Một bức tranh về tuổi thơ được vẽ lên từ gốc nhìn của một người lớn, câu chuyện của nhân vật cu Mùi và 3 người bạn cùng xóm: Hải Cò, Cái Tủn và Cái Tý đã đưa người đọc xuyên thời gian trở về một vùng ký ức yên bình của tuổi thơ, nơi mọi thứ đều trở nên thật đơn giản và không có chỗ cho sự tính toán hay lo toan về mưu sinh của người lớn, ở nơi ấy ký ức thật tuyệt vời.
Khi còn là một đứa trẻ tám tuổi chúng ta đã làm gì và suy nghĩ thế nào, chắc hẳn khi đã là một người lớn bị vây lấy bởi biết bao nhiêu thứ như cơm áo gạo tiền, công danh sự nghiệp và chuyện tình yêu trai gái hay vợ chồng trong nhà, biết bao nhiêu kỷ niệm tươi đẹp về tuổi thơ ta cứ để mặc cho dòng thời gian cuốn trôi đi mất và khi đọc đến hết những dòng chữ cuối cùng trong cuốn truyện này thì lại mang máng nhớ ra là mình đã từng rất giống “cu Mùi”, mình đã từng giả vờ ngủ trưa, từng cảm thấy uể oải khi đọc những con chữ mà khi còn là một cậu nhóc 8 tuổi tôi cho là vô nghĩa, rồi từng chơi những trò gia đình kiểu “vợ chồng” như trong tác phẩm và tự mình vẽ lại thế giới cho đúng với vai trò của người “sáng tạo”, muốn gọi ai là gì cũng được, muốn làm gì cũng được, thế giới chỉ có trong tưởng tượng của trẻ con và không hề có người lớn,… Những câu chuyện tình cảm kiểu trẻ con, có chút gì đó thích thích và cảm thấy quyến luyến với một đứa bạn cùng lớp, tuy nhiên đó chỉ là cảm giác thích và ghen tuông kiểu trẻ con, như việc trẻ con thích ăn một cây kem vậy vừa lành lạnh vừa ngọt ngào. Đang xen với những câu chuyện của tuổi thơ là những câu chuyện và suy nghĩ của người lớn, người lớn, chúng ta đã từng là trẻ con cuộc sống trong veo, dù đôi khi một đứa trẻ 8 tuổi cũng cảm thấy thấy buồn chán trước sự sắp đặt của người lớn,… Chúng ta trở thành người lớn từ một đứa trẻ rồi khi đối đầu với biết bao nhiêu thứ trên cuộc đời , chúng ta lại hiểu ra rằng để sống tốt hơn chúng ta phải học cách làm một đứa trẻ, một đứa trẻ không có quá nhiều ưu tư và mọi thứ điều suy nghĩ theo hướng tích cực và đơn giản nhất.
Từng câu chữ trong câu chuyện của tác giả cứ như là đang viết cho tuổi thơ của bạn của tôi càng đọc và càng cảm thấy tuổi thơ của mình hiện lên rõ ràng hơn, càng có cảm giác nhớ, cảm giác bồi hồi về một vùng ký ức tươi đẹp của một đứa trẻ tưởng chừng đã mất đi khi chúng ta trở thành một người lớn, những người lớn khó chịu như cách như nghĩ của chúng ta khi chúng ta còn là một đứa trẻ 8 tuổi… Tác phẩm “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là một con tàu đưa chúng ta ngược dòng thời gian trở về với tuổi thơ của chính mình,về lại với những ngọt ngào, về lại với tuổi thơ, về lại với nụ cười hồn nhiên và những hạnh phúc đơn giản nhất.
Lâm Mắt Kiếng