Chính quyền Mỹ vừa công bố chiến lược châu Phi mới, tập trung vào tạo đối trọng với chính sách lấn át của Trung Quốc và Nga tại lục địa đen.

Mỹ cạnh tranh với  Trung Quốc, Nga ở châu Phi - Ảnh 1.

Ông John Bolton (phải) gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 10-2018

Hãng tin Reuters ngày 13-12 dẫn lời cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton cho biết ưu tiên số 1 của Washington là phát triển quan hệ kinh tế với châu Phi theo sáng kiến “Châu Phi phồn vinh”, để tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Mỹ và bảo vệ sự độc lập của các quốc gia tại khu vực cũng như lợi ích của Mỹ.

Tầm nhìn của Mỹ tại châu Phi là “Một khu vực độc lập, tự chủ – Không phụ thuộc, thống trị và không nợ”.

Chê Nga, trách Trung Quốc

Chính sách được thông qua trong tuần và Washington sẽ lập tức triển khai kế hoạch. Phát biểu tại Quỹ Di sản có trụ sở ở Washington, ông Bolton khẳng định quan hệ thương mại Mỹ – châu Phi phải có lợi cho cả hai phía.

Ông Bolton cũng cho biết Mỹ đang xem xét chương trình hỗ trợ nước ngoài sẽ giúp tạo các kênh để hỗ trợ châu Phi.

“Quan trọng hơn hết, chiến lược đúng với cam kết tranh cử của Tổng thống Donald Trump là đặt người Mỹ lên trên hết, ở trong nước lẫn nước ngoài” – ông Bolton nhấn mạnh.

“Các đối thủ lớn, là Trung Quốc và Nga, đang nhanh chóng bành trướng ảnh hưởng chính trị và kinh tế khắp châu Phi. Theo cách hùng hổ và có chủ đích, họ đang nhắm vào các khoản đầu tư tại khu vực để giành lợi thế cạnh tranh với Mỹ” – ông Bolton nêu đích danh Nga và Trung Quốc.

Cố vấn an ninh Mỹ còn chỉ trích Bắc Kinh đưa hối lộ, tạo các thỏa thuận mờ ám và lợi dụng các khoản nợ để buộc châu Phi phục tùng các yêu cầu, lấy ví dụ việc Trung Quốc chuẩn bị thâu tóm công ty điện quốc gia của Zambia để trừ bớt khoản nợ 10 tỉ USD, hay Djibouti sắp trao cảng Doraleh trên Biển Đỏ cho Bắc Kinh.

Các dự án của Trung Quốc cũng không đáp ứng được tiêu chuẩn môi trường và đạo đức, theo ông Bolton.

Trước đó, Mỹ cũng nhiều lần cáo buộc Trung Quốc tạo các khoản nợ không bền vững thông qua các dự án hạ tầng quy mô lớn ở các nước.

Sáng kiến Vành đai – con đường của Trung Quốc, công bố năm 2013, nhắm tới việc kết nối mạng lưới hạ tầng biển và đất liền với Đông Nam Á, Trung Á, Trung Đông, châu Âu và châu Phi.

Trong khi đó, Nga bị cho là phát triển quan hệ kinh tế – chính trị với châu Phi bất chấp luật pháp và đổi phiếu bầu tại Liên Hiệp Quốc lấy các thỏa thuận bán vũ khí, năng lượng cho các nước trong khu vực.

Theo cố vấn an ninh Mỹ, lá phiếu của Nga đã giúp các nhà lãnh đạo châu Phi níu giữ quyền lực, phá hoại hòa bình và an ninh, đi ngược lại lợi ích của người dân châu Phi.

Liệu Mỹ có tốt hơn?

Tuy nhiên, giới phân tích đặt câu hỏi việc Mỹ khuếch trương lợi ích quốc gia ở châu Phi liệu có khác gì với chính sách của Nga và Trung Quốc. Trong hai thập kỷ qua, Mỹ đã cung cấp hơn 16 tỉ USD viện trợ cho châu Phi.

Ngoài ra, Washington cũng khẳng định sẽ không vung tiền dễ dãi ở châu Phi và các chiến dịch gìn giữ hòa bình mà nước này cho là “không thành công và không hiệu quả”, thay vào đó sẽ để “các nước châu Phi tự nắm giữ an ninh và hòa bình khu vực” – ông Bolton cho biết.

Tuyên bố trên đã cho thấy chủ trương gia tăng sự hiện diện của Mỹ tại châu Phi.

Trước đó, Quốc hội Mỹ thông qua “Đạo luật sử dụng hiệu quả hơn các khoản đầu tư phát triển” (BUILD), vốn được coi là sáng kiến quan trọng nhất của Washington đối với châu Phi dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Theo quy định của BUILD, Công ty Đầu tư tư nhân nước ngoài (OPIC) sẽ được chuyển thành Tập đoàn Tài chính phát triển quốc tế Mỹ (USIDFC) với ngân sách 60 tỉ USD, gấp đôi ngân sách hiện tại của OPIC.

Đặc biệt, USIDFC sẽ là chủ sở hữu trong các khoản đầu tư – thẩm quyền mới trước đó chưa được giao cho OPIC.

Cố vấn Bolton cũng cho biết Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ những nỗ lực chống lại các tổ chức khủng bố như Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), Al Qaeda và các chân rết khủng bố trên lục địa đen.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : MỹNgaquan hệ thương mạitrung quoc

Các tin liên quan đến bài viết