Sức mạnh ngôn từ của Tổng thống Mỹ Donald Trump nằm ở đâu? Và ông đã vận dụng những yếu tố nào để phát huy khả năng này.
Trong một bài viết được đăng trên trang The Conversation, Phó giáo sư Robert Danisch thuộc khoa Nghệ thuật Truyền thông Đại học Waterloo (Canada) cho rằng, để trả lời những câu hỏi, chúng ta phải hiểu rằng, vấn đề cốt lõi nằm ở sự hiểu lầm sâu sắc và dai dẳng của nhiều người về định nghĩa “phương thức giao tiếp”, khi coi nó chỉ là sự truyền đạt từ đối tượng này đến đối tượng khác những thông tin và ngôn từ có ý nghĩa.
Tổng thống Mỹ Donald Trump |
Từ góc độ trên, những lời nói của Tổng thống Trump vốn chỉ được hình dung như một kênh truyền dẫn những suy nghĩ trong đầu ông đến người nghe, nên không ít người đã quen với định kiến rằng lời nói và bài đăng trên Twitter của ông Trump chứa toàn “thông tin sai lệch”.
Khả năng hùng biện của Tổng thống Trump
Theo Phó giáo sư Danisch, mô hình truyền thông thường được mô tả là sự truyền dẫn thông qua ngôn ngữ và các dạng tín hiệu khác qua một kênh truyền tin và trên một khoảng cách nào đó. Tuy nhiên, điều này đã bỏ qua các yếu tố “phi kỹ thuật” và sẽ không nhìn nhận đầy đủ về khả năng hùng biện của Tổng thống Trump thông qua cách thức ông thể hiện chủ kiến bằng ngôn từ.
Nhiều người thường nghĩ rằng quá trình giao tiếp của con người cũng phức tạp như quá trình truyền tải thông tin mang tính kỹ thuật, và thường lo lắng về việc người khác có thể “nhận được” những gì mình vừa diễn đạt hay không. Điều này giống như khi các bác sĩ của Tổng thống Trump cập nhật với báo giới về tình trạng sức khỏe của ông, họ chỉ đang làm nhiệm vụ “cung cấp” thông tin để người khác có thể “nhận được” thông tin đó.
Phó giáo sư Robert Danisch cho rằng, phân tích những thông tin Tổng thống Trump từng phát biểu bằng việc chỉ xác định xem điều đó đúng hay sai dựa trên những gì đang thực sự diễn ra, là một cách không hiệu quả để hiểu những gì ông Trump thực sự muốn truyền đạt. Thay vào đó, chúng ta nên tập trung vào cái mà ông Danisch và nhiều người khác gọi là “mô hình tu từ của giao tiếp”, tức ý nghĩa và tác động mà những thông tin trên tạo ra.
Cách đây khoảng 2.400 năm, nhà hùng biện kiêm triết gia nổi tiếng Hy Lạp Gorgias cho rằng, lời nói có tác dụng tương tự như chất kích thích đối với cơ thể. Những nhà tiên tri thời Hy Lạp cổ đại cũng từng trò chuyện với những người lính bị thương sau khi ra trận, với hy vọng lời nói của họ sẽ chữa lành vết thương của các binh sĩ.
Vì vậy, thay vì đặt ra những câu hỏi như liệu những lời hùng biện của Tổng thống Trump là đúng hay sai, thay vì cố gắng diễn giải từng thông tin trong câu nói của ông để tạo cảm giác hiểu chính xác những gì ông Trump thực sự đang nói, thì chúng ta nên đặt câu hỏi: Lời nói của Tổng thống Trump có ảnh hưởng gì đến chúng ta, đặc biệt là những người ủng hộ ông?
Gây phản ứng mạnh mẽ
Theo Robert Danisch, những lời nói của Tổng thống Trump thường có mục đích tạo ra phản ứng mạnh mẽ. Chẳng hạn, khi chế nhạo việc đeo khẩu trang của các phóng viên, ông Trump biết rõ rằng mình sẽ gây ra phản ứng mạnh mẽ từ cả giới truyền thông và những người ủng hộ, mà chẳng hề bận tâm đến độ chính xác của thông tin mình vừa truyền tải.
