Mới vào tháng 6, còn xa mới đến mùa dịch sốt xuất huyết thông thường ở Hà Nội, nhưng ông Hoàng Đức Hạnh – phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội – cho biết số người mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội đã tăng rất mạnh, gấp 2-3 lần so với cùng kỳ 2016.
Đô thị hóa càng nhanh, càng lo sốt xuất huyết
Một bệnh nhân sốt xuất huyết đang được điều trị tại Bệnh viện đa khoa Đống Đa (Hà Nội) 

Sau nhiều năm Hà Nội không có bệnh nhân tử vong do sốt xuất huyết, năm nay đã có một nữ sinh viên Hà Nội tử vong do căn bệnh này. Mật độ muỗi và chỉ số lăng quăng ở nhiều khu vực đã vượt mức báo động: 0,5 con muỗi/nhà và chỉ số lăng quăng từ 30-50 (mật độ muỗi 0,5 con/nhà và chỉ số lăng quăng trên 20 đã là mức báo động).

Lo dịch ở khu vực đang đô thị hóa
Theo ông Hoàng Đức Hạnh, hiện trung bình mỗi tuần Hà Nội có trên 100 bệnh nhân sốt xuất huyết, trong khi toàn quốc có khoảng 1.700-1.800 ca mắc/tuần. So sánh chung thì Hà Nội chưa phải địa phương có số mắc cao nhất, nhưng tính thời điểm thì năm nay Hà Nội vào mùa dịch sốt xuất huyết sớm hơn, ngay từ khoảng tháng 5, trong khi mọi năm phải tháng 9 mới bắt đầu vào mùa. Ông Hạnh cho biết hiện các quận huyện như Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Hoài Đức, Thanh Xuân có số người mắc sốt xuất huyết cao. Đây cũng là các khu vực đang được đô thị hóa mạnh mẽ với nhiều nhà cao tầng mới và đang được xây dựng. “Tính đến đầu tháng 6 thì Hà Nội đã có trên 1.500 bệnh nhân sốt xuất huyết và 1 bệnh nhân tử vong. Diễn biến thời tiết phức tạp, nóng ẩm và mưa là kiểu thời tiết rất thích hợp cho muỗi phát triển, nên chúng tôi lo ngại dịch bùng phát như năm 2009 – năm đó Hà Nội có đến 14.000-15.000 bệnh nhân sốt xuất huyết”- ông Hạnh cho biết. Theo ông Phan Trọng Lân – viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, khác hẳn với giai đoạn trước, diễn biến sốt xuất huyết tại khu vực phía Nam cho thấy sốt xuất huyết xuất hiện quanh năm, ngay cả ở những tháng đầu mùa khô, thời gian không phải cao điểm dịch. “Giám sát bệnh cho thấy sốt xuất huyết đang dịch chuyển nơi mắc bệnh, từ Tây Nam Bộ sang các tỉnh có tốc độ phát triển và công nghiệp hóa nhanh như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, TP.HCM. Tuổi người bệnh cũng tăng, trước 2007 chỉ 20% người bệnh sốt xuất huyết là người lớn, nhưng gần đây tính riêng các tỉnh có tốc độ đô thị hóa cao có tới 35-54% bệnh nhân là người lớn”- ông Lân cho biết. Mối liên quan giữa đô thị hóa và sự gia tăng căn bệnh sốt xuất huyết, theo ông Lân, là do đô thị luôn thu hút lực lượng lao động mới, lưu chuyển người từ vùng không có dịch sang vùng có dịch lưu hành, làm tăng quần thể người dễ cảm nhiễm với bệnh. Mật độ dân cư cao ở những khu vực đô thị hóa nhanh cũng tạo điều kiện cho lây lan dịch bệnh. Theo ông Lân, lối sống tại các đô thị vô tình tạo ra các vật chứa mới thuận lợi cho sự phát triển của lăng quăng và muỗi truyền bệnh, như túi nilông, vỏ xe, chậu cảnh, chai lọ, lon nước ngọt… Những vật chứa này khó xử lý và kiểm soát hơn, so với dụng cụ chứa nước sinh hoạt chung thường bị nhiễm lăng quăng trước đây như lu, chum, vại. Ông Trần Đắc Phu – cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế – cũng cho biết nhiều trường hợp kiểm tra bình trồng cây thủy sinh trong nhà cũng rất nhiều lăng quăng, từ đó gây bệnh trong gia đình.
Nếu mắc bệnh, đi bệnh viện sớm
Sốt xuất huyết diễn biến rất nhanh và có nguy cơ tử vong, nên ông Hạnh khuyến cáo người bị sốt cao, đau đầu, có xuất huyết dưới da hoặc chảy máu cam, hoặc kỳ kinh bất thường cần đến ngay bệnh viện để được thăm khám, điều trị, tránh để bệnh diễn tiến nguy hiểm đến tính mạng.Còn Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM hướng dẫn để chủ động phòng chống bệnh sốt xuất huyết, các gia đình, nhà trường, cơ quan… cần tích cực thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng, diệt muỗi và tránh bị muỗi đốt.Cụ thể, mỗi tuần hãy tìm và loại trừ lăng quăng bằng cách đậy kín các vật trữ nước, mỗi tuần súc rửa và thay nước trong vật chứa nước đang sử dụng, bỏ muối vào đĩa kê chậu cây cảnh để diệt lăng quăng, loại bỏ các vật phế thải… Mỗi ngày chủ động diệt muỗi bằng bình xịt muỗi, vợt điện diệt muỗi, máy bắt muỗi…Tránh muỗi đốt cả ngày lẫn đêm bằng cách thoa kem chống muỗi, sử dụng nhang muỗi đặt gần cửa để muỗi không bay vào hoặc đặt gần nơi làm việc. Ở khu vực có nhiều muỗi nên ngủ mùng cả đêm lẫn ngày, sử dụng cửa lưới ngăn muỗi từ ngoài bay vào…Bên cạnh đó, người dân cần phối hợp với chính quyền và y tế địa phương trong việc phun hóa chất diệt muỗi. Khi phát hiện người bệnh có dấu hiệu nghi ngờ bị bệnh sốt xuất huyết như sốt cao liên tục trên hai ngày kèm theo một trong các triệu chứng: nhức đầu, đau cơ khớp, nổi ban, chấm xuất huyết dưới da, chảy máu mũi, chảy máu chân răng… phải nhanh chóng đưa người bệnh đi khám bệnh và thông báo cho trạm y tế địa phương.

