Nga đã triển khai những lực lượng tinh nhuệ và các khí tài tiên tiến như tổ hợp phòng không S-400 tới khu vực xung quanh cây cầu nối giữa đất liền Nga và bán đảo Crimea, nhằm bảo vệ công trình huyết mạch trước những mối đe dọa bị lực lượng bên ngoài tấn công.

Cây cầu nối đất liền Nga với bán đảo Crimea (Ảnh: RT)
Cây cầu nối đất liền Nga với bán đảo Crimea (Ảnh: RT)

Ngày 15/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tham dự lễ khánh thành cây cầu nối giữa đất liền Nga với bán đảo Crimea. Đây được xem là sự kiện đánh dấu “thời khắc tái thống nhất” của Crimea với Nga, sau khi 4 năm trước người dân bán đảo này đã đồng thuận tái sáp nhập lại với Moscow thông qua trưng cầu dân ý.

Ngoài ý nghĩa về mặt lịch sử, cây cầu kết nối Nga Crimea mang lại ý nghĩa to lớn về mặt giao thông và kinh tế, là tuyến đường huyết mạch nối vùng bán đảo đang chịu hàng loạt cấm vận, thúc đẩy hoạt động thu hút khách du lịch, giảm giá lương thực và giảm thiểu sự phụ thuộc vào giao thông đường biển.

Tuy nhiên, việc Nga xây dựng cây cầu thế kỷ dường như là động thái khiến phương Tây và Ukraine “nóng mặt”. Gần đây, nhà báo Mỹ Tom Rogan thậm chí đã “xúi” Ukraine đánh sập cây cầu mới được khánh thành vì công trình này là “một sự sỉ nhục rõ ràng tới uy tín của Ukraine với tư cách là một quốc gia”. Theo giới chuyên gia, Nga đã và đang triển khai “tầng tầng, lớp lớp” bảo vệ cho cây cầu thế kỷ nhằm chống lại những âm mưu phá hoại từ lực lượng bên ngoài.

Tổ hợp phòng không S-400 (Ảnh: Tass)
Tổ hợp phòng không S-400 (Ảnh: Tass)

Theo Tass, Nga vào tháng 10 năm ngoái đã điều động một lữ đoàn hải quân thuộc lực lượng Vệ binh Quốc gia nhận nhiệm vụ bảo vệ cầu Kerch khỏi những mối đe dọa. Ngoài ra, lực lượng này còn có nhiệm vụ bảo vệ những khu vực biển và đất liền xung quanh cây cầu. Interfaxcho biết lực lượng trên đã được trang bị các hệ thống khí tài đa dạng bao gồm các tàu hiện đại, hệ thống dò và định vị âm thanh. Nga cũng đã lên kế hoạch chế tạo một cấu trúc thủy lực đặc biệt giống như trụ cầu nhằm chống các hành vi cố ý đâm và phá hoại công trình này. Đây là dự án do Viện Nghiên cứu và Phát triển Atoll đề xuất và tiến hành nghiên cứu.

Nga được cho là đã triển khai hệ thống phòng thủ dày đặc và hiện đại xung quanh khu vực. Theo nhiều nguồn tin, Nga có thể đang sử dụng tổ hợp robot “Chim cánh cụt”, thiết bị lặn không người lái chuyên có nhiệm vụ tuần tra phát hiện mìn và thợ lặn đối phương ở khu vực biển Azoz.

Theo RT, Nga cũng đã triển khai hệ thống phòng không “rồng lửa” S-400, tổ hợp tên lửa đất đối không Buk và Tor tới khu vực lân cận.

Cùng lúc đó, Moscow được cho là thiết lập vùng “chống tiếp cận/chống xâm nhập” (A2/AD) ở quanh cầu Kerch trong những năm qua. Vùng A2/AD là khu vực được trang bị nhiều lớp và nhiều cấp phòng thủ nhằm chống lại sự xâm nhập quân sự từ đường không, đường biển và đường bộ.

Ngoài trang bị các tổ hợp S-400 ở khu vực Sevastopol hay phía đông Crimea, Moscow được cho là đã trang bị cho Crimea hệ thống chống máy bay không người lái nhằm giảm thiểu mối đe dọa bị tấn công bởi thiết bị này.

Chính quyền Crimea dường như cũng đã thành lập một nhóm chuyên có nhiệm vụ phát triển hệ thống an ninh toàn diện trên cầu. Hệ thống này sẽ có nhiệm vụ đảm bảo quá trình vận hành cầu trơn tru cũng như quy trình chuyển nhiên liệu và điện từ đất liền Nga ra Crimea không bị gián đoạn.

Đối với chính quyền Nga và người dân Nga, việc sáp nhập bán đảo Crimea và xây dựng cây cầu nối Nga – Crimea là một biểu tượng của lòng tự tôn dân tộc và tinh thần yêu nước dù vì quyết định này mà Moscow đã bị phương Tây ban hành lệnh nhiều lệnh trừng phạt. Việc cây cầu vẫn được xây dựng và thậm chí hoàn thành trước tiến độ được xem là thông điệp “sắt đá” Nga phát đi rằng dù bị cấm vận, Nga vẫn sẽ xây dựng cây cầu lịch sử bằng mọi giá.

Theo Dân Trí

Từ khóa : cầu CrimeaCrimeaNgaS-400

Các tin liên quan đến bài viết