Ngôi nhà 5 gian bằng gỗ được cụ ngoại dựng từ năm 1952 giờ vẫn còn nguyên vẹn và là nơi sinh sống của ông bà ngoại tôi. Dưới mái hiên này, chúng tôi đã được nuôi dưỡng, trưởng thành bằng tình yêu thương vô bờ bến của ông bà ngoại.
Ông bà ngoại năm nay đã gần 90 tuổi, thể chất không còn được như xưa nhưng trí tuệ vẫn minh mẫn. Trong ký ức và hiện tại của tôi, quê hương chính là hình bóng bà ngoại tôi với cái lưng còng, mái tóc bạc trắng và ông ngoại – một ông giáo làng có chòm râu dài như Bác Hồ.
Thiên đường tuổi thơ
Quê tôi là một xã thuộc trung du của tỉnh Vĩnh Phúc, nơi cách Hà Nội 80km và 80 phút lái xe ôtô bằng đường cao tốc. Nhà ông bà ngoại cũng giống như nhà tôi, đặc trưng của vùng trung du là ở lưng chừng đồi. Từ lúc tôi còn nhỏ cho đến bây giờ, nhà ông ngoại là một mảnh đất của một phần quả đồi rộng lớn. Ở đó có rất nhiều cây trái nào mít, dứa, hồng, bưởi, nhãn, vải…
Ông bà ngoại có đến 9 người con và mẹ tôi là con đầu. Khi tôi còn bé mẹ tôi vẫn thường kể chuyện về thời mẹ còn con gái. Thời đó, lúc chưa lấy chồng, mẹ tôi thường đi cùng những người trong làng mang trái cây trong vườn và cả những lá trầu không, buồng cau… đi từ quê xuống Hà Nội để bán.
Ông ngoại tôi là một trong những người hiếm hoi ở xã tốt nghiệp đại học và là một nhà giáo. Ông có 38 năm làm trong ngành giáo dục trước khi về hưu và nhận được nhiều huân huy chương vì sự nghiệp giáo dục. Ông nói cả đời đi dạy học vắng nhà, bà ngoại chính là người tần tảo nuôi 9 người con trưởng thành. Mãi đến khi về hưu ông mới giúp bà chăm sóc gia đình, làm công việc của người đàn ông trong nhà.
Vườn nhà ông có một cây hồng rất to, ra nhiều trái, thân nó đen sì. Khi mùa đông đến cây hồng vàng ươm đầy quả và lá thì chẳng còn cái nào. Đứa trẻ nào cũng mong lúc đó tất cả những quả hồng đều chuyển sang màu đỏ chín để được ăn hết thay vì chờ nó chín từng quả một. Khi đứng dưới hiên nhà, dựa vào một cái cột và ngắm những trái hồng vàng ươm trên cây, tôi từng mơ trở thành giáo viên – giống như ông ngoại.
Cũng có mùa hè “rực lửa” khi tôi thấy cơ thể nổi hàng chục cái mụn to, khắp người đau nhức. Khi hỏi làm sao tự dưng lại như vậy, mẹ mới nói do tôi ăn mật ong của ông ngoại. Ngày đó nghèo đói, tôi thường xin ông cho ăn mật ong ngọt lịm. Cưng chiều cháu, ông cho ăn mật ong thế là đến hè tôi nổi mụn khắp người. Sau lần đó tôi không còn dám ăn mật ong nữa, nỗi sợ dường như còn kéo dài đến cả lúc này khi tôi đã ở tuổi U40.
Bữa ăn no giữa lúc cơ hàn
Tôi sinh ra trong gia đình có 4 chị em gái và từ nhỏ cũng như bà ngoại, mẹ tôi phải nuôi con một mình vì bố vắng nhà. Bố tôi sau khi học xong ngành xây dựng được Nhà nước phân công lên làm việc tại Sở Xây dựng tỉnh Sơn La (cách nhà tôi khoảng 400km). Là cán bộ kỹ thuật, có thời gian bố còn được phân công sang Lào 3 năm làm việc dưới dạng chuyên gia. Bố vắng nhà suốt!
Và những năm tháng cực khổ đó, mẹ tôi phải dựa vào nhà ông bà ngoại để có thể nuôi chị em tôi khôn lớn. Mẹ kể do nhà nghèo không có tiền để lát gạch cái sân làm nơi phơi lúa, cứ mỗi vụ mùa về mẹ phải gánh lúa từ nhà tôi ra nhà ông bà ngoại để phơi nhờ. Con đường từ nhà tôi đến nhà ngoại đi qua một cái hồ giữa làng sau đó leo lên một con dốc cao dựng đứng nhưng có buổi sáng mẹ gánh lúa đến 9 lần. Hết gánh lúa, mẹ lại gánh tôi và chị gái sang nhà ông bà ngoại gửi để làm việc.
Khi tôi lớn lên, ký ức trong tôi về quê hương vẫn là nhà ông ngoại với một ngôi nhà gỗ rất dài và to, cái sân gạch quét mỏi tay chưa hết, là khu vườn đầy cây trái thơm ngon. Lúc bé tôi thường phải đi chăn trâu, ngoài con đường từ nhà ra đình làng thì vườn nhà ông ngoại cũng là nơi chăn trâu của tôi. Khi dắt con trâu ra nhà ông ngoại, tôi chỉ việc buộc nó vào một gốc cây nào đó và ông thường sẽ đi cắt cho nó một bó cỏ. Tôi lại có thể ở đó chơi cả ngày đến chiều và dắt trâu về.
Khi đói ăn, thiếu mặc, nơi chúng tôi tìm đến cũng là nhà ông ngoại. Bữa cơm trắng với món thịt kho đậu phụ ngon hết sẩy của bà ngoại là niềm mơ ước của tôi lúc nhỏ. Những ngày mùa hè trời mưa trơn trượt, còn nhớ chị em tôi mỗi người cầm một đầu cây tre khiêng từng quả mít, bao gạo từ nhà ông về nhà mình. Đi qua cái hồ giữa làng, tôi luôn sợ sẽ bị trượt chân và rơi cả người và mít xuống hồ.
Từ khi rời quê xuống Hà Nội học đại học và đi làm, bất kể khi nào về quê tôi đều đến thăm ông bà ngoại. Đến giờ bà ngoại vẫn gọi tôi bằng cái tên xưa bé mà ngoại đặt cho: “Thị Màu”. Có hôm tôi về quê, chưa kịp ra thăm ông bà, tôi đã thấy ông ngoại đạp xe vào, đèo sau xe là quả mít, trái bưởi để cho cháu.
Thể chất, tâm hồn tôi có được hôm nay là kết quả của sự nuôi dưỡng, trưởng thành bởi tình yêu thương vô bờ bến của ông bà ngoại và quê hương dịu ngọt. Cứ mỗi lần về quê được nhìn thấy ông bà ngoại, xem lũ trẻ chơi đùa dưới hiên nhà, tôi thấy mình thật hạnh phúc.
Vườn nhà ông bà ngoại là thiên đường cho chúng tôi – những đứa cháu đói ăn, nghịch như giặc. Tôi nhớ những trưa hè, đám trẻ con chúng tôi thường đi khắp vườn lấy nhựa mít để vào đầu một cái cây dài rồi đi bắt ve sầu. Sau đó là đi dọc vườn trên, vườn dưới kiểm tra từng quả mít xem có quả nào chín chưa. Ông bà dạy chúng tôi, quả mít chín sẽ có mùi thơm và nhiều khi có cả những con bướm đến đậu vào. |
Theo Tuoitre.vn