Theo các nghiên cứu về chất lượng không khí tại TP.HCM, ô nhiễm chủ yếu do tổng lượng bụi và tiếng ồn gây ra với giá trị trung bình năm vượt quy chuẩn từ 2,44 – 8,1 lần.
Thủ phạm gây ô nhiễm chính là phương tiện giao thông.
Đây là thông tin được trình bày tại diễn đàn Hợp tác Việt – Pháp: Đô thị thông minh và bền vững, do Cơ quan đại diện thương mại và đầu tư Pháp tổ chức ngày 4-7 tại TP.HCM.
Quá tải bụi, tiếng ồn, khí thải từ xe cộ
Lượng xe cộ quá lớn cùng một lượng lớn xe quá niên hạn sử dụng và không được kiểm định định kỳ là nguyên nhân dẫn đến quá tải phát thải từ xe cộ. Theo thống kê của Sở GTVT TP.HCM, TP hiện đang quản lý hơn 8,3 triệu phương tiện giao thông trên một hạ tầng giao thông hiện hữu đã quá tải.
Theo ông Hải, giải pháp hiện nay là tăng cường vận tải hành khách công cộng, tuy nhiên loại hình vận tải này mới chỉ đảm nhận 9,5% tổng nhu cầu đi lại. Các dự án vận tải hành khách khối lượng lớn như metro, BRT đều chậm thực hiện. Tuyến metro số 1 theo dự kiến đưa vào hoạt động từ năm 2018, nhưng đã lùi đến năm 2020.
Xe cộ chính là thủ phạm của gần 70% lượng phát thải bụi, 95% nitơ và tới 98-99% khí CO – theo một nghiên cứu toàn diện các nguồn phát thải do PGS.TS Hồ Quốc Bằng (ĐH Quốc gia TP.HCM) trình bày.
Đầu tư hệ thống quan trắc tự động
Tại diễn đàn, nhiều giải pháp để kiểm soát, giảm thiểu ô nhiễm không khí đã được đề cập. Ông Nguyễn Cảnh Lộc, phó giám đốc Trung tâm quan trắc tài nguyên – môi trường (Sở Tài nguyên – môi trường TP), cho biết đề án phát triển mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường tại TP đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đang được triển khai.
Nhiều hệ thống quan trắc tự động sẽ được lắp đặt, hỗ trợ hệ thống giám sát bán tự động hiện hữu để kiểm soát và cung cấp thông tin cho người dân.
“TP.HCM hiện không có trạm quan trắc tự động mà chỉ thực hiện quan trắc thủ công tại 20 vị trí, quan trắc các thông số về bụi, tiếng ồn, khí thải…
Trước đây, vào năm 1993, TP đã lắp đặt các trạm quan trắc tự động nhưng đến năm 2013 thì tạm ngưng sử dụng. Hiện nay, mạng lưới các trạm quan trắc tự động, đặc biệt là quan trắc không khí, đang được tập trung thực hiện” – ông Lộc cho biết.
Cụ thể, hiện nay sở đã hoàn tất hai điểm quan trắc không khí tự động, dự kiến đưa vào sử dụng trong năm nay. Từ nay đến năm 2020 sẽ triển khai 18 trạm quan trắc không khí tự động.
“Số lượng, vị trí quan trắc được các chuyên gia đánh giá là tương đối đủ để đánh giá các thành phần trong không khí. Bên cạnh quan trắc không khí, sẽ thực hiện quan trắc các nguồn xả thải khác trong đó có nước thải, hiển thị tại các bảng điện tử để cung cấp thông tin cho người dân” – ông Lộc cho biết thêm.
Đại diện Sở GTVT TP cũng trình bày nhiều giải pháp phát triển hệ thống giao thông. Trong đó, ưu tiên phát triển hệ thống giao thông công cộng, các tuyến metro, BRT, hoàn chỉnh mạng lưới xe buýt, đổi mới xe, phát triển thêm tuyến, hệ thống mini buýt đón khách ở các đường nhỏ, kết nối với các hệ thống xe buýt lớn và metro…
Hợp tác VN – Pháp, xây dựng TP.HCM thành đô thị thông minh
Sáng 4-7, Tổng lãnh sự Pháp Vincent Floreani và Phó chủ tịch UNBD TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến đã ký kết biên bản ghi nhớ tại diễn đàn Hợp tác Việt – Pháp: Đô thị thông minh và bền vững. Diễn đàn cũng lần đầu quy tụ các chuyên gia, lãnh đạo các nhà quản lý cấp cao của Pháp – các thành viên của mạng lưới Vivapolis, gồm các cơ quan, doanh nghiệp của Pháp trong lĩnh vực phát triển đô thị.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Trần Vĩnh Tuyến nhìn nhận: “TP.HCM vẫn còn đối đầu với những thách thức rất lớn như vấn đề về giao thông, ngập nước, xử lý chất thải, rác thải… Đề án xây dựng TP.HCM trở thành TP thông minh là mục tiêu TP đặt ra, giúp TP phát triển nhanh và phát triển bền vững theo yêu cầu của cả nước, giải quyết những thách thức: giao thông, ngập nước, xử lý nước thải, môi trường, biến đổi khí hậu một cách thông minh nhất. Đề án này cũng giúp TP nâng cao năng lực điều hành, dự báo tình hình; đẩy mạnh mối quan hệ phát triển dân chủ qua tương tác giữa người dân với chính quyền”.
Nguồn: tuoitre.vn