Các đại diện Mỹ dự kiến sẽ thể hiện lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc trong hội nghị song phương cấp cao ở Alaska tuần này và không kỳ vọng quá cao về kết quả đạt được, theo lời một số quan chức ở Washington.

Cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và những người đồng cấp Trung Quốc tại Anchorage, Alaska vào ngày 18/3 giờ địa phương (ngày 19/3 giờ Việt Nam) sẽ đánh dấu cuộc đối thoại song phương đầu tiên giữa chính quyền của tân Tổng thống Joe Biden với Bắc Kinh, trong bối cảnh hai bên tiếp tục đối đầu về nhiều vấn đề, từ Hong Kong đến an ninh hàng hải và chính sách kinh tế.

Mỹ sẽ 'rắn' với Trung Quốc tại cuộc đối thoại đầu tiên thời ông Biden?

Đại diện phía Bắc Kinh sẽ là Ủy viên Bộ Chính trị Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Vương Nghị. Về phía Mỹ, ngoài Ngoại trưởng Blinken còn có sự góp mặt của Cố vấn An ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan. Washington không tiết lộ bên nào đưa ra yêu cầu đối thoại trước tiên, dù Bắc Kinh tuần trước tuyên bố sự kiện được dàn xếp theo đề xuất từ chính quyền Biden.

Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng dẫn lời một quan chức cấp cao trong chính quyền Biden tiết lộ, các cuộc đối thoại ở Anchorage chỉ được coi như đợt thảo luận đầu tiên nhằm gia tăng hiểu biết giữa hai bên về “các lợi ích, ý định và ưu tiên”. Phía Mỹ không kỳ vọng đạt được bất kỳ kết quả đàm phán cụ thể nào và dự kiến sẽ không ra tuyên bố chung với Trung Quốc sau đó.

Theo một quan chức khác, chính quyền Biden đặc biệt lưu ý đến việc Bắc Kinh trước đây ít khi giữ đúng các cam kết của họ với Washington.

Bất chấp kỳ vọng thấp đối với những hứa hẹn từ Bắc Kinh, các quan chức Mỹ tin chính quyền Biden sẽ tham gia đối thoại ở Alaska với ưu thế ngày càng tăng, khi xứ sở cờ hoa đang đạt được nhiều tiến bộ trong cuộc chiến chống Covid-19 cùng những nỗ lực khôi phục liên minh với các đối tác toàn cầu.

Quan chức thứ nhất nói, Washington sẽ vạch ra một số lĩnh vực cụ thể mà họ muốn Bắc Kinh cần phải xúc tiến thay đổi trước khi có thể cải thiện quan hệ song phương, bao gồm cả hành động “cưỡng ép kinh tế” đối với các đồng minh của Mỹ như Australia. Ông Blinken và ông Sullivan dự kiến cũng đề cập đến công nghệ, hành động của Trung Quốc ở Biển Đông…

Quan chức trên cho biết thêm, Washington sẽ tìm cách dập tắt niềm tin của một số người ở Bắc Kinh rằng có sự khác biệt giữa những gì chính quyền Biden tuyên bố trước công chúng và thông điệp của họ đằng sau những cánh cửa đóng kín.

Dù sự kiện diễn ra cách xa thủ đô của hai nước hàng nghìn kilômét, các quan chức Mỹ đều nhấn mạnh đến ý nghĩa biểu tượng của địa điểm tổ chức. Danny Russel, người từng làm Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương thời cựu Tổng thống Barack Obama cho rằng, việc lựa chọn Anchorage mang tính chiến lược, ám chỉ chính quyền Biden mong muốn cuộc họp diễn ra trên đất Mỹ và theo các điều kiện của Mỹ.

Báo Politico đưa tin, phía Trung Quốc tỏ ra không vui với khả năng họ phải đệ trình xét nghiệm Covid-19 trước khi gặp những người đồng cấp Mỹ, theo các khuyến nghị áp dụng với những du khách đến Alaska. Các kế hoạch rò rỉ đầu tuần này cũng cho thấy, hai đoàn đại biểu sẽ không dùng bữa cùng nhau ở Anchorage dù tổ chức tiệc chào mừng đã trở thành thông lệ trong những sự kiện ngoại giao cấp cao như vậy.

