Làm thế nào giữ mình tồn tại khi ở nơi không có thức ăn? Làm gì khi bị rơi vào hoàn cảnh ngặt nghèo như kẹt trong hang động, bị tai nạn khi băng đèo vượt thác?… Đi phượt lên rừng, xuống biển, vào hang động nên lưu ý điều gì?

Kỹ năng sinh tồn khi gặp nguy hiểm - Ảnh 1.

Một chuyến đi rừng của nhóm phượt trẻ 

Các phượt thủ với nhiều năm kinh nghiệm lăn lóc rừng, biển, hang động chia sẻ câu chuyện của mình.

Phượt thủ Phượng Hoàng:

Đi rừng: cẩn thận, coi chừng lạc

Kỹ năng sinh tồn khi gặp nguy hiểm - Ảnh 2.

Cách đây bốn năm, tôi và nhiều bạn khác đã tham gia một chuyến leo núi ở Yên Bái. Đó là một ngọn núi đẹp nhưng cao và đường đi hiểm trở. Chuyến đi không thuê người dẫn đường, chúng tôi tự đi.

Khi leo lên đỉnh núi, chúng tôi đi trên con đường nhỏ hẹp chỉ đủ chỗ đặt chân, còn hai bên là vực sâu. Nhiều bạn trẻ khỏe hơn đã vượt lên trước, tôi đi ở phía sau, đi một mình. Lúc đó tôi đã nghĩ nếu mình trượt chân rơi xuống vực chắc chẳng ai biết. Nếu mình bị lạc cũng sẽ rất khó tìm đường vì đã từng có những nhóm phượt bị lạc ở ngọn núi này.

Tôi đi một mình trong nỗi sợ hãi, đi cực kỳ cẩn thận, rón rén từng bước một và cuối cùng cũng đến nơi. Nhưng đây là chuyến đi đáng sợ nhất của tôi, mặc dù tôi đã một vài lần bị lạc trong rừng và hầu như năm nào cũng tham gia 3-4 chuyến leo núi, vào hang sâu kiểu du lịch mạo hiểm.

Từ những chuyến đi du lịch mạo hiểm, tôi rút ra một vài kinh nghiệm:

– Nếu đi tour thì nên mua tour của các công ty du lịch chuyên nghiệp, hỏi kỹ về các đồ dùng cần mang, các vấn đề có thể phát sinh.

– Không nên đi vào mùa dễ xảy ra mưa bão, nếu kẹt lại trong rừng sẽ rất nguy hiểm.

– Nếu phát hiện hoặc cảm thấy mình bị lạc trong rừng thì không nên đi tiếp, nên đánh dấu điểm bị lạc và tìm đường quay lại, trên đường đi cũng nên đánh dấu để tránh bị lạc tiếp vì đường trong rừng rất giống nhau, đôi khi tưởng là mình đã quay lại đúng đường nhưng rất có thể là lại rẽ sang đường khác.

– Điều quan trọng là mỗi cá nhân luôn chú ý mang theo túi thực phẩm, nước uống và các thuốc men cần thiết (thuốc trị bệnh tiêu chảy, trị sốt, xịt chống côn trùng, mang theo dao, áo mưa và chăn phượt để khi lạnh có thể sử dụng). Về đồ ăn và nước uống, luôn mang dư để phòng trường hợp lạc 1-2 ngày trong rừng.

– Luôn tuân thủ yêu cầu của hướng dẫn viên và các biển cảnh báo. Tuân thủ tuyệt đối yêu cầu mặc áo phao, cài mũ… Đây là các yêu cầu để đảm bảo sức khỏe và tính mạng nhưng nhiều người không để ý điều này và nguy hiểm có thể xảy ra.

Toại Nguyễn – nhà sản xuất chương trình phượt:

Qua sông suối, leo núi chú ý mực nước

Kỹ năng sinh tồn khi gặp nguy hiểm - Ảnh 3.

Du lịch khám phá và thể thao mạo hiểm ngày càng thu hút nhiều người Việt Nam tham gia, đặc biệt là giới trẻ. Nhưng việc trang bị những kỹ năng đều do mỗi cá nhân tự trau dồi, chưa có trường lớp bài bản nào giảng dạy.

Bản thân tôi học hỏi từ những kiến thức phổ thông và học thêm kinh nghiệm của những người đi trước, những người có chuyên môn, những người đi rừng chuyên nghiệp, những loạt phim đến nơi hoang dã của nước ngoài, tự trau dồi qua các chuyến đi.

Những nơi hoang vắng, mỗi chuyến đi luôn mang đến những điều thú vị. Song song đó là những nguy hiểm, rủi ro tiềm ẩn trên hành trình, từ côn trùng động vật đến thiên tai, bão lũ và luôn phải cẩn thận để bảo vệ mình.

Nguy hiểm luôn rình rập, nhưng nếu người đi phượt có kinh nghiệm sẽ giúp giảm thiểu được những rủi ro trên đường, phán đoán và giải quyết được các tình huống. Với du lịch mạo hiểm, đôi khi càng nguy hiểm lại càng tăng tính kích thích, đam mê khám phá cho người tham gia, nhưng luôn phải cẩn trọng để tránh những nguy hiểm tiềm ẩn.