Đầu năm đến nay, Trà Vinh có 3 bệnh nhân tử vong

Theo ông Trần Đắc Phu, hiện trung bình mỗi tuần trên cả nước có 1.700-1.800 bệnh nhân sốt xuất huyết (SXH) mới. Các tỉnh thành như Hà Nội, Quảng Nam, Cà Mau, Đà Nẵng, Trà Vinh, Quảng Ngãi là những tỉnh thành đang có số mắc tăng cao so với cùng kỳ 2016. Trong đó, theo bác sĩ Nguyễn Văn Lơ – giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Trà Vinh, tính từ đầu năm đến ngày 4-6, số ca mắc SXH ở tỉnh này lên đến 576 ca (tăng 239 ca so với cùng kỳ năm 2016). Đặc biệt đã có 3 bệnh nhân tử vong do SXH (cùng kỳ năm trước không có ca nào tử vong). Còn tại tỉnh Bến Tre, trong 5 tháng đầu năm nay, số ca SXH giảm so với cùng kỳ năm 2016 nhưng số ca SXH nặng lại tăng hơn 21 ca. Trong đó, đã có một bệnh nhân tử vong.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : %báo độngbệnh nhânbệnh việndịch bệnhđô thị hóaHà Nộilăng quăngsốt xuất huyếttử vong

Các tin liên quan đến bài viết