Trước hiện trạng các bạn trẻ thích vào mạng xã hội nhưng không cần đọc, chưa biết đúng sai cũng like, nhưng ít người chia sẻ bài báo tốt, sống tử tế.
Theo thạc sĩ Trần Thị Thanh Trà – giảng viên khoa Xã hội học, công tác xã hội Đông Nam Á trường ĐH Mở TP.HCM, dưới góc nhìn xã hội, độ tuổi từ 18 – 35 là nhóm quan tâm đến các vấn đề của xã hội, muốn khẳng định cái tôi, giá trị bản thân trong cuộc sống, bằng việc dám lên tiếng trước những bức xúc của xã hội.
Điều đó dễ khiến các bạn vô tình trở thành “anh hùng bàn phím”, do không kiểm chứng các nguồn thông tin ngoài luồng dù “cái tâm” là muốn bảo vệ người yếu thế.
Lứa tuổi dưới 18 chỉ quan tâm đến các vấn đề showbiz, K-pop, ngôi sao… Người trên 35 tuổi coi như mình đã trưởng thành về mặt lý luận xã hội, nhưng thực tế với nhiều người vẫn đang trong giai đoạn tìm con đường lý luận chính thống.
Nhóm đối tượng tích cực chia sẻ, quan tâm những vấn đề xã hội dù muốn thể hiện cái tôi, quan điểm cá nhân nhưng lại chưa có chính kiến, ngoài luồng thông tin không chính thống… dễ tìm đến các nguồn từ thần tượng, hoặc những nhân vật có thương hiệu, uy tín, nhiều người quan tâm… trên các diễn đàn mạng xã hội, đăng lên trang cá nhân để thể hiện quan điểm của mình.
Mọi người mặc định điều tốt là đương nhiên phải làm, cái xấu cần được lên án, nên vô tình các xấu lây lan nhanh chóng hơn, trở thành ám thị cuộc sống.
Thạc sĩ Trần Thị Thanh Trà
Làm sao để lan truyền cái tốt?
Cách đây không lâu, MC Phan Anh dấy lên con sóng “dám lên tiếng, đừng im lặng nữa” trước những vấn đề nhức nhối của xã hội trong mỗi status của anh trên facebook. Kèm theo lời kêu gọi là hành động thiết thực của anh đã gây được sự chú ý của cộng đồng.
Sau đó, nhiều bạn trẻ cũng lên tiếng trước các vấn đề của xã hội, nhưng lại đưa những thông tin không tích cực, không nguồn kiểm chứng, không xác minh được vấn đề đưa ra có ảnh hưởng đến xã hội hay cá nhân nào hay không… Chính vì vậy, các bạn trẻ khi chia sẻ thông tin nên có ý thức cá nhân.
Yếu tố gia đình đặc biệt quan trọng. Nhân cách con người được hình thành từ những phương thức giáo dục trong gia đình. Đừng nghĩ lớn rồi thì không phải học, mà học bất kỳ lúc nào đều giúp hình thành thói quen cho con cái sống tử tế, nếu không đủ tự tin giáo dục con bằng phương pháp đúng.
Một yếu tố từ xã hội cũng quan trọng không kém chính là ám thị ăn sâu. Thạc sĩ Trà phân tích: “Tôi nhớ khi còn nhỏ, lúc nào loa phường hay trong các quảng cáo trên tivi đều ra rả “việc làm của bạn hôm nay, ảnh hưởng thế giới ngày mai”.
Tự mình sẽ hình thành thói quen phải giúp người khác như một phản xạ tự nhiên. Cũng giống như khi gặp một điều tốt đẹp ngoài xã hội, các bạn cũng viết lên tường nhà mình, một người viết sẽ có nhiều người viết, và những điều tốt đẹp sẽ được nhân rộng và lan truyền ngày một lớn hơn.
Có sinh viên tâm sự với tôi rằng ban đầu bạn nghĩ nên chia sẻ hành động đẹp mà bạn thấy trong siêu thị, nhưng sau đó lại ngại vì nghĩ chuyện nhỏ như vậy có đáng gì để nói.
Các bạn đừng ngại hay nghĩ việc nhỏ thì không có gì đáng để nói. Hãy nghĩ một hành động nhường cho người khó khăn khi xếp hàng trong siêu thị, hay ý thức xếp hàng nơi công cộng cũng đáng được chia sẻ”.
Nguồn: tuoitre.vn