”Ngành công nghiệp đẻ thuê” ngày càng bùng nổ, đặc biệt tại Georgia hay Mexico, do thị trường mang thai hộ lớn thứ hai thế giới là Ukraine đang trong tình trạng xung đột.
Thị trường “mang thai hộ” đang chuyển sang các quốc gia khác như Georgia hay Mexico, khi Ukraine bất ổn
Theo Đài CNBC, những năm gần đây việc mang thai hộ đã dần bị thương mại hóa và trở thành một “ngành công nghiệp”, trong đó người phụ nữ nhận ủy thác và một khoản chi phí từ một cặp vợ chồng khác để mang thai và sinh con cho họ.
Chị Dilara (34 tuổi), một phụ nữ góa bụa ở Uzbekistan, đã đến thành phố Tbilisi, thủ đô Georgia, vài tháng trước để tìm kiếm cơ hội thực hiện một “thương vụ đẻ thuê”.
“Tôi còn một khoản vay ở ngân hàng chưa thể trả, học phí cũng như hàng tá chi phí khác của 4 đứa nhỏ. Một mình tôi gồng gánh 4 đứa trẻ thật sự rất khó khăn”, chị Dilara giãi bày với Đài CNBC.
Công ty tư vấn nghiên cứu thị trường Global Market Insights cho biết ngành công nghiệp mang thai hộ toàn cầu đạt giá trị khoảng 14 tỉ USD trong năm 2022. Tuy nhiên, con số này chỉ là ước tính vì có rất nhiều những “thương vụ ngầm”.
Các chuyên gia dự đoán đến năm 2032 con số này sẽ tăng lên đến mức khoảng 129 tỉ USD. Vô sinh, hôn nhân đồng giới và chủ nghĩa độc thân là các nguyên nhân chính.
Bên cạnh đó, ông Sam Everingham, giám đốc toàn cầu của nhóm hỗ trợ mang thai hộ Sydney có trụ sở tại Úc, cho biết đại dịch COVID-19 đã làm giảm các hoạt động mang thai hộ xuyên biên giới. Giờ đây, khi đại dịch dần đi đến kết thúc, ngành công nghiệp này đang dần trở lại bùng nổ hơn bao giờ hết.
Một nữ hộ sinh đang chăm sóc các trẻ được “đẻ thuê” dưới hầm trú ẩn ở thủ đô Kiev, Ukraine
Ukraine – thị trường “đẻ thuê” lớn thứ hai thế giới
Cho đến năm 2022, Ukraine vẫn là thị trường mang thai hộ lớn thứ hai thế giới sau Mỹ, thu hút những người nước ngoài mong muốn được làm cha, mẹ với mức phí tương đối thấp và khung pháp lý không quá khắt khe.
Một “thương vụ” đẻ thuê ở Georgia và Ukraine có giá khoảng 40.000 – 50.000 USD, trong khi ở Mexico là 60.000 – 70.000 USD, đều khá rẻ so với mức 120.000 USD ở Mỹ.
Điều quan trọng nhất giúp Ukraine trở thành thị trường “đẻ thuê” lớn là việc cha mẹ (người trả tiền thuê đẻ) của đứa trẻ được ghi tên trên giấy khai sinh của em bé, chứ không phải người mang thai hộ.
Thế nhưng một năm qua, cuộc xung đột Nga – Ukraine đã đẩy mạnh thị trường này sang quốc gia lân cận Georgia, nơi có luật pháp về việc mang thai hộ tương tự Ukraine. Cùng lúc, thị trường mang thai hộ ở Mexico và một số nước Mỹ Latin cũng trở nên mạnh mẽ.
Nguồn thu nhập của phụ nữ và vấn đề đạo đức
Sự bùng nổ của “ngành công nghiệp mang thai hộ” toàn cầu đã thúc đẩy sự gia tăng nhu cầu về người đẻ thuê, từ đó thu hút nhiều phụ nữ với lời hứa hẹn về mức thu nhập khá.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều trường hợp bất công khi người “đẻ thuê” chỉ nhận được chưa đến 1/4 trong số hàng chục nghìn USD được thỏa thuận trước đó với cha mẹ của đứa trẻ.
Chị Dilara cho biết các bác sĩ sẽ lấy 50.000 – 60.000 USD từ cha mẹ của đứa bé, và người mang thai hộ sẽ được nhận 12.000 – 20.000 USD.
Những người phụ nữ đẻ thuê cho rằng tỉ lệ như vậy là chưa thực sự công bằng, nhưng theo các công ty môi giới, mức phí này là “hoàn toàn phù hợp” bởi chính các công ty này phải trả các chi phí y tế, ăn, ở của người mang thai hộ trong những tuần cuối cùng của thai kỳ.
“Ngành công nghiệp” này cũng tạo ra những tranh cãi lớn về vấn đề đạo đức bởi việc mang thai hộ đang lợi dụng những người gặp khó khăn về tài chính.
Một số quốc gia hiện đang cố gắng khắc phục những thiếu sót trong tiêu chuẩn về việc mang thai hộ để đảm bảo quyền lợi cho những người phụ nữ. Ví dụ ở Anh, các cơ quan quản lý đang tiến hành đánh giá để cải thiện các biện pháp bảo vệ người mang thai hộ.
Nguồn: tuoitre.vn