Trong lịch sử hoạt động cách mạng của Đảng ta, chưa bao giờ công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng lại được đặt ra cấp bách và khắc nghiệt như hiện nay. Vì sao vậy?
Trước hết, phải nói Đảng ta có một bề dày trưởng thành, lãnh đạo nhân dân giành được hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, lập nên những kỳ tích vẻ vang suốt hơn 87 năm qua. Tính đến nay, Đảng ta là một trong những Đảng Cộng sản lãnh đạo chính quyền có thời gian lâu dài nhất trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế (gần 72 năm). Nhưng trong 72 năm cầm quyền, có hơn nửa thời gian Đảng và Nhà nước ta phải lãnh đạo, tổ chức các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế. Biết bao hy sinh, tổn thất để có giang sơn thống nhất, vị thế quốc tế như ngày nay. Thời kỳ đổi mới, Đảng đã lãnh đạo đất nước vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Dày dạn, trưởng thành và thành tựu to lớn, nhưng phải đối đầu với những thách thức khắc nghiệt, vừa lâu dài, vừa cấp bách về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, cũng là điều dễ hiểu.
Thứ hai, Đảng ta chấp nhận kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế như một giải pháp quan trọng nhất, phù hợp quy luật khách quan của kinh tế-xã hội toàn cầu hóa để phát triển đất nước, đưa dân tộc thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một phương tiện để nhân dân ta vươn tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, một xã hội mọi người đều được làm chủ, tự do, ấm no, hạnh phúc. Thực hiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, cùng lúc vừa tiếp nhận mặt tích cực, sức mạnh thời đại, vừa phải chịu sức ép của xu thế toàn cầu hóa, các mặt trái, các tiêu cực, cả chính trị, kinh tế, xã hội,…
Ảnh minh họa |
Thứ ba, tác động từ khủng hoảng của chủ nghĩa xã hội sau sự sụp đổ của Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu. Các thế lực chống đối, thù địch lợi dụng sự phát triển của khoa học thông tin cổ súy cho lối sống “tự do, dân chủ”, hưởng thụ cá nhân, thực dụng, ích kỷ,…
Thứ tư, mặc dù rất quyết tâm, rất kiên trì, dành nhiều thời gian, công sức, rất chịu khó tìm tòi, học hỏi nhiều kinh nghiệm nước ngoài, công tác xây dựng Đảng vẫn còn nhiều bất cập, không những chưa ngang tầm nhiệm vụ, đủ sức lực, chủ động bằng các giải pháp xây dựng tốt hơn, “tự làm mới mình”, mà còn ít hiệu quả cả trong việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, biến chất; thậm chí có khi còn lúng túng, bị động đối phó,… Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng đã thẳng thắn chỉ rõ: “Công tác xây dựng Đảng còn không ít hạn chế, khuyết điểm. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, giảng dạy và học tập Chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh chưa đáp ứng yêu cầu. Nội dung sinh hoạt Đảng ở nhiều nơi còn đơn điệu, hình thức, hiệu quả chưa cao. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của không ít tổ chức đảng còn thấp, thậm chí có nơi mất sức chiến đấu. Công tác tổ chức cán bộ và quản lý cán bộ, đảng viên còn yếu kém. Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu, chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu; còn biểu hiện quan liêu, cửa quyền, chưa thật sự sâu sát thực tế, cơ sở. Công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái”.
Thứ năm, tình trạng suy thoái ở một bộ phận khá lớn cán bộ, đảng viên. Sự phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức của cán bộ, đảng viên không còn thường trực, thường xuyên trong bản thân mỗi người. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên khá phổ biến. Đây là nguyên nhân quan trọng nhất, đáng lo ngại nhất hiện nay trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Hiện nay, đội ngũ cán bộ, đảng viên chân chính của Đảng đang phải gồng mình chiến đấu trên cả hai mặt trận: Chống tham nhũng và chống suy thoái. Tính cấp bách và sự khắc nghiệt đòi hỏi công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải tiến hành cùng lúc hai nhiệm vụ sống còn ấy. Các thế lực thù địch, cho dù với nhiều âm mưu xảo quyệt thì cũng không thể làm khuynh đảo được một Đảng trưởng thành ngót gần một thế kỷ, thật sự gắn bó với vận mệnh dân tộc như Đảng ta, lại dễ dàng xa rời lý tưởng cách mạng của mình như đã từng xảy ra ở một số đảng cầm quyền trên thế giới. Đó là niềm tin vững chắc của đại đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt là phải tìm ra được giải pháp hữu hiệu, kiên trì, tìm khâu đột phá, tạo những cộng hưởng tích cực để làm chuyển biến tình hình, đẩy tới công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng để Đảng ngang tầm nhiệm vụ.
