Diện tích hồ tiêu tại xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước bị chết và nhiễm bệnh ở mức báo động, có trường hợp không thể tái tạo lại vườn.

Hồ tiêu chết đầy vườn

Những ngày đầu Xuân Kỷ Hợi 2019, xã Đắk Ơ – vùng trước đây trồng hồ tiêu trù phú nức tiếng ở miền biên giới Bù Gia Mập – nay là khung cảnh tiêu điều. Người trồng hồ tiêu buồn bã khi kể về một cái Tết với bao lo toan nợ nần. Sau khi ăn tết, nhiều nhà vườn mới vào vụ thu hoạch nhưng có hộ mất trắng vì hồ tiêu chết đầy vườn.

Hơn 2.000 trụ tiêu của bà Nguyễn Thị Lý, đội 2, thôn 9, xã Đắk Ơ thiệt hại hoàn toàn do tiêu nhiễm bệnh. Vườn hồ tiêu bà Lý trồng cách đây hơn 4 năm. Tiêu trồng 2 năm đã ra trái bói, năm thứ ba cho thu nhập. Tuy nhiên, tới năm thứ tư, vườn tiêu chuyển sang màu vàng úa và chết dần. Đến nay, vườn tiêu không còn khả năng hồi phục.

Xã Đắk Ơ có 530 ha hồ tiêu bị nhiễm bệnh, trong đó có 230 ha bị xóa sổ do tiêu nhiễm bệnh bị chết.

Bà Lý cho biết, không hiểu nguyên nhân tiêu bị nhiễm bệnh là do đâu. Bà tham gia hầu hết các cuộc hội thảo, mua thuốc cứu chữa vườn hồ tiêu nhưng tiêu cứ úa vàng rồi chết còn trơ trụ gốc.

Nhà nông Quang Thị Đồ, thôn 9, xã Đắc Ơ với hơn 4.000 trụ tiêu bị nhiễm bệnh đang chết đến 70%. Bà Đồ vay ngân hàng lên đến 3 – 4  tỷ đồng đầu tư vườn hồ tiêu. Nhưng đến nay, vườn tiêu chết lây lan từ trụ này sang trụ khác.

Khổ nhất là hộ gia đình ông Điểu Pré (người dân tộc S’tiêng), thôn Bù Bưng, xã Đắk Ơ với hơn 4.000 trụ hồ tiêu thì đã có trên 2.000 trụ nhiễm bệnh chết héo. Vào vụ thu hoạch năm nay, ông Điểu Pré cùng người vợ cặm cụi hái những hạt tiêu chưa kịp chín nhưng cây đang héo vàng, hạt khô, rụng trong cái nắng gắt hơn 35 độ C ở Bình Phước. Hiện diện tích vườn tiêu đã nhiễm bệnh tiếp tục lan rộng.

Gia đình ông Điểu Pré chỉ có duy nhất vườn hồ tiêu này là kế sinh nhai. Thế nhưng, vườn tiêu xác sơ, giảm năng suất, giá tiêu giảm mạnh khiến gia đình gặp nhiều khó khăn. Hiện gia đình Điểu Pré còn nợ vay ngân hàng hơn 1 tỷ đồng chưa trả.


Gia đình ông Điểu Pré (dân tộc S’tiêng) ở thôn Bù Bưng có hơn 4.000 trụ hồ tiêu thì có hơn 2.000 trụ bị nhiễm bệnh chết.

Bình Phước nổi tiếng cả nước về “thủ phủ” điều. Tuy nhiên, hồ tiêu thuộc top đầu cả nước với diện tích trồng hơn 17.000 ha, vượt trên 2.000 ha so với quy hoạch. Riêng vùng chuyên canh Đắk Ơ là 1.540 ha.

Khảo sát cuối tháng 1/2019 tại xã Đắk Ơ có tới 530 ha hồ tiêu bị nhiễm bệnh; trong đó, 230 ha bị xóa sổ. Hàng trăm ha tiêu khác đang lây lan bệnh chết chậm. Nếu không có phương pháp cứu chữa kịp thời, nguy cơ xóa sổ vùng chuyên canh hồ tiêu tại Đắk Ơ là khó tránh khỏi.

Trong khi đó, phần lớn nhà nông ở Đắk Ơ trồng hồ tiêu đều vay vốn hỗ trợ ngân hàng. Đây là bài toán khó để duy trì sản xuất; trong khi giá hồ tiêu vào vụ thu hoạch 2019 “ rớt thê thảm” chỉ còn dưới 45.000 đồng/kg.