Ông Trump cũng biết rõ các cuộc bầu cử tại Mỹ không bao giờ phân thắng bại dựa trên các ý tưởng, chính sách hay lựa chọn của các cử tri có sáng suốt hay không, mà hoàn toàn dựa trên hiệu ứng từ lời nói của các ứng cử viên.
Trong suốt 20 năm giảng dạy các lớp học hùng biện và giao tiếp trong hầu hết các lớp học, Phó giáo sư Danisch luôn khởi đầu bằng cách yêu cầu sinh viên của ông chú ý nhiều hơn đến tác động của lời nói đối với người khác chứ không phải thông tin họ muốn truyền đạt. Từ kinh nghiệm trên, ông cho rằng Tổng thống Trump chắc chắn đã nắm được bài học đó, nên những gì ông Trump nói hoàn toàn không quan tâm đến độ xác thực của những thông tin được truyền đi, mà chỉ nhằm mục đích tạo ra tác động mạnh nhất về mặt cảm xúc, như các cảm giác phẫn uất, không tin tưởng và xung đột lẫn nhau.
Việc tạo xung đột với những người mà chúng ta phẫn nộ và không tin tưởng sẽ thúc đẩy thêm sự chú ý, và đây là đặc tính của ngành giải trí, truyền hình thực tế và nghệ thuật sân khấu suốt hàng nghìn năm qua.
Yếu tố này tạo cho khán giả cảm giác không chắc chắn, lo lắng, sợ hãi…và đó là mục đích đằng sau những lời nói, cử chỉ của Tổng thống Trump, bất luận thông tin ông muốn truyền đạt như thế nào. Đội ngũ bác sĩ điều trị ông Trump tại Walter Reed cũng phục vụ mục đích trên, họ thu hút sự chú ý thông qua những thông tin không không thật sự chắc chắn.
Ông Robert Danisch kết luận rằng, tất cả những cảm xúc mà Tổng thống Trump nhắm đến ở trên chính là thứ đã tạo được sức thu hút lớn, khiến mọi người giờ đây chỉ chú ý đến nhất cử nhất động của ông, kể cả khi Tổng thống phải nhập viện điều trị Covid-19. Sự chú ý bao giờ cũng mang thuyết phục, bởi cách chúng ta phản ứng với lời nói của ông Trump bao giờ cũng có ý nghĩa hơn lượng thông tin ông vừa truyền tải
Khuếch đại lời hùng biện của ông Trump
Mỗi khi CNN hoặc Fox News phát sóng các cuộc họp báo của Tổng thống Trump, họ đang góp phần khuếch đại những tác động ngôn từ của ông bằng cách truyền bá chúng đến nhiều khán giả hơn. Ông Trump biết điều này, các hãng tin tức cũng biết điều này, nhưng vẫn tiếp tục để nó được diễn ra.
Theo ông Robert Danisch, đó là vì những yếu tố căng thẳng và kịch tính bao giờ cũng thúc đẩy sự chú ý, nên những lời nói của Tổng thống Trump có tác dụng tạo tâm lý căng thẳng, lo lắng, xung đột và do đó gây được sự chú ý rộng tãi.
Điều này có thể dễ dàng được nhìn thấy từ việc phân tích các phép tu từ, phương pháp diễn đạt trong mỗi lời nói của ông Trump (như cường điệu hóa, hình tượng hóa, công kích cá nhân, gây mơ hồ…).
Phó giáo sư Đại học Waterloo cho rằng, việc nhìn nhận Tổng thống Trump một cách đúng đắn nhất đòi hỏi những thay đổi trong cách phản ứng đối với mỗi lời nói của ông. Vì thế, chúng ta cần phải đánh giá mọi phát biểu của ông Trump bằng một thái độ trung lập, khách quan, tránh tâm lý xúc phạm hay cường điệu hóa chúng.
Nguồn: vietnamnet