Phải chăng, lúc này, nói đi đôi với làm, suy nghĩ và hành động thiết thực, trách nhiệm trước Đảng, trước dân là một phẩm chất không thể thiếu của cán bộ, đảng viên. Đảng ta đã có cả chiều dài lịch sử vẻ vang không ai có thể phủ nhận: Đảng nói, dân hiểu, dân tin, dân làm theo; ý Đảng, lòng dân gặp nhau cùng một vectơ hành động. Bác Hồ của chúng ta là một tấm gương sáng ngời về lời nói đi đôi với việc làm. Vì vậy, hiện nay, học tập tư tưởng, đạo đức, tác phong Hồ Chí Minh là học cả ba nội dung, nhưng trước hết là học tác phong nói đi đôi với làm của Bác. Làm cách mạng phải có lý luận cách mạng dẫn đường. Để cứu nước, cứu dân, Bác Hồ đã phải bôn ba khắp chân trời, góc biển để tìm một con đường lý luận đúng đắn. “Tôi muốn đi ra nước ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”(1). Nhưng khi đã có “cái cẩm nang thần kỳ”, thì Người đi vào hành động cách mạng, tổ chức, động viên, tập hợp toàn dân tộc, cả sức mạnh dân tộc và trí tuệ của thời đại, đoàn kết thành một khối thống nhất, đứng lên làm cách mạng. Sự nghiệp của Đảng ta đối với dân tộc, trước kia, hiện nay và sau này là đi theo con đường ấy. Lý luận của chủ nghĩa nhân đạo, giải phóng loài người, đưa con người lên địa vị làm chủ xã hội phải được thể hiện trong thực tế cuộc sống. Bác Hồ là nhà lý luận chính trị rất đặc biệt, không phải là lý luận kinh viện, mà là lý luận thực hành. Bác nói: “Người biết lý luận mà không thực hành thì cũng vô ích. Học lý luận không phải để nói mép, nhưng biết lý luận mà không thực hành là lý luận suông. Học là để áp dụng vào việc làm”. “Chỉ có thực hành mới là mực thước đúng nhất cho sự hiểu biết của người về thế giới,… Duy vật biện chứng đã đặt thực hành lên trên hết. Sự hiểu biết không thể tách rời thực hành,… Thực hành cao hơn sự hiểu biết”(2). Người cho rằng, “hiểu chủ nghĩa Mác – Lê-nin là phải sống với nhau có tình có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác – Lê-nin”(3).
Một điều rất dễ nhận thấy là trong các tác phẩm của mình, những bài viết và nói, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất ít trích dẫn kinh điển. Nhưng mỗi lời nói, mỗi câu, ý viết ra, cách hành xử, quan hệ, việc làm của Bác, dù nhỏ nhất, bình thường nhất, đều toát lên sự tổng hợp trí tuệ uyên bác, vận dụng sáng tạo và toàn bộ nhân cách cao thượng của một con người. Nhiều thế hệ người Việt Nam, cả dân tộc Việt Nam tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh như một thần tượng vĩ đại của mình, bởi chính Bác đã hiến dâng, hy sinh cả cuộc đời cho dân tộc; vĩ nhân ấy sống mãi bởi tấm gương hành động. Học Bác, làm theo Bác, các bậc tiền bối, các thế hệ cha anh chúng ta, dù không có điều kiện học hành đầy đủ, nhưng với lòng yêu nước thiết tha, thương dân sâu sắc đã nêu những tấm gương sống, chiến đấu, hy sinh vì dân, vì nước. Nhân dân tin Đảng, theo Đảng chính vì những tấm gương ấy. Cơ đồ có được ngày nay của đất nước ta, sự nghiệp cách mạng ngày nay của Đảng ta cũng bắt nguồn từ dân tin Đảng, dân làm theo Đảng. Vấn đề mấu chốt hiện nay là chúng ta phải làm gì để dân tin Đảng, dân làm theo Đảng?