Khi thực hiện những chuyến đi mới, tôi thường tìm hiểu kỹ về nơi mình sắp đến để có những trang bị cho bản thân. Khi đi leo núi, ngoài chiếc balô lớn để đủ đồ cần thiết đeo sau lưng, tôi còn một chiếc túi nhỏ chứa những vật dụng mật thiết nhất. Từ giấy tờ tùy thân, bật lửa, con dao… đến thực phẩm giàu dinh dưỡng và thuốc men (thuốc đau bụng, dầu gió…). Trong trường hợp nguy hiểm, cần di chuyển nhanh tôi hoàn toàn có thể vứt lại chiếc balô lớn, chỉ cần mang chiếc túi để tiếp tục hành trình. Những vật dụng trong chiếc túi ấy giúp bản thân có thể sinh tồn trong rừng.

Ngoài ra, phải biết dừng đúng lúc nếu cảm thấy có thể gặp nguy hiểm. Tháng 9-2015, tôi có hành trình chinh phục đỉnh Pusilung – ngọn núi nằm trong top 3 ngọn núi cao nhất VN. Để tiến hành hành trình này phải trải qua nhiều thủ tục xin phép, chuẩn bị. Khi đi được 2/3 đường lên đỉnh núi, thời điểm chúng tôi đi thì Tây Bắc đang vào những ngày mưa trái mùa, chúng tôi gặp con suối, nước dâng lên rất nhanh. Chúng tôi vẫn có thể vượt qua con suối này lên đỉnh. Nhưng nếu trời vẫn tiếp tục mưa, nước suối dâng lên nữa thì hành trình về, chúng tôi có thể bị kẹt lại giữa rừng khi lương thực mang theo chỉ đủ cho một vài ngày. Thế là chúng tôi cùng quyết định quay về, không đặt bản thân vào cảnh nguy khốn.

Sơn Đoòng có ngập như ở hang Tham Luang, Chiang Rai?

3658150a 2(read-only)

Vượt sông suối, thác nước trong hang Sơn Đoòng

Trên trang cá nhân, ngày 11-7 ông Nguyễn Châu Á (Công ty Oxalis, nhà tổ chức tour du lịch tại Sơn Đoòng) cho hay có nhiều người nhắn tin cho ông hỏi liệu Sơn Đoòng có nguy cơ ngập như hang Tham Luang, Chiang Rai, Thái Lan hay không?

“Câu trả lời là không, vì chúng tôi chỉ cho phép chạy tour từ tháng 1 đến hết tháng 8 hằng năm, cuối tháng 8 sẽ tháo hết thiết bị mang ra ngoài bảo trì. Tháng 9-11 là mùa mưa lụt ở Phong Nha và chúng tôi tuyệt đối không đưa du khách vào những tháng này. Vào mùa hè, đôi khi có những trận mưa lớn làm nước dâng cao thì chúng tôi luôn có đường dự phòng ở trên cao để di chuyển an toàn” – ông Châu Á viết.

Các chú ý khi đi phượt nơi hoang dã:

1- Luôn tìm hiểu về nơi mình sắp đến.

2- Nên đi theo nhóm, không nên tách nhóm hay đi một mình. Đi theo nhóm cũng có ý nghĩa giúp mọi người hỗ trợ nhau.

3- Trước khi thực hiện hành trình, nên báo cho người thân biết về chuyến đi, thời gian điểm đầu và điểm cuối của hành trình.

4- Luôn mua bảo hiểm cho chuyến đi của mình đề phòng những trường hợp bất trắc.

5- Chỉ đi vào lúc trời còn sáng, chuẩn bị chỗ trú trước khi mặt trời lặn.

6- Khi bị lạc ở rừng, nguyên tắc cơ bản là duy trì thể lực, nuôi dưỡng tinh thần bằng suy nghĩ lạc quan, tìm cách quay lại đường mòn hoặc đến nơi cao và thoáng đãng rồi đốt lửa và ra tín hiệu cầu cứu.

TOẠI NGUYỄN

Phải học kỹ năng sinh tồn

Theo BS Dương Đức Hùng (Bệnh viện Bạch Mai), trẻ em VN đang rất thiếu kỹ năng do không được học, ví dụ như lá nào là độc, nấm nào độc, nước nào uống được… “Cần trang bị kỹ năng sinh tồn cho trẻ, khi đến vùng lạ và không có nước, nếu thấy ao hoặc suối có cá là uống được, nhưng nếu nước trong leo lẻo không sinh vật nào sống được thì có thể là có lá độc rơi vào” – BS Hùng cảnh báo.

Cũng theo ông Hùng, trong tình huống bị lạc trong rừng hay trong hang thì người bị lạc cần bình tĩnh, ổn định về tâm lý. Điều này cũng giúp giảm tiêu hao năng lượng. Huấn luyện viên Thái Lan hướng dẫn các em ngồi thiền cũng là cách giảm tiêu hao năng lượng và ổn định về tâm lý. Còn nếu mình kích động, lo lắng thì vừa tiêu tốn năng lượng vừa dẫn đến các stress về thần kinh. Thứ nữa là phải ngủ được, nếu không rất dễ bị loạn thần. Có ba thứ thiếu sẽ dẫn đến nguy hiểm là không khí, nước và thức ăn, thì thiếu không khí là nguy hiểm nhất, thứ đến là thiếu nước và sau đó là thiếu thức ăn.

Ngoài ra, có một thứ rất cần khi phải tồn tại trong hang động là ánh sáng.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : du lịchkinh nghiệmký năng sinh tồnmạo hiểmnỗi sợ hãi

Các tin liên quan đến bài viết