“Các lực lượng an ninh ở Myanmar đã bước sang một giai đoạn mù quáng và bạo lực chết chóc mới khi tiếp tục sử dụng vũ khí để chống lại dân thường, bao gồm cả những trẻ còn rất nhỏ”, ông Jean-Yves Le Drian nêu quan điểm ngày 29-3.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian là quan chức ngoại giao phương Tây mới nhất lên tiếng về tình hình bạo lực ở Myanmar. Tuyên bố được đưa ra sau khi Liên Hiệp Quốc công bố thống kê cho thấy 107 người, trong đó có 7 trẻ em, đã thiệt mạng trong ngày 27-3.
Quân đội Myanmar đã đánh dấu kỷ niệm 76 năm thành lập bằng một cuộc duyệt binh trong ngày 27-3, đi kèm với những cam kết sẽ tôn trọng dân chủ và bảo vệ người dân từ thống tướng Min Aung Hlaing. Tuy nhiên, bạo lực vẫn tiếp diễn khi các cuộc biểu tình nổ ra trên khắp Myanmar trong cùng ngày.
Truyền thông nhà nước Myanmar xác nhận chỉ có 45 người chết và bảo vệ hành động của lực lượng an ninh, cáo buộc người biểu tình đã chống trả bằng bom xăng và súng tự chế.
“Các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu và đối tác quốc tế đã được áp đặt. Tôi kêu gọi tất cả các lực lượng Myanmar phá vỡ thế bế tắc mà họ đang đẩy đất nước của mình vào đó, chấm dứt bạo lực, thả vô điều kiện và ngay lập tức tất cả các tù nhân chính trị”, Hãng thông tấn AFP trích lời ngoại trưởng Pháp ngày 29-3.
Theo ông Le Drian, “Myanmar đang chìm sâu hơn trong thảm kịch”. Ông nhấn mạnh Pháp sẽ không từ bỏ các nỗ lực phối hợp với những nước khác để “hỗ trợ nguyện vọng chính đáng của người dân Myanmar”.
Trong diễn biến khác liên quan, Bộ Ngoại giao Na Uy ngày 29-3 đã kêu gọi tất cả công dân của nước này rời khỏi Myanmar vì bạo lực gia tăng. Telenor, một nhà khai thác mạng viễn thông của Na Uy, xác nhận có 2 nhân sự cấp cao vẫn còn ở lại Myanmar.
“Không có gia đình họ đi cùng. Đây là những người có vị trí quan trọng, đảm bảo hoạt động của Telenor Myanmar”, công ty này giãi bày.
Theo Hãng tin Reuters, không chỉ có bạo lực trong các cuộc biểu tình, Myanmar còn chứng kiến các vụ đụng độ mới giữa quân đội và các nhóm vũ trang dân tộc thiểu số (EAO) ở biên giới. Chiến sự tại bang Karen giáp Thái Lan đã đẩy hàng ngàn người chạy sang bên kia biên giới ngày 28-3.
Trong một tuyên bố ngày 29-3, Thichai Jindaluang, người đứng đầu tỉnh Mae Hong Son, bác bỏ đoạn video binh sĩ Thái Lan chặn dòng người chạy nạn và đẩy lùi họ về phía đất Myanmar. Truyền thông Thái Lan trước đó đưa tin những người tị nạn từ Myanmar đã được đưa tới các khu vực an toàn tại quận Mae Sariang và Sop Moei của Mae Hong Son.
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha trong cùng ngày 29-3 khẳng định sẵn sàng tiếp nhận người tị nạn và bác bỏ những cáo buộc nói Thái Lan đang hỗ trợ chính quyền quân sự Myanmar.
Nguồn: tuoitre.vn