Một nguồn thạo tin nói, mọi thứ đã được lên lịch một cách hết sức cẩn thận.

Ngoài ra, việc ông Blinken và ông Sullivan gặp các đại diện Bắc Kinh ngay sau các chuyến công du đến Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc dường như nhằm gửi một thông điệp mạnh mẽ rằng, Mỹ đã tham vấn và sẵn sàng cùng các đồng minh, đối tác quan trọng ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương phối hợp chống lại những hành vi bị tố là sai trái của Bắc Kinh.

Phát biểu trước các phóng viên hôm 16/3, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki thừa nhận, cuộc đối thoại Mỹ – Trung nhiều khả năng sẽ có những phần đối thoại “khó khăn”. Cho đến thời điểm cận kề đối thoại, căng thẳng giữa hai bên vẫn chưa có dấu hiệu dịu bớt.

Chính quyền Biden đang duy trì chính sách áp thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Trung Quốc có từ thời Tổng thống tiền nhiệm Donald Trump. Washington cũng tỏ rõ ý định sẽ không nhượng bộ Bắc Kinh để đổi lấy sự hợp tác về các vấn đề quan tâm chung như chống biến đổi khí hậu hay giải trừ hạt nhân.

Tại cuộc họp báo sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Nhật hôm 16/3, Ngoại trưởng Mỹ Blinken tái nhắc lại cáo buộc Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế thông qua những yêu sách phi lý về chủ quyền và hàng hải ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.

“Chúng tôi đã thống nhất tầm nhìn về một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở, nơi các quốc gia tuân theo các quy tắc, hợp tác bất cứ khi nào có thể và giải quyết những khác biệt một cách hòa bình. Đặc biệt, chúng tôi sẽ cùng ra tay đẩy lui nếu cần thiết, khi Trung Quốc sử dụng các biện pháp ép buộc hoặc gây hấn để giành thứ họ muốn”, ông Blinken nhấn mạnh.

Đáng chú ý, một ngày trước sự kiện quan trọng ở Alaska, chính quyền Biden đã công bố trừng phạt kinh tế 24 quan chức Trung Quốc ở đại lục và Hong Kong liên quan đến việc Bắc Kinh thông qua cải tổ hệ thống bầu cử tại đặc khu. Trong tuyên bố phát đi ngày 17/3, ông Biden cho hay, các biện pháp trừng phạt mới nhằm nêu bật “mối quan ngại sâu sắc” của Mỹ trước động thái mới nhất của Bắc Kinh, vốn “đơn phương làm xói mòn hệ thống bầu cử cũng như tiếp tục làm suy yếu mức độ tự trị từng được hứa hẹn cho Hong Kong”.

Giới quan sát đánh giá, diễn biến một lần nữa phản ánh cách tiếp cận cứng rắn của chính quyền Biden trước Trung Quốc và việc họ có thể gia tăng sức ép khi đặt lên bàn đàm phán những vấn đề nhạy cảm, đang kéo căng quan hệ song phương, dù sẵn sàng hợp tác với Bắc Kinh ở các lĩnh vực khác.

Ngược lại, dù bày tỏ hy vọng cuộc đối thoại ở Anchorage sẽ mang đến cơ hội để “đưa quan hệ Mỹ – Trung trở lại đúng hướng”, Bắc Kinh cũng cảnh báo về những “lằn ranh đỏ” mà đối phương không thể xâm phạm. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên yêu cầu Washington ngưng can thiệp vào Hong Kong và các vấn đề nội bộ khác của Trung Quốc.

Tuy nhiên, Zhiqun Zhu, chuyên gia về khoa học chính trị và quan hệ quốc tế thuộc Đại học Bucknell nhận định, việc Trung Quốc cử hai quan chức cấp cao đến Alaska cho thấy Bắc Kinh coi trọng cuộc tiếp xúc đầu tiên với chính quyền Biden. Vì vậy, họ nên tận dụng dịp này để đưa ra một danh sách mà phía Mỹ có thể hợp tác.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : đối thoạiMỹông Bidentrung quoc

Các tin liên quan đến bài viết