Với 119 nước đồng ý, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày 18-6 đã thông qua nghị quyết kêu gọi các quốc gia thành viên “ngăn chặn dòng chảy vũ khí đến Myanmar”. Trung Quốc và 37 nước khác đã bỏ phiếu trắng hoặc phản đối.
Nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) cũng kêu gọi quân đội Myanmar “ngừng ngay lập tức các hành động bạo lực với người biểu tình ôn hòa”.
Quốc gia Đông Nam Á này đã rơi vào bất ổn từ đầu tháng 2-2021, sau khi quân đội bắt giữ các lãnh đạo dân cử và đưa người của mình lên nắm quyền.
Kế hoạch hành động 5 điểm, kết quả của một hội nghị giữa các lãnh đạo ASEAN và quân đội Myanmar, cũng được nhắc đến.
Nghị quyết kế đó kêu gọi chính quyền quân sự cho phép đặc phái viên LHQ về Myanmar Christine Schraner Burgener được đến nước này.
Nghị quyết được thông qua đúng vào ngày Hội đồng Bảo an LHQ tổ chức thảo luận không chính thức về tình hình Myanmar.
Theo Hãng thông tấn AFP, bà Burgener đã thông báo vắn tắt nghị quyết của Đại hội đồng cho 15 nước Hội đồng Bảo an.
Không có tuyên bố chung nào của Hội đồng Bảo an được đưa ra sau cuộc họp ngày 18-6, một phần do các bất đồng giữa những nước có quyền phủ quyết.
Belarus là quốc gia duy nhất bỏ phiếu phản đối trong khi 38 nước gồm Nga, Trung Quốc, Iran, Ai Cập, Brunei, Campuchia, Lào và Thái Lan bỏ phiếu trắng.
Đại sứ Myanmar tại LHQ Kyaw Moe Tun ở phía ngược lại, theo AFP. Ông bỏ phiếu ủng hộ nhưng cho rằng Đại hội đồng không nên mất đến 3 tháng để làm điều này, rằng LHQ nên thể hiện quan điểm rõ ràng hơn về lệnh cấm vận vũ khí chính quyền quân sự Myanmar.
Đại hội đồng LHQ hiếm khi thông qua các nghị quyết lên án đảo chính quân sự ở các nước thành viên hoặc kêu gọi giới hạn nguồn cung vũ khí, theo AFP.
Hãng tin của Pháp nhận định mặc dù không mang tính ràng buộc và chưa mạnh mẽ đến mức kêu gọi “cấm vận vũ khí hoàn toàn”, nghị quyết ngày 18-6 là một động thái mạnh mẽ hiếm hoi của Đại hội đồng LHQ trước tình hình Myanmar.
Theo Hiệp hội hỗ trợ tù nhân chính trị Myanmar, hơn 860 người đã bỏ mạng khi quân đội và cảnh sát Myanmar giải tán các cuộc biểu tình trên khắp nước này.
Theo Hãng tin Reuters, chính quyền quân sự đưa ra một con số thấp hơn, khoảng 300 người, và cho rằng các biện pháp hành động của họ là chính đáng trước những kẻ quá khích.
Chính quyền Myanmar cũng bắt đầu xét xử các lãnh đạo dân sự, trong đó có bà Aung San Suu Kyi, người giữ chức cố vấn nhà nước Myanmar trước khi bị lật đổ.
Lãnh đạo quân đội Myanmar cam kết sẽ tổ chức tổng tuyển cử để thành lập chính phủ mới nhưng chỉ khi tình hình trong nước ổn định.
Nguồn: tuoitre.vn