Thiếu kiểm soát vườn hồ tiêu

Đứng trước nguy cơ xóa sổ vùng chuyên canh hồ tiêu tại Đắk Ơ, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Phước phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Viện Hàn Lâm –  Khoa học – Công nghệ Việt Nam tổ chức đợt khảo sát tới nhà vườn có hồ tiêu bị chết để nghiên cứu giải pháp, tìm phương án giúp người trồng hồ tiêu.

Thạc sỹ Thân Quốc An Hạ, Viện Khoa – Công nghệ ứng dụng (Viện Hàn lâm Khoa học- Công nghệ Việt Nam) đến vườn đào hàng chục gốc hồ tiêu bị chết, tiêu đang nhiễm bệnh để tìm hiểu nguyên nhân. Ông Hạ phát hiện vấn đề lớn hộ trồng tiêu đang đối mặt là: đất đai và hệ thống tiêu thoát nước kém.

Theo Thạc sỹ Hạ, hồ tiêu trồng từ 1-3 năm đầu trong giai đoạn rễ còn mạnh và ăn ở tầng nông, cây nuôi lá nên tiêu còn khỏe mạnh. Nhưng sang năm thứ 3 và 4 rễ ăn sâu vào tầng đất, do nhiều nguyên nhân như thiếu dinh dưỡng, đất khô cằn, chai cứng rễ non không phát triển tiến sâu vào tầng đất dẫn đến chậm quá trình trao đổi chất. Từ đó, cây tiêu suy kiệt, chết dần.

Bên cạnh đó, nhiều vườn hồ tiêu chết do nông dân thiếu kỹ thuật thoát nước như khuyến cáo. Bởi vậy, khi mưa gây ngập vườn, thoát nước kém dẫn đến nấm bệnh bùng phát, sau đó tấn công vào các gốc tiêu dẫn đến nhiễm bệnh chết nhanh.

Ông Thân Quốc An Hạ cho rằng, trường hợp các vườn tiêu vẫn được trồng tràn lan, thiếu áp dụng khoa học kỹ thuật và kiểm soát vườn, thì người nông dân sẽ còn đối diện với thực trạng tiêu cứ trồng sau 2-3 năm là bị chết và hiện tượng này vẫn diễn ra theo từng năm.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước Lê Thị Ánh Tuyết, ba năm gần đây, phong trào mở rộng diện tích trồng hồ tiêu trên địa bàn tỉnh tăng nhanh từ hơn 14.000 ha tăng lên trên 17.000 ha, vượt hơn 2.000 ha so quy hoạch. Ba, bốn năm trở về trước, giá hồ tiêu cao, nhà nông lãi lớn nên đua nhau trồng, mở rộng diện tích.

Sự đầu tư “may rủi” dẫn đến vỡ quy hoạch và khó kiểm soát kỹ thuật trồng. Các hộ trồng tràn lan nên có vùng đất sét khô cứng, có vùng thiếu nước và không phù hợp thổ nhưỡng, thiếu kỹ thuật chăm sóc khiến nhiều diện tích hồ tiêu mất dần kiểm soát dẫn đến nhiễm bệnh, chết trên diện rộng. Bà Tuyết đề xuất, thời gian tới phải tổ chức rà soát, quy hoạch vùng trồng được hồ tiêu, vùng không nên trồng.

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Phước Hà Anh Dũng dẫn đầu đoàn khảo sát về dịch bệnh trên cây hồ tiêu lên tiếng “đặt hàng”  các nhà khoa học vào cuộc nghiên cứu hỗ trợ nông dân. Ông Dũng cho biết, cần có giải đáp kỹ thuật căn cơ, sát với bối cảnh nhà nông đang cần nhất để đưa ra phương án cụ thể cứu nhà vườn trồng hồ tiêu. Cách làm này mới cứu được nhà nông, duy trì vùng chuyên canh hồ tiêu của tỉnh – một trong những loại cây trồng thế mạnh của tỉnh.

Hội Nông dân tỉnh Bình Phước cũng đề xuất, trước mắt, ngân hàng cần xem xét giãn nợ “cứu” nhà nông tại điểm nóng Đắk Ơ. Bởi phần lớn người trồng đang nợ ngân hàng tiền vay đầu tư vào các vườn hồ tiêu, nhưng nay cây tiêu đang sống “lay lắt” trên vùng đất đỏ này.

Tin, ảnh: Dương Chí Tưởng (TTXVN)

Từ khóa : BÌNH PHƯỚClao đao hồ tiêunhiễm bệnhtiêu chết

Các tin liên quan đến bài viết