Anh Lakhani ngồi giữa các nữ cộng sự tại Tổ chức Eco-Soap Bank |
Năm 2014, khi đang là sinh viên Đại học Pittsburgh, Lakhani có chuyến tình nguyện tại một ngôi làng ở Campuchia. Tại đây, chàng trai trẻ tận mắt chứng kiến cuộc sống với điều kiện vệ sinh tồi tệ ở nhiều gia đình. Anh kể: “Tôi vẫn nhớ như in cảnh người mẹ tắm cho đứa bé sơ sinh trong chiếc chậu đầy bột giặt và nước. Đó là hình ảnh tôi không bao giờ quên”. Với nhiều người dân Campuchia, một bánh xà bông loại tốt là món hàng đắt tiền nên họ không đủ tiền mua. Với mức thu nhập trung bình chỉ 1,5 USD/ngày với nhiều người, thật khó có chuyện họ bỏ ra tới 1 USD để mua một bánh xà bông loại tốt, vì đương nhiên họ phải ưu tiên chuyện ăn uống của gia đình. Chưa kể là ở một số nơi dẫu có tiền người ta cũng không dễ mua được xà bông vì các cửa hàng không mấy khi tích trữ mặt hàng này do nhu cầu tiêu thụ không lớn. Trong khi đó nhiều trẻ em sống tại các vùng nông thôn Campuchia bị bệnh tật chỉ vì không thể rửa sạch chân tay. Theo UNICEF, chỉ tính riêng bệnh tiêu chảy đã gây ra 1/5 số ca tử vong với trẻ từ 5 tuổi trở xuống tại Campuchia. Phần lớn nguyên nhân gây tiêu chảy là do điều kiện vệ sinh kém. Trong thời gian đi tình nguyện, Lakhani trú tại một khách sạn ở địa phương. Và anh nhận ra một giải pháp có thể giải quyết tốt vấn đề vệ sinh cho người dân Campuchia đang bị bỏ phí, đó là những miếng xà bông hầu như không mấy khi được dùng tới trong các khách sạn. Vậy là Lakhani khởi xướng thành lập tổ chức phi lợi nhuận mang tên Eco-Soap Bank. Tổ chức này chuyên tái chế các miếng xà bông bị bỏ đi tại các khách sạn Campuchia, sau đó phân phối lại cho những người cần dùng. Mặc dù phương thức tái chế và tái sử dụng xà bông theo cách này đã được nhiều tổ chức áp dụng, nhưng cách thực hiện và hoạt động với quy mô chỉ tập trung tại Campuchia thì chỉ có Tổ chức Eco-Soap Bank của Lakhani .Hiện Eco-Soap Bank đã có bốn trung tâm tái chế xà bông trên cả nước, tạo công ăn việc làm cho 35 phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Những bánh xà bông sau khi thu về sẽ được làm sạch và đóng thành bánh mới, hoặc chuyển sang xà bông dạng nước. Cho tới nay Eco-Soap Bank đã nhận được 174.713 bánh xà bông do các khách sạn quyên tặng. Từ đó gần 11 tấn xà bông đã được tái chế và phục vụ cho hơn 660.000 người ở nhiều khu vực, đặc biệt là những vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn của Campuchia. Không chỉ là xà bông, người dân cũng được trang bị kiến thức về giữ gìn vệ sinh thông qua các chương trình giáo dục nâng cao nhận thức của Eco-Soap Bank. Lakhani chia sẻ: “Điều tôi yêu thích nhất trong công việc là chúng tôi đang cùng lúc thực hiện được ba việc hữu ích. Chúng tôi giảm bớt lượng rác thải đổ ra môi trường, tạo việc làm cho một số người dân địa phương và mang được xà bông tới cho những người cần nó trên toàn đất nước Campuchia”. Cũng theo Lakhani, tình trạng sinh hoạt thiếu vệ sinh rõ ràng không chỉ là vấn đề của riêng Campuchia. Câu chuyện này xảy ra tại nhiều quốc gia đang phát triển. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên là các quốc gia đang phát triển lại cũng là nơi có nhiều trung tâm du lịch và có rất nhiều khách sạn. Do đó Lakhani cho rằng tiềm năng nhân rộng mô hình hoạt động của Eco-Soap Bank tại các quốc gia khác rất lớn. Anh nói: “Chúng tôi đang cân nhắc kế hoạch mở rộng hoạt động tại 7 quốc gia khác. Mọi việc đã làm thời gian qua mới chỉ là một phần rất nhỏ”. Các chuyên gia kinh tế đã chứng minh rằng với mỗi 1 USD đầu tư cho việc cải thiện chất lượng vệ sinh tại những nước đang phát triển sẽ thu lợi về trung bình 25,50 USD. Do đó một trong những mục tiêu hàng đầu mà Eco-Soap Bank chia sẻ trên website của tổ chức này là tiếp tục tập trung thúc đẩy tác động tích cực về mặt kinh tế từ chất lượng vệ sinh tốt tại các nước đang phát triển.