Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vừa có Quyết định số 46/QĐ-VKSTC về việc ban hành quy tắc ứng xử của kiểm sát viên khi thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp tại phiên tòa, phiên họp của tòa án. Theo đó, các kiểm sát viên nếu vi phạm các quy định của quy tắc ứng xử này, thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của ngành kiểm sát nhân dân hoặc của pháp luật. Dưới đây là những nội dung đáng lưu ý trong bản quy tắc này:

Những việc kiểm sát viên phải làm

Thực hiện đúng, đầy đủ quy định của pháp luật và của ngành kiểm sát nhân dân về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của viện kiểm sát, kiểm sát viên tại phiên tòa, phiên họp. Có mặt tại địa điểm mở phiên tòa, phiên họp trước giờ khai mạc. Nếu vì lý do bất khả kháng mà không thể có mặt tại phiên tòa, phiên họp thì kiểm sát viên được phân công tham gia phiên tòa, phiên họp báo cáo ngay với lãnh đạo vụ hoặc lãnh đạo đơn vị, đồng thời thông báo cho chủ tọa phiên tòa, phiên họp.

Sử dụng trang phục ngành đúng quy định. Thực hiện đúng nội quy phiên tòa, phiên họp. Thực hiện nghiêm túc các yêu cầu, đề nghị đúng pháp luật, hợp lý của Chủ tọa phiên tòa. Cử chỉ, hành động, lời nói, tư thế, tác phong, thái độ, biểu cảm phải chuẩn mực, thể hiện hình ảnh người kiểm sát viên “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Những việc khác mà kiểm sát viên phải làm theo quy định của quy tắc này.

Những việc kiểm sát viên không được làm

Không sử dụng rượu, bia, chất kích thích khác khi thực hiện nhiệm vụ tại phiên tòa, phiên họp hoặc trong khoảng thời gian 12 giờ trước khi tham gia phiên tòa, phiên họp. Không phân biệt đối xử về dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, chủng tộc, thành phần, địa vị xã hội, giới tính của người tham gia tố tụng, người tham dự phiên tòa. Không được có hành động chỉ trích, miệt thị, coi thường, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người tranh tụng với kiểm sát viên, người phản đối quan điểm, ý kiến của viện kiểm sát, kiểm sát viên.

Không thực hiện hành vi vượt quá chức trách, nhiệm vụ của mình tại phiên tòa, phiên họp. Không tùy tiện cho mượn, cho ghi chép, cho sao chụp vật chứng, tài liệu, trả lời phỏng vấn, cung cấp thông tin liên quan đến vụ án, vụ việc khi chưa kết thúc phiên tòa, phiên họp. Không thực hiện những việc kiểm sát viên không được làm theo quy định của Luật Tổ chức viện kiểm sát nhân dân và quy tắc này.

Cách xưng hô của kiểm sát viên

Khi xưng hô về bản thân, kiểm sát viên dùng từ “tôi” trong trường hợp có một kiểm sát viên; từ “chúng tôi” trong trường hợp có nhiều kiểm sát viên cùng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp tại phiên tòa, phiên họp; hoặc dùng từ “viện kiểm sát”, “kiểm sát viên” bảo đảm phù hợp với hoàn cảnh, tình huống.

Cách xưng hô đối với người tiến hành tố tụng: Trường hợp vụ án, vụ việc được giải quyết bởi hội đồng thì kiểm sát viên sử dụng cụm từ “thưa hội đồng”, “đề nghị hội đồng” hoặc dùng từ “hội đồng” cùng với từ chỉ nhiệm vụ của hội đồng như hội đồng xét xử, hội đồng giải quyết việc dân sự,… trước khi trình bày, phát biểu, đề nghị, kiến nghị. Trường hợp vụ án, vụ việc được giải quyết bởi 1 thẩm phán thì kiểm sát viên sử dụng cụm từ “thưa thẩm phán chủ trì phiên tòa (phiên họp)” hoặc “đề nghị thẩm phán chủ trì phiên tòa (phiên họp)” trước khi trình bày, phát biểu, đề nghị, kiến nghị.

