Chúng ta thường gặp phải một vấn đề chung khi dự tiệc đông người, đó là chúng ta sẽ rất nhanh chóng tự chia thành những nhóm nhỏ hơn và có những cuộc trò chuyện riêng theo nhóm 2-4 người.
Ảnh minh họa
Chúng ta thường gặp phải một vấn đề chung khi dự tiệc đông người, đó là nếu bàn tiệc chỉ có bốn người hoặc thậm chí ít hơn, ta sẽ trò chuyện rất vui vẻ trong một nhóm, nhưng nếu bàn tiệc có từ 5 người trở lên, chúng ta sẽ nhanh chóng phân thành những nhóm nhỏ hơn và có những cuộc trò chuyện riêng theo nhóm nhỏ từ 2-4 người.
Tại sao con người lại cảm thấy khó trò chuyện khi có quá đông người trong nhóm? Tại sao họ lại cảm thấy thật dễ dàng nếu chỉ trong nhóm trò chuyện nhỏ cỡ 4 người?
Câu hỏi này đã từng khiến Jaimie Krems, giảng viên chuyên ngành tâm lý học tại trường Đại học bang Oklahoma (Mỹ) rất quan tâm. Trước nay, giới tâm lý học đã sớm để ý tới cách con người trò chuyện theo nhóm và những nghiên cứu về vấn đề này đã diễn ra suốt hàng thập kỷ.
Có những bằng chứng cho thấy rằng nhóm giao tiếp bốn người đã tồn tại trong tâm thức con người từ khi con người mới bắt đầu biết giao tiếp với nhau. Văn hào người Anh William Shakespeare (1564 – 1616) hầu như không bao giờ để xuất hiện nhiều hơn bốn nhân vật có lời thoại trong cùng một cảnh của một vở kịch.
Tương tự vậy, các bộ phim cũng hiếm khi có nhiều hơn bốn diễn viên tương tác với nhau trong cùng một cảnh. Tại sao giao tiếp của con người thường chỉ đạt hiệu quả cao nhất ở ngưỡng bốn người?
Ảnh minh họa
Trong chuyên san khoa học “Evolution and Human Behavior” số ra mới nhất, hai nhà nghiên cứu Jaimie Krems và Jason Wilkes đã cùng đưa ra một giả thuyết bắt nguồn từ tâm lý học tiến hóa. Theo đó, “cặp” là đơn vị cơ bản để xây dựng nên một mối liên hệ xã hội. Giả sử bạn đang trong một cuộc trò chuyện bốn người gồm bạn, Chris, Pat và Taylor.
Trong cuộc trò chuyện này, sẽ có thể hình thành sáu cặp đối thoại để tất cả đều có bạn trò chuyện trong cùng một lúc (bạn và Chris, bạn và Pat, bạn và Taylor, Chris và Pat, Chris và Taylor, Pat và Taylor). Như vậy, bạn tham gia vào ba cặp, có ba cặp bạn không tham gia. Bạn sẽ có vai trò tác động tới một nửa số cuộc trò chuyện có thể hình thành trong nhóm.
Nếu có ba người trong một cuộc trò chuyện, vậy sẽ có ba cặp trò chuyện có thể hình thành, chỉ có một cặp bạn không tham gia.
Nếu có năm người trong nhóm trò chuyện, sẽ có thể hình thành 10 cặp đối thoại, và có tới 6 cặp không bao gồm bạn, điều này bắt đầu khiến bạn cảm thấy khó khăn hơn trong việc thể hiện mình với những người còn lại. Những phép tính này thực tế có tác động tới tâm lý con người.
Các nhà nghiên cứu tâm lý học tin rằng trong tâm lý học tiến hóa, con người từ xưa đã sợ bị loại ra khỏi những cuộc trò chuyện nhóm. Trong thế giới hoang sơ thời tiền sử, việc bị cô lập khỏi cộng đồng sẽ khiến con người đối diện với những mối nguy hiểm tới tính mạng. Chính giao tiếp là cơ sở để tạo nên mối gắn kết giữa cá nhân và cộng đồng.
Ảnh minh họa
Tâm lý của con người nói chung thường muốn đạt được những cuộc giao tiếp mà trong đó, người ta có cơ hội để tác động, gây ảnh hưởng, thể hiện và bày tỏ bản thân. Đó cũng chính là những mục đích quan trọng của giao tiếp. Khi nhóm càng đông, người ta càng thấy khó thể hiện mình qua trò chuyện và vì vậy, từ nhóm đông sẽ liền chia ra thành nhóm nhỏ.
Giờ thì bạn đã hiểu được thông qua lăng kính tâm lý học khi thấy những nhóm nhỏ hình thành bên bàn tiệc lớn hay trong những cuộc gặp đông người.
Theo Dân Trí