Hiện trên địa bàn tỉnh chỉ còn số ít người S’tiêng biết chơi nhạc cụ từ trái bầu khô, điển hình là già làng Điểu Nắng ở sóc Vườn Bưởi, xã Lộc Thiện, huyện Lộc Ninh và một số người S’tiêng trên địa bàn thị xã Bình Long.
Sống hòa quyện, gắn bó với thiên nhiên, từ bao đời nay người S’tiêng biết tận dụng tài nguyên thiên nhiên sẵn có để làm ra những vật dụng hữu ích phục vụ cuộc sống sinh hoạt hằng ngày. Đến nay, mặc dù chưa có tài liệu nào đề cập đến trái bầu khô trong đời sống người S’tiêng nhưng việc sử dụng nó đã phần nào thể hiện tập quán sinh hoạt văn hóa lâu đời, sự khéo léo, óc sáng tạo của người S’tiêng.
Đối với người S’tiêng, quả bầu khô có nhiều công dụng trong đời sống
Không chỉ dùng chế biến món ăn, người S’tiêng còn biến trái bầu khô thành nhiều vật dụng như đồ đựng, múc, do lường, nhạc cụ và lễ vật trong các nghi lễ nông nghiệp, lễ hội, luật tục… Khi chọn trái bầu để làm vật dụng hữu ích, người S’tiêng thường chọn trái hình dáng đều, không bị côn trùng đục khoét. Sau khi hái về, họ khoét lỗ, đổ nước trong trái, treo lên gác bếp để tạo màu; sau một thời gian đem rửa bằng nước sạch, loại bỏ hạt, xơ bầu còn sót bên trong, tiếp tục treo lên gác bếp để sử dụng hằng ngày. Tùy theo kích thước trái to, nhỏ người S’tiêng sử dụng đựng canh, rau, nước khi lên nương rẫy, làm gáo múc nước, muôi múc canh, đựng rượu và cả những chiếc phễu, đồ đựng hạt giống thóc, bầu, bí, bắp…
Quan sát một số lễ hội như cầu mưa, lập làng, mừng lúa mới, lên nhà lúa… trái bầu khô còn là lễ vật không thể thiếu. Họ thường dùng trái bầu để đựng rượu và tiết các con vật hiến sinh dâng mời thần linh, có thể được treo lên hoặc đặt cạnh lễ vật khác. Trái bầu khô cũng được người S’tiêng chọn để chế tạo nhạc cụ truyền thống. Bằng bàn tay khéo léo các nghệ nhân không chuyên thả sức sáng tạo, điển hình như khèn bầu (mbuốt), đây là loại nhạc cụ được người S’tiêng nhóm Bù Lơ sử dụng phổ biến. Trái bầu được lấy hết ruột, khoét một lỗ ở cuống để làm nơi thổi, giữa thân khoét các lỗ thông với nhau và dùng sáp ong bịt kín gắn kết 6 ống nứa vào để làm ống khèn. Phần ngoài trái, mỗi một ống nứa dùi một lỗ để tạo nốt nhạc. Khi chơi, người biểu diễn sử dụng các ngón tay bịt, mở các lỗ trên ống nứa. Khi thổi miệng ngậm vào cuống trái kết hợp nhịp nhàng với ngón tay để tạo ra những âm thanh trầm bổng, du dương mô phỏng âm thanh của chim muông. Khèn bầu thường để đệm nhạc, múa, hòa tấu cùng các nhạc cụ như trống cái, sáo, cồng, chiêng… trong các lễ hội, cùng với đó để trai tráng trong sóc thể hiện tình cảm với bạn tình.
Hiện nay việc sử dụng trái bầu khô hầu như vắng bóng trong đời sống hằng ngày nhưng hình ảnh về nó với tính năng hữu ích vẫn còn in đậm trong tâm trí mỗi người S’tiêng ở Bình Phước. Chính sự lưu truyền đó đã nhắc nhở họ nhớ về cội nguồn, biết cách tận dụng tài nguyên thiên nhiên phục vụ đời sống sinh hoạt, là nét đặc trưng văn hóa của dân tộc cần được bảo tồn và lưu giữ.
Nguồn: Báo Bình Phước