Thực tế, trong Đảng ta hiện nay, có không ít cán bộ, đảng viên nói không đi đôi với làm, nói và làm có những khoảng cách, thậm chí rất cách xa nhau, trái ngược nhau. Cán bộ nói một đường, làm một nẻo, nói không làm thì dân làm sao hiểu, làm sao tin để làm theo. Có những người ba hoa trình độ này, chức vụ nọ, nói lý luận thuộc làu theo sách vở, trích dẫn đủ Đông Tây, kim cổ, chứng minh, so sánh với văn hóa nước này, văn minh nước kia, nhưng lại không hiểu gì thực tế đang diễn ra trên đất nước. Họ thật sự là người vô cảm, ngoài cuộc, như ở hành tinh khác đến. Không ít người tự cho mình cái quyền được nói, “làm những điều tôi nói, không được nói điều tôi làm”. Không ít người mang danh Đảng để rao giảng, dạy dỗ người khác bằng những từ đại ngôn, các lời hoa mỹ, nhưng hành động, việc làm lại trái những nguyên tắc Đảng, thậm chí còn làm ô danh Đảng. Họ đòi quyền “tự do tư tưởng”, “mở rộng dân chủ”, truyền bá những quan điểm sai trái, đề cao người này, vùi dập người kia một cách vô lối, không có căn cứ, không đủ chứng minh. Thực chất, không phải họ thực tâm đóng góp cho Đảng, tôn vinh hay phủ định người này, người nọ; cái chính là để “đánh bóng”, đề cao chính mình, thậm chí nói để trốn tránh trách nhiệm, nói để che chắn cho việc làm tội lỗi. Tình trạng không còn cá biệt trong sinh hoạt Đảng hiện nay, thường xảy ra ba trạng thái: “Im lặng là vàng”, “một người nói, ít người nghe” và “nói theo chiều, tâng bốc nhau để tìm lợi ích”. Rất ít tiếng nói thể hiện chính kiến, thái độ đấu tranh. Nhiều nơi họ sinh hoạt chi bộ dường như không có thảo luận, góp ý; truyền đạt, phổ biến nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn từ cấp trên cũng “phô tô sẵn để tiết kiệm lời”; cuối năm kiểm điểm, đánh giá, xếp loại đảng viên cũng chỉ việc điền vào những khoảng trống để sẵn, tập thể dễ dàng thông qua để cùng nhau “trong sạch, vững mạnh”,… Đây cũng là điều báo động cho công tác xây dựng Đảng.
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), khi đề cập những biểu hiện thoái hóa về tư tưởng chính trị, đã thẳng thắn chỉ rõ: “Nói và viết không đúng với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nói không đi đôi với làm; hứa nhiều làm ít; nói một đường, làm một nẻo; nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác; nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc về hưu”. Đây thật sự là điều cực kỳ nguy hiểm. Đảng lãnh đạo toàn dân bằng đường lối, chủ trương, Nhà nước quản lý xã hội bằng chính sách, pháp luật. Nhưng mọi chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước lại được thực hiện thông qua tổ chức cơ sở đảng, các đoàn thể chính trị-xã hội và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Là cầu nối quan trọng nhất giữa Đảng với dân mà cán bộ, đảng viên nói và làm trái, nói một đường, làm một nẻo, thì làm sao Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý được toàn xã hội; cán bộ, đảng viên còn đâu vai trò gắn bó máu thịt, dẫn dắt toàn dân. Vì vậy, những vấn đề nêu trên không chỉ là biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, mà là biểu hiện tập trung nhất, biểu hiện rõ nhất của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Để củng cố lòng tin, nơi nhân dân đặt nhiều kỳ vọng, cùng với mặt trận chống tham nhũng đang được đẩy lên quyết liệt, Đảng ta quyết tâm tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Chắc chắn sẽ là gay go, phức tạp, không thể một sớm, một chiều. Nhưng, với niềm lạc quan qua nhiều thử thách, được nhân dân đồng tình ủng hộ, chúng ta vững tin vào “cuộc cách mạng tự thân” sẽ đi đến đích. Khâu đột phá, động lực thúc đẩy nằm ở ý thức tự giác, “tự chỉ trích” của Bộ Chính trị, từng đồng chí Ủy viên Trung ương, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp thật sự gương mẫu nói đi đôi với làm.
Nhân dân chờ mong ở Đảng, Đảng trông vào đội ngũ cán bộ, đảng viên sau hồi chuông cảnh tỉnh này sẽ bừng tỉnh trở lại chính mình để mỗi chúng ta mãi mãi xứng đáng với danh hiệu đảng viên, trong suy nghĩ, trong câu nói, việc làm đều có những lời thề khi giơ tay trước cờ Đảng tự nguyện đứng vào đội ngũ tiên phong để phấn đấu không ngừng, “mỗi ngày qua đi là thêm một lần vào Đảng”.
(1) . Hồ Chí Minh, tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr. 52.
(2). Hồ Chí Minh: Về Chủ nghĩa Mác Lênin, chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr 65,68.
(3) . Sđd.