Thống kê cho thấy, số lượng buồng/phòng của các khách sạn tại TP.HCM không nhỏ nhưng khách cách ly tập trung, trả phí dịch vụ còn thấp.

Vắng chuyên gia, khách sạn ế

Khoảng 1 tháng nay, công việc của anh Nguyễn Thái Duy – Giám đốc Khách sạn Tân Thái Dương (huyện Cần Giờ) – ít bận rộn hơn hẳn. Dịch bệnh bùng phát tại TP.HCM nên phần lớn chuyến bay của các chuyên gia đến Việt Nam thời gian này bị hạn chế hoặc tạm ngưng. Công suất phòng tại khách sạn chỉ đạt khoảng 30%, với khoảng 20 chuyên gia nước ngoài đang lưu trú, cách ly sau nhập cảnh.

Được Sở Du lịch TP.HCM và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP (HCDC) chấp thuận, khách sạn cung cấp dịch vụ cách ly từ tháng 3/2020. Nhưng, đây là thời điểm thưa khách nhất. Bên cạnh đó, việc TP.HCM cho phép F1 có thể cách ly tại nhà nên số lượng người cách ly trả phí càng thấp.

Đắt không ai ở, rẻ thì lỗ nặng, nguy cơ lớn khi F1 thành F0
Khai báo y tế tại Khách sạn Tân Thái Dương (huyện Cần Giờ)

Đại diện khách sạn Tân Thái Dương cho biết, chi phí cách ly dịch vụ khá cao, khoảng từ 1,2 triệu đồng/người/đêm, bao gồm ăn uống, nên không phải F1 trong nước nào cũng sẵn sàng chi trả. Nếu có điều kiện, khách sẽ chủ động cách ly ở nhà, gần với gia đình và tiết kiệm chi phí.

Tương tự, khách sạn Shi Việt Nam (Quận 7) mặc dù đã giảm giá lưu trú cách ly còn 900.000 đồng/người/đêm nhưng tỷ lệ buồng phòng cũng chỉ đạt một nửa công suất thực tế. Anh Nguyễn Tuấn, quản lý khách sạn thông tin, đây là tình trạng chung đối với hầu hết các khách sạn tại Quận 7.

Trước đây, các chuyên gia nhập cảnh sẽ lên trang web của Sở Du lịch TP để tìm kiếm thông tin khách sạn được niêm yết làm điểm cách ly và liên hệ lưu trú. Còn nay, các khách sạn phải tự tìm nguồn khách F1. Lượng khách này do cơ quan y tế và hãng taxi điều hành nắm.

“Chúng tôi thấy cần có nguồn khách để các khách sạn cách ly được tiếp cận và đảm bảo hoạt động. Giờ mở ra làm điểm cách ly dịch vụ mà không có khách cũng khó cho các khách sạn”, anh Tuấn nói.

Các khách sạn nhất là nhóm cao cấp đều thừa nhận rất khó tiếp cận được lượng khách lớn do giá khá cao. Mức giá này thường chỉ thương nhân, chuyên gia… hoặc các đối tượng khác được chi trả bởi tổ chức, DN hoặc số ít người có tiền mới chịu được. Tuy nhiên, theo các khách sạn thì đây là mức gía chỉ để duy trì và nuôi nhân viên, hoàn toàn chưa có lãi.

Đắt không ai ở, rẻ thì lỗ nặng, nguy cơ lớn khi F1 thành F0
 Lấy mẫu xét nghiệm cho người nhập cảnh

Cách ly không đơn giản, dễ lỗ đậm

Tính đến ngày 23/7, Sở Du lịch TP phối hợp Sở Y tế TP đã chấp thuận thành lập khu cách ly y tế tập trung có trả phí cho người nhập cảnh tại 72 khách sạn, tương ứng 5.564 buồng/phòng. Hiện các cơ sở này cũng có tiếp nhận khách có nguy cơ mắc Covid-19 cao (F1) đến cách ly.

