Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố chính quyền của ông sẽ đánh giá lại cuộc thương chiến cùng nhiều hành động khác mà người tiền nhiệm Donald Trump thực hiện nhằm vào Trung Quốc.
Thương chiến khởi phát thế nào?
Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) chỉ ra rằng, trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016, ông Donald Trump cam kết giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc.
Ông khẳng định phần lớn sự thâm hụt này là do các hành vi thương mại không công bằng của Bắc Kinh, trong đó có đánh cắp tài sản trí tuệ, ép buộc chuyển giao công nghệ, không tạo đủ sự tiếp cận thị trường cho các công ty Mỹ ở Trung Quốc, và một sân chơi bao cấp cho các công ty trong nước.
Phía Bắc Kinh tin Washington đang tìm cách kiềm tỏa sự trỗi dậy của nước này như một cường quốc kinh tế toàn cầu.
Vào tháng 1/2020, Tổng thống Mỹ Donald Trump khi đó và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. |
Mỹ và Trung Quốc là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, và ngoại thương của Trung Quốc tăng trưởng nhanh chóng sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2001, với tổng kim ngạch thương mại song phương Mỹ – Trung đạt gần 559 tỷ USD vào năm 2019.
Tuy nhiên, thương mại đã chệch hướng khi Mỹ chịu thâm hụt thương mại lớn và ngày càng tăng với Trung Quốc. Điều này trở thành vấn đề chính trị lớn trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Thâm hụt thương mại của Mỹ vọt lên 375,6 tỷ USD vào năm 2017 trước khi bắt đầu thương chiến, tăng từ 103,1 tỷ USD năm 2002. Thâm hụt tiếp tục lao lên 378 tỷ USD vào năm 2018.
Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung bắt đầu khi nào?
Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung bắt đầu vào ngày 6/7/2018, khi Mỹ đánh thuế 25% lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 34 tỷ USD. Sau đó, ông Trump tiếp tục áp một loạt mức thuế khác trong cùng năm và năm 2019.
Thương chiến tiếp tục leo thang, với việc Mỹ và Trung Quốc áp đặt nhiều mức thuế nhập khẩu khác nhau đối với các sản phẩm của nhau cho đến khi đạt được trên nguyên tắc về một thỏa thuận thương mại giai đoạn một hồi giữa tháng 12/2019.
Đỉnh điểm là vào cuối năm 2019, Washington đánh thuế lượng hàng nhập khẩu Trung Quốc lên tới 360 tỷ USD, còn Bắc Kinh đã trả đũa bằng thuế nhập khẩu trị giá khoảng 110 tỷ USD đối với các sản phẩm của Mỹ.
Thỏa thuận thương mại giai đoạn một
Thỏa thuận thương mại giai đoạn một chính thức được ký kết vào ngày 15/1/2020, với các điều khoản có hiệu lực một tháng sau đó. Tổng thống Trump và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã ký thỏa thuận tại Nhà Trắng.
Theo một phần của thỏa thuận, Trung Quốc đồng ý mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ của Mỹ trong 2 năm sau đó, so với mức năm 2017.
Các khoản mua bổ sung đó bao gồm khoảng 77 tỷ USD trong lĩnh vực sản xuất, 52 tỷ USD trong lĩnh vực năng lượng, 32 tỷ USD hàng hóa nông nghiệp và 38 tỷ USD về dịch vụ. Con số sau cùng bao gồm cả du lịch, các dịch vụ tài chính và dịch vụ đám mây.
Thương mại hàng tháng của Trung Quốc với Mỹ, tính theo đơn vị triệu USD, từ tháng 4/2016 đến tháng 1/2021. Biểu đồ của Tổng cục Hải quan Mỹ, được SCMP đăng tải. |
Theo Tổng thống Trump, Trung Quốc cũng cam kết dỡ bỏ các rào cản với một loạt mặt hàng xuất khẩu của Mỹ, bao gồm thịt bò, thịt lợn, gia cầm, hải sản, sữa, gạo, sữa bột trẻ em, thức ăn chăn nuôi và công nghệ sinh học.
Thỏa thuận cũng dẫn đến việc Mỹ đình chỉ mức thuế 15% dự kiến đối với khoảng 162 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, với mức thuế 15% đang áp lên lượng hàng nhập khẩu trị giá khoảng 110 tỷ USD giảm còn một nửa, xuống 7,5%. Trung Quốc cũng đình chỉ các mức thuế quan trả đũa.
Trạng thái của thỏa thuận thương mại giai đoạn một
Theo báo cáo của Viện Kinh tế quốc tế Peterson hồi tháng 2/2021, xuất khẩu hàng hóa giai đoạn một của Mỹ năm 2020 đã giảm hơn 40% so với mục tiêu. Trong khi đó, nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc theo thỏa thuận giai đoạn một trong năm 2020 cao hơn 13% so với năm 2019.
