Sau khi Nga tuyên bố sáp nhập 4 vùng lãnh thổ Ukraine, viễn cảnh Matxcơva sử dụng vũ khí hạt nhân đang là chủ đề nóng của dư luận phương Tây.
Giờ đây, bốn vùng Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin công nhận là “lãnh thổ Nga”, và điều này được ngầm hiểu rằng ông có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để “bảo vệ lãnh thổ”.
Phương Tây cảnh báo đanh thép
Tướng về hưu David Petraeus, cựu giám đốc Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA), mới đây khẳng định Mỹ và đồng minh sẽ hủy diệt quân đội và vũ khí Nga ở Ukraine, đánh chìm cả hạm đội Biển Đen, nếu ông Putin sử dụng vũ khí hạt nhân tại Ukraine.
Trả lời Đài ABC trong chương trình phát sóng tối 2-10, ông Petraeus cẩn thận lưu ý rằng mình chưa hề trao đổi với Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan về phản ứng của Mỹ nếu có gia tăng căng thẳng hạt nhân với Nga.
Thay vào đó, vị tướng về hưu này đặt giả thuyết: “Chúng tôi sẽ đáp trả bằng việc dẫn đầu một nỗ lực của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), một nỗ lực tập thể, nhằm xóa sạch lực lượng thông thường của Nga mà chúng tôi phát hiện trên chiến trường Ukraine, cũng như ở Crimea và mọi con tàu trên Biển Đen”.
Việc vận dụng năng lực tập thể của NATO để đáp trả là chủ đề gây tranh cãi. Về lý thuyết, Ukraine không phải thành viên NATO, vì vậy chuyện Nga dùng vũ khí hạt nhân với Ukraine cũng khó có thể dẫn tới việc các thành viên NATO kích hoạt “Điều 5” của liên minh này, tức kêu gọi hành động phòng thủ tập thể khi một thành viên NATO bị tấn công.
Theo ông Petraeus, dù vậy nếu bức xạ từ vũ khí hạt nhân lan ra các nước NATO, đây có thể là tiền đề để nhìn nhận rằng một thành viên NATO “bị tấn công”.
“Một lần nữa, bạn không muốn lao vào một cuộc leo thang hạt nhân ở đây. Nhưng bạn phải thể hiện rằng điều này không thể được chấp nhận theo bất kỳ nghĩa nào”, ông nói.
Tương tự, trả lời chương trình Gặp gỡ báo chí của Đài NBC tối 2-10, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng cảnh báo “những hậu quả nghiêm trọng cho Nga” nếu Tổng thống Nga Putin dùng vũ khí hạt nhân ở Ukraine. Ông Stoltenberg lưu ý bất kỳ hành động sử dụng vũ khí hạt nhân nào cũng sẽ “thay đổi bản chất” cuộc xung đột ở Ukraine.
Đấu trí hay đấu súng?
Đến nay, chính trị gia và chuyên gia phương Tây đa phần không tin là Nga sẽ thực sự dùng vũ khí hạt nhân tại Ukraine, dù không ai bác bỏ hoàn toàn khả năng đó.
Hôm 2-10, tờ Guardian mô tả thượng nghị sĩ Mỹ Marco Rubio thận trọng, tránh sa vào câu hỏi liệu ông có thấy bằng chứng rằng Nga đang chuẩn bị dùng vũ khí hạt nhân hay không.
Chính trị gia này nhận biết mối đe dọa hạt nhân nêu trên, nhưng lưu ý rằng ông lo nhất về việc “có một cuộc tấn công của Nga bên trong lãnh thổ NATO”, ví dụ tấn công nhằm vào sân bay ở Ba Lan hoặc một số cơ sở phân phối khác.
Nhìn chung, phương Tây tin rằng trước mắt Nga sẽ tìm cách chặn đường tiếp viện của các bên cho Ukraine bằng cách thực hiện một số cuộc tấn công vào cơ sở hậu cần.
Thông tin trên báo chí phương Tây nói Nga đang gặp nhiều khó khăn, nhưng tình hình này cũng góp phần khiến mối đe dọa hạt nhân leo thang.
Theo các phân tích liên quan, ông Putin có thể đang dùng hai chữ “hạt nhân” làm con bài tâm lý, như cách hành xử đánh lừa của một ván bài poker, bất kể Tổng thống Putin đã khẳng định “không có bài tâm lý nào ở đây”.
Tờ Financial Review của Úc đặt ra giả thuyết ông Putin sẽ cố đẩy căng thẳng hạt nhân lên cao để ép phương Tây lùi bước, một dạng “leo thang để xuống thang”. Vấn đề hiện nay là “leo thang để xuống thang” hay “leo thang để thắng”…
Nguồn: tuoitre.vn