Cũng trong tháng 7, có thêm 117 khách sạn, tương ứng 5.328 buồng/phòng có đủ điều kiện để đưa vào sử dụng làm khu cách ly y tế tập trung cho F1.

Số lượng buồng/phòng là có, tuy nhiên đại diện các khách sạn cho hay, quy trình cách ly đối với F1 chặt chẽ và kéo theo các dịch vụ đi kèm nên giá dịch vụ lưu trú không thể xuống thấp hơn được. Nếu xuống nữa sẽ lỗ.

“600.000-700.000 đồng/ngày/đêm là mức giá tối thiểu để các cơ sở lưu trú tập trung có thể thực hiện. Vì thế, người có điều kiện chứ không phải ai cũng ở được, người dân bình thường đi cách ly khách sạn có tiêu chuẩn khá trở lên là bất khả thi”, ông Võ Ngọc Linh, quản lý khách sạn Cititel Parkview SaiGon (Quận 1) phản ánh.

Đắt không ai ở, rẻ thì lỗ nặng, nguy cơ lớn khi F1 thành F0
 Khử khuẩn hành lý và vật dụng cá nhân

Theo ông Linh, cách ly F1 tại khách sạn phải đầu tư nhiều thứ liên quan như: đồ bảo hộ, nước sát khuẩn, cồn khử khuẩn, bao rác y tế rồi găng tay,… Lương nhân viên phục vụ phải tăng bởi điều kiện làm việc ngặt nghèo khi mặc đồ bảo hộ 24/24, ở tách biệt mỗi tầng. Chi phí giặt, xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải y tế theo quy định cũng là vấn đề lớn. Các khách sạn cách ly thậm chí chịu lỗ để cầm cự.

Chưa kể, khi F1 thành F0 thì toàn bộ đồ dùng trong phòng hủy hết, khăn tắm rồi tủ chứa nước cũng bỏ. Chuyên viên y tế qua khử khuẩn, sau đó, nhân viên khách sạn khử khuẩn lại toàn bộ. Đối với các khách sạn ở mức trên 3 sao, vật dụng trang bị đắt tiền sẽ khó khăn.

“F1 thành F0 gần như chắc chắn có, đa phần khách sạn nào cũng dính. Không lo về quy trình y tế tuy nhiên nhiều chi phí liên quan. Ví dụ, tiền rác phải trả tầm 20 triệu/tháng, rác y tế đốt riêng là khoảng 500.000-600.000 đồng/kg. Trong khi các cơ sở lưu trú tập trung, làm dịch vụ có thu phí cũng không được nhiều hỗ trợ về điện, nước”, anh Nguyễn Tuấn cho biết thêm.

Vì thế, đặt giả thiết được hỗ trợ chi phí điện, nước, nhân viên y tế, bảo vệ… thì các khách sạn cho rằng không thể làm nổi với chi phí thấp như nhà nước hỗ trợ người dân. Giá thấp sẽ lỗ nặng, làm không tốt còn vi phạm phòng chống dịch bệnh… nên rất nhiều rủi ro.

Các khách sạn đang trông chờ vào quy định rút ngắn thời gian cách ly chuyên gia nhập cảnh xuống 7 ngày (đối với người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin và có xét nghiệm âm tính). Việc rút ngắn thời gian cách ly sẽ thu hút chuyên gia quay lại Việt Nam làm việc nhiều hơn.

Bên cạnh đó, từ 1/8, TP.HCM là địa phương đầu tiên trên cả nước thí điểm số hóa quy trình đặt dịch vụ khách sạn và vận chuyển dành cho khách F1 cũng như mở rộng cho khách quốc tế trong thời gian tới. Đây có thể là một phương án để các cơ sở cách ly tập trung dịch vụ tiếp cận nguồn khách hàng.

Nguồn: vietnamnet

 

Từ khóa : cách lyGiãn Cách Xã Hộikhách sạnKhách Sạn Cách LyTP HCM

Các tin liên quan đến bài viết