Từng bị coi là những người “ăn bám” chồng, không tài cán, vị thế của những người giữ lửa trong gia đình ngày càng được thấu hiểu, xem trọng theo thời gian.
Năm 2010, người phụ nữ họ Wang (Trung Quốc) gặp và yêu người đàn ông họ Chen. Năm 2015, hai người kết hôn, Wang chủ yếu ở nhà làm nội trợ. 3 năm sau, cặp vợ chồng ly thân, cậu con trai duy nhất ở với mẹ, South China Morning Post đưa tin.
Đến năm 2020, Chen nộp đơn xin ly hôn lên tòa án ở Bắc Kinh. Ban đầu, Wang không muốn ly hôn, song sau đó quyết định đòi phân chia tài sản, yêu cầu Chen bồi thường do ông không làm việc nhà hay chăm sóc con cái. Wang còn cáo buộc chồng ngoại tình.
Dựa trên luật hôn nhân mới của Trung Quốc, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1, tòa phán quyết Chen phải gửi 300 USD/tháng tiền cấp dưỡng cho Wang nuôi con và 7.700 USD tiền công vợ nội trợ trong 5 năm hôn nhân.
Đây là lần đầu tiên những công việc nội trợ vốn không tên được công nhận giá trị về mặt luật pháp. Đồng thời, nó cũng khẳng định sự đóng góp, công sức của phụ nữ – những người “giữ lửa” trong gia đình song vốn bị xem thường, đánh giá thấp.
“Công việc” áp lực, khó khăn
Tại nhiều nước, đặc biệt là khu vực Á Đông, quan niệm “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” đã ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều thế hệ, ám chỉ việc phân công vai trò trong gia đình. Theo đó, đàn ông chịu trách nhiệm kiếm tiền, phụ nữ chăm lo nhà cửa.“Công việc” áp lực, khó khăn
Nấu ăn ngày 3 bữa, giặt giũ, ủi quần áo, chăm con, lau nhà, rửa bát, xếp chỗ nọ, dọn chỗ kia… Hàng loạt công việc nhỏ nhặt, không tên, cũng không được trả công luôn được mặc định dành cho người phụ nữ trong gia đình, lặp đi lặp lại với cường độ cao.
Trong mắt người ngoài, công việc của một bà mẹ toàn thời gian không cần đối mặt với áp lực nơi công sở, chẳng cần để ý sự soi mói của cấp trên, nhàn hạ ở trong nhà “nắng không đến mặt, mưa chẳng đến đầu”.
Tuy nhiên, chỉ những bà nội trợ, nhất là từng nuôi con nhỏ mới hiểu rằng vừa chăm con vừa làm việc nhà phức tạp và mệt mỏi như thế nào. Nó giống như một công việc đòi hỏi nhiều kỹ năng, từ bảo mẫu, dọn dẹp, đến giáo viên, đầu bếp, The Paper nhận định.
Mỗi ngày, các bà nội trợ quay cuồng với đủ việc không tên. |
Không chỉ vậy, nội trợ còn là một “công việc” có rủi ro cao, giống như việc ký hợp đồng giữa vợ và chồng.
Người đàn ông sẽ đảm nhiệm việc bên ngoài, người phụ nữ làm việc trong nhà. Tuy nhiên, phía nữ không được thống nhất về giờ giấc làm việc, tiền lương, bảo hiểm phúc lợi… Khi phá vỡ hợp đồng, người đàn ông về cơ bản không bị ảnh hưởng gì do có nhiều năm kinh nghiệm làm việc, còn người phụ nữ chẳng thể nào quay lại vị trí xuất phát.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ước tính rằng phụ nữ Trung Quốc dành gần 4 giờ làm việc không công mỗi ngày – gấp 2,5 lần nam giới và cao hơn mức trung bình, theo AFP.
Tương tự, ở Nhật Bản, các bà vợ dành thời gian làm việc nhà trung bình gấp 7 lần so với chồng. Theo cuộc khảo sát của Nippon, trong khi các ông chồng dành trung bình 37 phút để dọn dẹp, nấu nướng và các công việc nhà khác vào các ngày trong tuần thì các bà vợ mất 4 giờ 23 phút.
Ngay cả trong những ngày nghỉ, so với người chồng dành 1 giờ 6 phút cho việc nhà, những người vợ dành thời gian gấp 4 lần với 4 giờ 44 phút.
Thay đổi
Trường hợp của bà Wang như một tín hiệu đáng mừng trong vấn đề công nhận tầm quan trọng và giá trị công việc của những bà nội trợ.
Trên nhiều diễn đàn, có người còn cho rằng Wang được nhận bồi thường quá ít, bà có thể kiếm được số tiền đó nếu ra ngoài làm việc chỉ trong vòng nửa năm.
Theo luật hôn nhân mới của Trung Quốc, vừa được áp dụng trong trường hợp của bà Wang, bên nào phải làm nhiều việc nhà hơn, bao gồm nuôi dạy con cái, chăm sóc người lớn tuổi và hỗ trợ công việc của người còn lại sẽ có quyền yêu cầu bồi thường khi ly hôn.
Tương tự ở Italy, luật pháp quy định nếu người mẹ toàn thời gian không có lỗi trong vụ ly hôn, người chồng cần phải trả cho vợ một khoản chi phí sinh hoạt nhất định nếu ly hôn, cho đến khi cô ấy tìm được việc làm hoặc một người chồng mới.
Ngày càng nhiều đàn ông hỗ trợ vợ làm việc nhà, chăm sóc con cái để san sẻ gánh nặng. |
Những năm gần đây, công việc nội trợ của phụ nữ cũng nhận được nhiều sự cảm thông, trân trọng. Điều này còn được thể hiện ở xu hướng ngày càng nhiều đàn ông quyết định ở nhà làm nội trợ, chăm sóc con cái hay san sẻ nhiều hơn gánh nặng việc nhà với vợ.
Theo cuộc khảo sát của trang Teinei Tsuhan trên 250 nam và 250 nữ đang đi làm, độ tuổi 20-39 về sự phân công việc nhà, 72,8% đàn ông được khảo sát nói họ và vợ làm một lượng công việc nhà bằng nhau; 76,8% cho biết cùng vợ chăm con với thời gian tương đương.
Theo Bộ Lao động Hàn Quốc vào năm 2019, cứ 10 người làm nội trợ thì có 1 người là đàn ông. Số nam giới xin nghỉ việc để ở nhà chăm sóc con cũng tăng 21%.
Nguồn: vietnamnet