Cuộc chiến công nghệ Mỹ – Trung ngày càng khốc liệt, khó lường. Dù thời gian diễn ra chưa dài nhưng đã có không ít quốc gia bị “mắc kẹt” với tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, thậm chí chịu tổn thất không hề nhẹ.

Giấu mình chờ thời

Ngay khi tiến hành cải cách, mở cửa năm 1978, nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình xác định khoa học và công nghệ là 1 trong 4 hiện đại hóa, yếu tố then chốt để đưa đất nước tới “thịnh vượng và quyền lực”.

Lãnh đạo Trung Quốc đã tiến hành cải cách đột phá về thể chế khoa học và công nghệ, thực hiện chính sách “tôn trọng trí thức, tôn trọng nhân tài”. Họ làm mọi cách để tăng nhanh số lượng cá nhân ưu tú đến Mỹ và các nước phát triển học tập nhằm “bù đắp cho hàng thập kỷ mất mát” bởi cách mạng Văn hóa, nhanh chóng bắt kịp tiến bộ khoa học và công nghệ thế giới.

Hành trình xưng bá công nghệ của Trung Quốc
Công nhân làm việc tại một nhà máy ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.

Đến cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2007-2008, Trung Quốc đạt được bước tiến lớn nhưng vẫn chỉ được biết đến là “công xưởng thế giới”, quốc gia “đạo nhái”, bị xem thường là chỉ giỏi sao chép, “làm thuê” cho Mỹ và phương Tây.

Nhưng ngay khi đó, Trung Quốc đã chớp thời cơ Mỹ và phương Tây loay hoay thoát khủng hoảng, tung ra chương trình Ngàn nhân tài đột phá nhằm chiêu mộ người Trung Quốc xuất chúng thành danh ở nước ngoài.

Đích nhắm là Mỹ, để nhanh chóng có được công nghệ cao nhằm một mặt tự chủ, không phụ thuộc vào công nghệ cao của Mỹ và đồng minh, mặt khác, cạnh tranh với Mỹ và đồng minh ở tầm toàn cầu, nhất cử lưỡng tiện tăng sức mạnh cho mình trong khi làm suy yếu đối thủ.

Bắt đầu từ đó, làn sóng nhân tài Hoa kiều dồn dập đổ về Trung Quốc, dòng kỹ sư và nhà khởi nghiệp trở về từ thung lũng Silicon đã góp phần tạo nên xu hướng phát triển bùng nổ của các công ty công nghệ cao.

Nắm bắt thời cơ

Khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền năm 2012, Trung Quốc thấy mình đã “đủ lông đủ cánh”, không cần “giấu mình chờ thời” nữa mà cần nắm bắt thời cơ tiến tới mục tiêu “giấc mộng Trung Hoa” vào năm 2049.

Cách mạng công nghiệp 4.0 được cho là cơ hội hiếm có để Trung Quốc thay thế vị trí lãnh đạo toàn cầu của Mỹ và vượt Mỹ về công nghệ cao. Bởi vậy, Trung Quốc hạ quyết tâm, dồn lực đột phá vào công nghệ cao, nhất là những công nghệ mới nổi.

Trung Quốc tin rằng với việc phát huy các ưu thế vượt trội của mình, họ sẽ sớm thay thế vị trí lãnh đạo công nghệ toàn cầu của Mỹ với những lợi thế hơn Mỹ gồm:

Thể chế chính trị tập trung quyền lực giúp Trung Quốc nhanh chóng huy động các nguồn lực nhà nước, xã hội và thị trường trong thực hiện các chính sách công nghiệp để đạt tham vọng công nghệ.

Hành trình xưng bá công nghệ của Trung Quốc
Công nhân sản xuất tại một phân xưởng ở Quảng Châu, Trung Quốc.

Trung Quốc hiểu rất rõ rằng để tạo nên sự bứt phá về công nghệ thì không thể phó mặc hoàn toàn cho khu vực tư nhân và thị trường mà cần có sự hỗ trợ đắc lực từ khu vực công và nhà nước, nhất là về cơ chế chính sách và đầu tư.

Mỹ có năng lực đổi mới sáng tạo vượt trội nhưng lợi thế đó khó có thể phát huy nếu thiếu năng lực sản xuất. Sự phụ thuộc của Mỹ vào năng lực sản xuất của Trung Quốc, cùng với việc Trung Quốc có số lượng kỹ sư lớn và sự hỗ trợ đắc lực của nhà nước mang lại những lợi thế cạnh tranh dài hạn cho Trung Quốc.

Trung Quốc ngày càng có ảnh hưởng lớn trong thiết lập tiêu chuẩn toàn cầu, nhất là ở các công nghệ mới nổi như 5G, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, điện toán đám mây, dữ liệu lớn…

Ba đại kế

Ba đại kế chủ yếu được Trung Quốc thực hiện để phát huy các lợi thế nhằm “đi tắt đón đầu” để sớm thay thế vị trí lãnh đạo công nghệ toàn cầu của Mỹ.