Việc mua hàng hóa sản xuất theo thỏa thuận của Trung Quốc chỉ đáp ứng 57% mục tiêu trong năm 2020, với ô tô, xe tải và các bộ phận chỉ đạt 40% mục tiêu, trong khi máy bay, động cơ và các bộ phận chỉ đạt 18% mục tiêu.
Tuy nhiên, các chất bán dẫn và thiết bị sản xuất chất bán dẫn vượt mục tiêu 27%, mặc dù báo cáo chỉ ra điều này là do các khách hàng Trung Quốc, bao gồm cả tập đoàn Huawei, tích trữ nguồn cung để đề phòng Mỹ hạn chế xuất khẩu một số sản phẩm vì lý do an ninh quốc gia.
Doanh số bán các sản phẩm y tế sang Trung Quốc cũng đạt 111% mục tiêu do nhu cầu tăng cao trong thời kỳ đại dịch Covid-19.
Xuất khẩu nông sản hụt 18% so với mục tiêu đề ra năm 2020. Các hợp đồng mua hàng lớn như thịt lợn, ngô, bông và lúa mì đã bù đắp khoảng trống, nhưng sự sụt giảm về đậu tương và tôm hùm lại kéo con số này đi xuống.
Cũng theo một phần của thỏa thuận, Trung Quốc đã dỡ bỏ các hạn chế nhập khẩu đối với một loạt sản phẩm trang trại của Mỹ, bao gồm thịt gia cầm, thịt lợn, đậu nành và lúa mạch.
Báo cáo cho biết, nhập khẩu các sản phẩm năng lượng của Trung Quốc chỉ đáp ứng 37% cam kết. Khí tự nhiên hóa lỏng đạt 89% mục tiêu, nhưng than đá chỉ đạt 14% và dầu thô 45%. Một phần thực tế này có thể do giá dầu ở mức thấp trong lịch sử trong phần lớn năm 2020.
Thương chiến Mỹ – Trung thời Tổng thống Biden
Trước khi nhậm chức Tổng thống Mỹ, ông Joe Biden khẳng định sẽ không thực hiện bất kỳ “động thái tức thời” nào để dỡ bỏ thuế quan mà chính quyền Donald Trump đã áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu Trung Quốc trước khi đánh giá đầy đủ thỏa thuận thương mại giai đoạn một hiện có và tham vấn các đồng minh của Mỹ.
Ông Joe Biden trên cương vị Phó Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Bắc Kinh năm 2013. |
Trong một cuộc phỏng vấn với báo New York Times được xuất bản đầu tháng 12/2020, ông Biden cho biết, “chiến lược Trung Quốc tốt nhất” là đưa tất cả các đồng minh truyền thống của Mỹ ở châu Á và châu Âu “về cùng một trang” – đó sẽ là ưu tiên chính của vị Tổng tư lệnh Mỹ “trong những tuần mở đầu” nhiệm kỳ ở Nhà Trắng.
Ông Biden tuyên bố, các chính sách thương mại của ông sẽ tập trung vào “các hành vi lạm dụng của Trung Quốc”, bao gồm “đánh cắp tài sản trí tuệ, bán phá giá sản phẩm, trợ cấp bất hợp pháp cho các tập đoàn” và ép buộc chuyển giao công nghệ.
Hồi tháng 2/2021, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Janet Yellen nói với CNBC rằng thuế quan đánh vào Trung Quốc mà chính quyền ông Trump thực thi sẽ “được giữ nguyên ở thời điểm này”.
“Đánh giá từ đầu đến cuối” của chính quyền ông Biden về chính sách thương mại của Trung Quốc cũng bao gồm cách tiếp cận thỏa thuận thương mại giai đoạn một của ông Trump với Bắc Kinh vốn sẽ hết hạn vào cuối năm 2021.
Hồi tháng 3/2021, tân Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai thông báo một cuộc họp thương mại giữa hai nước sẽ diễn ra “vào thời điểm thích hợp”, và thuế quan của Mỹ đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc sẽ vẫn là “không nhà đàm phán nào tránh được đòn bẩy”.
Bà Tai mới đây cho biết thêm, đánh giá sẽ tính đến những gì phải làm với một số miễn trừ trong danh sách các mức thuế thuộc Mục 301 đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc, nhấn mạnh rằng “thời gian là cốt lõi” để hoàn thành đánh giá.
Theo hai nguồn thạo tin, các nhà đàm phán thương mại hàng đầu của Bắc Kinh và Washington đang xúc tiến tổ chức cuộc đối thoại đầu tiên của họ để đánh giá thỏa thuận thương mại giai đoạn một.
Nguồn: vietnamnet