm uất của đồng bào các DTTS đang làm sáng lên bức tranh vùng quê của tỉnh. Nhiều tỷ phú người DTTS trong tỉnh không chỉ làm giàu cho gia đình mà đã và đang đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Đó là những minh chứng sống động mà cán bộ, người dân Bình Phước thực hiện di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt…”.

Theo Báo Bình Phước

Từ khóa : e dèGia RaiXê Đăng

Các tin liên quan đến bài viết