Các điểm bỏ phiếu tại một số bang ở Mỹ đã đóng cửa sau một ngày dài nhưng trên mạng xã hội, các thuyết âm mưu vẫn nhan nhản và lan truyền mạnh trong ngày cử tri đi bỏ phiếu.
Theo Hãng tin Reuters, các điểm bỏ phiếu ở hai bang Indiana và Kentucky là những nơi đầu tiên đóng cửa lúc 18h tối 8-11 (giờ Mỹ), tức khoảng 5h sáng nay 9-11 theo giờ Việt Nam.
Tại một số bang khác thuộc bờ tây, việc bỏ phiếu vẫn đang diễn ra do khác múi giờ nhưng sẽ kết thúc trước trưa nay theo giờ Việt Nam. Hawaii và Alaska là hai bang cuối cùng đóng cửa các điểm bỏ phiếu.
Kết quả chính thức sẽ không được công bố ngay sau đêm 8-11 do tại một số bang đang có các cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các ứng viên Dân chủ – Cộng hòa. Ngoài việc chọn ra những người đại diện cho tiểu bang tại Hạ viện và Thượng viện liên bang, cử tri tại một số bang cũng sẽ bỏ phiếu cho ghế thống đốc bang.
Cho đến thời điểm hiện tại, nhà chức trách Mỹ khẳng định họ không nhận thấy một “mối đe dọa cụ thể hoặc đáng tin cậy” nào có thể phá vỡ cơ sở hạ tầng bầu cử.
Các quan chức địa phương đã báo cáo một số vấn đề khác nhưng chỉ mang tính cục bộ, chẳng hạn đe dọa đánh bom ở Louisiana, tình trạng thiếu giấy ở hạt Luzerne của bang Pennsylvania và một trang web bị sập ở hạt Champaign của Illinois.
Tại hạt Maricopa của bang Arizona – một chiến trường quan trọng – các quan chức khẳng định đang sửa chữa các thiết bị bị trục trặc và cho biết mọi phiếu bầu sẽ được tính.
Tuy nhiên điều này vẫn làm dấy lên những tuyên bố rằng các sự cố này là hành động cố ý. Các chuyên gia đã báo cáo các thuyết âm mưu mới lan truyền khắp Twitter, chỉ vài ngày sau khi công ty sa thải một nửa nhân viên và chủ sở hữu mới Elon Musk thể hiện ý ủng hộ Đảng Cộng hòa.
Từ khóa “gian lận” trở thành xu hướng trên Twitter vào giữa trưa 8-11 (giờ Mỹ), theo Reuters. Các cuộc thảo luận trên Twitter liên quan sự cố máy bỏ phiếu ở hạt Maricopa của Arizona và hạt Luzerne ở Pennsylvania đã tăng đột biến sau khi một số nhân vật có ảnh hưởng cho rằng đây là hành động cố ý.
Theo kết quả một cuộc khảo sát của Edison Research bên ngoài phòng bỏ phiếu, lạm phát và quyền phá thai là hai lý do đầu tiên thúc đẩy cử tri Mỹ đi bầu năm nay. Tiếp theo là vấn đề tội phạm, chính sách nhập cư và quyền sở hữu súng.
Cử tri cũng thể hiện quan điểm về đương kim Tổng thống Joe Biden, với 7/10 người được hỏi cho biết họ không muốn ông tranh cử nhiệm kỳ thứ hai vào năm 2024.
Với cựu tổng thống Donald Trump, cứ 10 người thì có 6 người có quan điểm không thích ông và 4 người còn lại thì ủng hộ.
Nguồn: tuoitre.vn