Lãnh đạo các nước Anh, Pháp, Đức được cho là đã gửi những tín hiệu mới về kế hoạch hòa bình lâu dài cho Ukraine.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lên đường tới Brussels (Bỉ) ngày 9-2 - Ảnh: REUTERS

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lên đường tới Brussels (Bỉ) ngày 9-2 

Trong bài viết ngày 24-2, tờ Wall Street Journal dẫn các nguồn tin độc quyền tiết lộ việc ba cường quốc châu Âu muốn thúc đẩy mối quan hệ giữa Ukraine và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Họ xem đây là cách để cổ vũ Kiev khởi động đàm phán hòa bình với Nga ngay trong năm nay.

Chúng ta cứ lặp đi lặp lại rằng không thể để Nga thắng, nhưng điều này có nghĩa là gì? Nếu cuộc chiến tiếp diễn với cường độ thế này, tổn thất của Ukraine sẽ trở nên không thể chịu đựng được nữa.

Một quan chức cấp cao Pháp nói với Wall Street Journal.

Trấn an Kiev

Ý tưởng chủ đạo của cách tiếp cận này là nếu Kiev được trang bị quân sự tốt hơn, họ có thể yên tâm đàm phán với Nga, bớt lo ngại về khả năng bị tấn công lại vào một ngày nào đó.

Và để Ukraine được trang bị tốt, cần có một thỏa thuận cho phép nước này tiếp cận nhiều hơn vào kho vũ khí hiện đại của NATO.

Tuần trước, Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã đề cập tới sáng kiến cho phép Ukraine tiếp cận thiết bị quân sự, vũ khí hiện đại và đạn dược để tự vệ.

Ông cho rằng kế hoạch này nên được đưa vào cuộc họp thường niên của NATO trong tháng 7 tới. Hiện Pháp và Đức cũng ủng hộ sáng kiến của ông Sunak.

Wall Street Journal dẫn nguồn quan chức chính phủ ba nước trên cho biết thỏa thuận tiềm năng không bao gồm cam kết hiện diện lính đồn trú NATO tại Ukraine.

Quan trọng hơn, cũng chưa có đề xuất bảo vệ Ukraine theo điều 5 của NATO. Đây là điều khoản cho phép hành động phòng thủ tập thể khi một thành viên NATO bị tấn công và Ukraine lúc này chưa phải thành viên.

Tới nay chưa rõ các điều khoản trong sáng kiến được Anh, Pháp và Đức ủng hộ. Nhưng một số quan chức cho rằng Ukraine có thể tiếp cận các hệ thống vũ khí tiêu chuẩn NATO, gắn Ukraine chặt hơn vào chuỗi cung ứng quốc phòng của phương Tây.

Điều này giúp Ukraine dù không phải thành viên NATO cũng sẽ được cung cấp phương tiện quân sự để ngăn chặn các cuộc tấn công của Nga, nếu có, trong tương lai.

Một quan chức Anh cho rằng hội nghị thường niên của NATO sắp tới có thể đưa ra lời đề nghị rõ ràng với Ukraine.

Điều này cũng giúp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky “có một thắng lợi chính trị” để trình bày trong nước, xem đây như một yếu tố khuyến khích đàm phán hòa bình. “Các cuộc chiến của Nga có xu hướng ngưng rồi lại tiếp tục, và đó là lý do Ukraine sẽ cần nhiều sự đảm bảo từ chúng ta”, vị quan chức Anh nói.

Tại Hội nghị an ninh Munich (Đức) tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng có đề cập tới giải pháp đảm bảo hòa bình lâu dài tương tự cho Ukraine. Ông cho rằng cần giúp Ukraine có năng lực ngăn chặn và tự vệ hiệu quả.

“Chúng ta phải xem tương lai hậu cuộc chiến sẽ ra sao, nhằm đảm bảo an ninh và ổn định cho người dân Ukraine cũng như châu Âu”, ông nói.

Giải pháp chính trị hậu chiến

Tròn một năm từ lúc Nga khởi động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, nhiều nước châu Âu (đặc biệt các thành viên NATO) đã thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ với Kiev. Nhưng đã xuất hiện nhiều thông tin cho thấy châu Âu muốn chiến sự sớm kết thúc, hoặc ít nhất có dấu hiệu cho đàm phán hòa bình.

Anh, Pháp, Đức cùng các quốc gia khác đã gặp không ít sức ép kinh tế – chính trị trong nước. Bản thân Tổng thống Pháp Macron từng gây tranh cãi chỉ vì cho rằng một thỏa thuận về tình hình Ukraine phải lưu tâm tới mối lo ngại của Nga.

Tại Ý hôm 24-2, tờ Corriere della Sera dẫn khảo sát của Ipsos cho biết tỉ lệ người Ý phản đối cung cấp vũ khí cho Ukraine đã chạm mốc 45% trong tháng 2, tăng 2 điểm phần trăm so với 43% của khảo sát tháng 12.

Tờ Wall Street Journal cũng lưu ý bộ ba Anh – Pháp – Đức thúc đẩy sáng kiến khuyến khích Ukraine đàm phán cũng vì không tin rằng Ukraine có thể thắng lợi. Tổng thống Zelensky từng khẳng định kiên quyết không nhượng bộ nhưng việc đẩy hết lực lượng Nga khỏi miền đông Ukraine và bán đảo Crimea có vẻ là mục tiêu không khả thi.

Bối cảnh này cho thấy cuộc giao tranh phải kéo dài, trong khi rất khó để châu Âu và Mỹ duy trì sự ủng hộ của công chúng về việc san sẻ gánh nặng tài chính trong viện trợ Ukraine.

Để chiến thắng, Ukraine cần quân sự. Để đảm bảo hòa bình lâu dài, Ukraine cần giải pháp chính trị. Trong bối cảnh ngày càng nhiều bên thúc đẩy đàm phán hòa bình, nhà lãnh đạo Ukraine sẽ phải đưa ra những quyết định khó khăn.

G20 chưa nhất trí về tình hình Nga – Ukraine

Cuộc họp của các lãnh đạo tài chính nhóm G20 hôm 25-2 đã xuất hiện những bất đồng về tình hình Nga – Ukraine.

Hãng tin Reuters cho biết G20 đã không thống nhất được phương án giải quyết gánh nặng nợ nần của các quốc gia đang phát triển.

Ngoài ra, cuộc họp trên cũng không có thông cáo chung do bất đồng quan điểm về xung đột Nga – Ukraine, cụ thể là việc có đề cập tới giao tranh ở Ukraine là “cuộc chiến” (war) trong thông cáo hay không.

Một số nước nói Nga đã tấn công Ukraine, số khác lại không đồng ý quan điểm này.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : giải pháp hòa bìnhUkraine

Các tin liên quan đến bài viết