Đối với thư ký phiên tòa, phiên họp, kiểm sát viên sử dụng cụm từ “đề nghị thư ký phiên tòa (phiên họp)”, sau đó nêu vấn đề cần đề nghị. Đối với thẩm tra viên, kiểm sát viên sử dụng cụm từ “đề nghị thẩm tra viên” cùng với họ tên của thẩm tra viên đó, sau đó nêu vấn đề cần đề nghị.

Cách xưng hô đối với người tham gia tố tụng: Đối với bị cáo là cá nhân, kiểm sát viên sử dụng từ “Bị cáo” hoặc “Bị cáo” cùng với tên hoặc họ tên của bị cáo. Ví dụ: Bị cáo cho biết …; hoặc bị cáo Nguyễn Văn A cho biết … Trường hợp bị cáo là pháp nhân thương mại, kiểm sát viên sử dụng từ “bị cáo” hoặc “bị cáo” cùng với tên đầy đủ của pháp nhân đó. Đối với người bị kết án, kiểm sát viên sử dụng từ “phạm nhân” cùng với họ tên đầy đủ của người đó. Đối với bị hại, kiểm sát viên sử dụng từ “bị hại” hoặc “bị hại” cùng với họ tên đầy đủ của người đó. Đối với luật sư, kiểm sát viên sử dụng từ “luật sư” hoặc “luật sư” cùng với họ tên đầy đủ của luật sư đó. Đối với người tham gia tố tụng khác là cá nhân, kiểm sát viên sử dụng từ “anh, chị, ông hoặc bà” hoặc “anh, chị, ông hoặc bà” cùng với tên hoặc họ tên của người đó; nếu là cơ quan, tổ chức thì kiểm sát viên sử dụng tên đầy đủ của cơ quan, tổ chức đó. Đối với những người tham dự phiên tòa, phiên họp, kiểm sát viên sử dụng cách gọi “thưa cô bác, anh chị và quý vị tham dự phiên tòa”.

Thái độ ứng xử của kiểm sát viên

Kiểm sát viên phải đứng, ngồi đúng tư thế. Nếu mang theo mũ thì phải đặt mũ trên bàn, trước mặt, chếch về phía bên tay trái của kiểm sát viên, phù hiệu trên mũ quay ra phía trước. Cử chỉ, hành động, lời nói, biểu cảm của kiểm sát viên phải rõ ràng, dứt khoát, lịch sự, đúng mực. Tiếng nói vừa đủ nghe, không quá nhanh, không quá chậm. Ngôn ngữ phải chuẩn xác, không nói ngọng, không nói lắp. Kiểm sát viên phải có thái độ lắng nghe, tôn trọng ý kiến của người khác. Khi xét hỏi, tranh luận, đối đáp, phát biểu ý kiến, kiểm sát viên phải dõng dạc, từ tốn, không được cáu gắt, nóng giận, xúc phạm người khác.

Khi có yêu cầu, đề nghị, kiến nghị tại phiên tòa, phiên họp, kiểm sát viên phải xin phép chủ tọa phiên tòa, phiên họp trước khi phát biểu. Kiến nghị đối với vi phạm pháp luật của người tiến hành tố tụng tại phiên tòa, phiên họp phải chính xác, góp ý trên tinh thần xây dựng để khắc phục. Nếu hội đồng hoặc thẩm phán chủ tọa phiên tòa, phiên họp không chấp nhận yêu cầu, đề nghị, kiến nghị thì kiểm sát viên vẫn phải tiếp tục tham gia phiên tòa, phiên họp, không được bỏ về hoặc có thái độ tức giận, bất hợp tác. Trường hợp phát sinh tình huống bất ngờ tại phiên tòa, phiên họp, kiểm sát viên phải bình tĩnh, chủ động, linh hoạt giải quyết hoặc phối hợp với hội đồng hoặc thẩm phán để giải quyết.

NN

Từ khóa : kiểm soát viênquy tắcứng xử

Các tin liên quan đến bài viết