Kế hoạch đột phá 10 năm mang tên Made in China 2025 thực hiện từ năm 2015 nhằm tự chủ về công nghệ cao với 3 điểm nhấn. Đó là: Ưu tiên phát triển 10 ngành công nghệ cao; ưu tiên tạo nên 7 “ông vua nội địa” về công nghệ thông tin và viễn thông thế hệ mới với sứ mệnh tiên phong tiến ra chiếm lĩnh thị trường toàn cầu; tăng cường mua quyền sở hữu trí tuệ để bắt kịp và vượt sức mạnh công nghệ của Mỹ.

Khởi xướng Con đường tơ lụa kỹ thuật số năm 2015 nhằm nhân rộng mô hình kỹ thuật số ra toàn cầu, giúp Trung Quốc dẫn đầu toàn cầu về những công nghệ mới nổi và kỹ thuật số.

Tiêu chuẩn Trung Quốc 2035 ban hành cuối năm 2020 nhằm quốc tế hóa tiêu chuẩn quốc gia, thiết lập tiêu chuẩn toàn cầu đối với các công nghệ thế hệ tiếp theo.

Thành quả và tiềm lực  

Bất chấp những hoài nghi, Trung Quốc đã bứt phá thần tốc về công nghệ cao, nhanh chóng bắt kịp, thậm chí vượt Mỹ và tiên phong ở một số lĩnh vực.

Trung Quốc sánh ngang với Mỹ và đồng minh ở những công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử, xe điện. Hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu của họ được cho là ngang ngửa, có thể thay thế hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu GPS của Mỹ, thậm chí còn được đánh giá là có độ chính xác hơn. Trung Quốc còn tiên phong đưa vệ tinh liên lạc lượng tử vào không gian và dẫn đầu thế giới về hệ thống vệ tinh 5G.

Trung Quốc đã vượt Mỹ ở một số lĩnh vực, năm 2016, vượt Mỹ về số bài báo khoa học tự nhiên, năm 2019 vượt về số bằng sáng chế và số startup. Họ cũng đã vượt Mỹ về thanh toán di động, thương mại điện tử, nhận dạng khuôn mặt, công nghệ giám sát.

Đặc biệt, Trung Quốc chiếm ưu thế hơn hẳn Mỹ về công nghệ 5G và kỹ thuật số. Họ bỏ xa Mỹ cả về quy mô, tốc độ phủ sóng 5G cũng như ứng dụng 5G trong sản xuất công nghiệp. Đến nay, Mỹ vẫn loay hoay thử nghiệm 5G trong sản xuất công nghiệp, Trung Quốc đã có hệ sinh thái 5G mạnh, doanh nghiệp đã vận hành 5G đầy đủ, cảng Hạ Môn tự động hóa hoàn toàn năm 2020 với mạng 5G.

Thiết bị 5G Trung Quốc phổ dụng, chiếm hơn 40% thị phần toàn cầu, len sâu vào cả cơ sở hạ tầng viễn thông của các nước đồng minh của Mỹ. Trung Quốc còn đang dần lấp đầy các “khoảng trống” kỹ thuật số, “vùng ảnh hưởng độc quyền” với luật chơi của họ trải rộng khắp thế giới.

Giờ đây, Trung Quốc đang trên hành trình vươn tới mục tiêu bá chủ công nghệ vào năm 2035 với nhiều thách thức to lớn nhưng tiềm lực không hề nhỏ. Đáp trả sự trừng phạt khốc liệt của Mỹ, họ đang quyết chạy đua phát triển chip tiên tiến, các công nghệ cốt lõi khác và các công nghệ mới nổi để trở thành “một siêu cường công nghệ tự lực cánh sinh” với bệ đỡ khá vững về kinh tế, nhân lực, nhân tài cùng khí thế và sự tự tin hơn bao giờ hết.

Trung Quốc có 1,41 tỷ dân, thu nhập bình quân đầu người trên 10.000 USD, mức tăng trưởng kinh tế cao, tổng nguồn lực huy động là cực lớn. Nước này có đội ngũ 1,87 triệu nhà nghiên cứu – lớn hơn Mỹ (1,43 triệu người), số tiến sĩ kỹ thuật và kỹ sư cũng nhiều hơn Mỹ. Trung Quốc còn có tầm nhìn dài hạn, chiến lược rất rõ ràng trong thu hút nhân tài toàn cầu, nhất là nhân tài Hoa kiều – chìa khóa phát triển công nghệ cao.

Trung Quốc và cá nhân ông Tập Cận Bình có quyết tâm và ý chí quyết đưa Trung Quốc lên đỉnh cao công nghệ toàn cầu, hiện thực hóa “giấc mộng Trung Hoa”.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : Mỹtrung quoc

Các tin liên quan đến bài viết